Bắc Giang xúc tiến tiêu thụ sâm nam núi Dành

16:14' - 30/03/2024
BNEWS Sâm Nam núi Dành là một trong những cây dược liệu quý được UBND huyện Tân Yên chỉ đạo phát triển, nâng cao giá trị và xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm sâm nam núi Dành ở thị trường trong và ngoài nước, ngày 30/3 tại núi Dành, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang diễn ra Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm sâm nam núi Dành năm 2024.

Hội nghị là dịp giới thiệu nguồn gốc, chất lượng, quy trình trồng, chăm sóc, chế biến sâm nam núi Dành, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác, ký kết tiêu thụ sản phẩm.

Sâm Nam núi Dành là một trong những cây dược liệu quý được UBND huyện Tân Yên chỉ đạo phát triển, nâng cao giá trị và xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Sâm nam núi Dành có chất lượng vượt trội, tương đương sâm Hàn Quốc. Tương truyền đây là sản vật tiến vua và là loài sâm chữa lành mắt mẹ vua Tự Đức.

Hiện huyện Tân Yên có khoảng 125 ha sâm nam núi Dành được trồng tại các xã Việt Lập, Liên Chung, thị trấn Cao Thượng. Năm 2024 huyện thu hoạch khoảng 30 tấn của; trên 60 tấn hoa. Thời gian thu hoạch hoa sâm từ 15/8 đến 30/9 hàng năm.

Sản phẩm chế biến từ sâm nam núi Dành hiện nay rất đa dạng như: hoa, củ sâm tươi, trà sâm, dầu gội đầu, sâm hòa tan, nước ngọt, nước tăng lực, nước bổ dưỡng, thuốc thảo dược, viên sáng mắt, rượu sâm, trà hoa sâm... được tiêu thụ trên các hệ thống phân phối bán lẻ lớn như Mega Market, chuỗi siêu thị Go, sàn thương mại điện tử shoope, các công ty dược, công ty bánh kẹo, nước tăng lực.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Ngô Quốc Hưng khẳng định, sản phẩm sâm nam núi Dành, “sản phẩm tiến vua” đặc hữu của vùng đất Tân Yên có chất lượng vượt trội, bổ dưỡng, đảm bảo an toàn thực phẩm và sẽ là sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn sử dụng.

Huyện Tân Yên cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng sâm, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sâm; chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác...

Tại hội nghị, nhiều ý kiến khẳng định chất lượng sâm nam núi Dành. Theo Tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Trung tâm thực nghiệm sinh học công nghệ cao, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, chất lượng của sâm nam núi Dành phụ thuộc vào độ tuổi của cây. Một số nhóm chất chính trong mẫu sâm nam núi Dành là Saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin, saccharid. Hàm lượng saponin của sâm nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc. Đối với sâm từ 7,8 năm tuổi hàm lượng saponin cao hơn 1,5 lần sâm Hàn Quốc.

Ông David Trần, Giám đốc khu vực các nước ASEAN, Tập đoàn Ibenetor Hoa Kỳ cho biết, từ các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh sâm nam núi Dành có hàm lượng saponin rất cao, có thể đưa vào ứng dụng và chế biến sâu cho ra nhiều sản phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.  Do đó công ty rất vui khi được hợp tác cùng các đơn vị từng bước đưa các sản phẩm từ sâm nam núi Dành đến tay người tiêu dùng trong nước, quốc tế. Đặc biệt, hiện công ty đang hướng đưa sản phẩm này tiêu thụ ở thị trường các nước ASEAN và Hoa Kỳ.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng đề xuất, các cấp chính quyền nên quy hoạch vùng nguyên liệu sâm nam núi Dành có tính tập trung cao; đẩy mạnh truyền thông, maketing trên các loại hình thông tin, nền tảng  xã hội như facebook, tiktok; tạo sự liên kết sản xuất giữa các hộ trồng sâm với các hộ kinh doanh cá thể, các hợp tác xã, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng đó, đào tạo kỹ thuật chăm sóc cây sâm cho bà con, đẩy mạnh sản xuất theo mô hình hữu cơ; xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm sâm nam núi Dành gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Nhân dịp này, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã đã ký kết hợp tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm sâm nam núi Dành.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục