Bắc Ninh thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững

10:25' - 16/11/2023
BNEWS Tỉnh Bắc Ninh tập trung thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng.

Ngày 10/11, tại xã Ngũ Thái, thị xã Thuận Thành, UBND tỉnh Bắc Ninh chính thức khởi động dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng thủ đô Hà Nội.  

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô có tổng chiều dài 112 km, đi qua các tỉnh thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, đoạn qua Bắc Ninh hơn 25 km và tuyến nối dài 9,7 km. Dự án được xác định là vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Bắc Ninh.

Đây cũng là một trong những công trình giao thông quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp, người dân, doanh nghiệp lưu thông liên vùng, hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong 10 tháng qua, số doanh nghiệp thành lập mới tại Bắc Ninh tăng mạnh 71% so với tháng trước và tăng 57,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, số doanh nghiệp tăng mạnh trên địa bàn tỉnh do xu hướng hồi phục của kinh tế thế giới, cùng những chính sách thu hút và lợi thế sẵn có của tỉnh.

Theo kết quả điều tra khảo sát xu hướng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp nhận định triển vọng kinh doanh sẽ tốt lên trong những tháng cuối năm khi kinh tế thế giới hồi phục. Cùng với đó, Bắc Ninh đã có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời hỗ trợ kinh doanh phát triển bền vững sẽ tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp tăng tốc.

Lũy kế 10 tháng, cả 3 chỉ tiêu, số doanh nghiệp thành lập mới; tổng số vốn đăng ký; vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp thành lập mới đều tăng nhiều so với cùng kỳ, lần lượt là 36,3%; 59,7%; 17,2%.

Tính chung 10 tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của tỉnh là 2.897 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 27.756 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 36,3% về số doanh nghiệp và tăng 59,7% về tổng vốn đăng ký bổ sung. Đáng chú ý, vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong 10 tháng, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 766 doanh nghiệp, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại có 278 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, tăng 6,5% so với cùng kỳ và có đến 1.642 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tăng 30,6%.

Như vậy, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và tái gia nhập thị trường là 3.663 doanh nghiệp, bằng 190,8% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 1.920 doanh nghiệp. Ngoài ra, có 355 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình nhằm thích nghi theo mô hình hoạt động phù hợp hơn.

Lũy kế đến 18/10, tỉnh có 21.913 doanh nghiệp đã đăng ký, tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước, với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 381.252 tỷ đồng, tăng 11% và 5.654 đơn vị trực thuộc, tăng 15,9%.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng, để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng tiếp cận các hình thức sản xuất mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp, đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025”.

Theo đó, tỉnh tập trung phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững theo hướng bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ; phối hợp triển khai xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển nền tảng thông tin kết nối khách hàng để hình thành cơ sở thông tin dữ liệu về doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

Tỉnh Bắc Ninh khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững, các tổ chức tài chính, tín dụng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tín dụng cho kinh doanh bền vững.

Đồng thời, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo về xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình, phương án kinh doanh bền vững; nhân sự; tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp chuyển đổi số về quy trình kinh doanh, quản trị; đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh bền vững của doanh nghiệp như: hỗ trợ đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; hỗ trợ chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; hỗ trợ chi phí thuê địa điểm.

Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, cải tiến công nghệ; kết nối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh...

Trong 25 năm qua kể từ khi tái lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đạt trung bình 13,9%/năm. Đến nay, Bắc Ninh cơ bản là một trung tâm công nghiệp kỹ thuật cao với tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 76,5% nền kinh tế, nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt cao trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Hiện tại, tỉnh Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung với 24 dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp, tổng diện tích 6.398 ha. Các Khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng đồng bộ và hiện đại, phúc lợi xã hội dồi dào và ổn định, đảm bảo an sinh cho người dân và công nhân lao động trong các khu công nghiệp.

Thực tế, để thu hút nhiều doanh nghiệp đến với Bắc Ninh, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục