Bài học không cũ mùa Giáng sinh

09:59' - 12/12/2021
BNEWS Khi chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là tới Giáng sinh, số ca mắc mới trên thế giới trong 7 ngày có xu hướng tăng trở lại, gần 4.233.000 ca.

Gần 70 bác sĩ và y tá tại khoa hồi sức tích cực ở một bệnh viện của Tây Ban Nha vừa được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi tham dự bữa tiệc Giáng sinh. Hơn 100 người  có mặt tại bữa tiệc cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Vụ việc này một lần nữa cho thấy cảnh giác trước sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong mùa Giáng sinh và Năm mới chưa bao giờ là bài học cũ.

Khi chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là tới Giáng sinh, số ca mắc mới trên thế giới trong 7 ngày có xu hướng tăng trở lại, gần 4.233.000 ca. Omicron đang "phủ sóng" ngày càng rộng trên bản đồ thế giới với 60 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo các ca mắc biến thể này.

Theo Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky, ước tính, trong 7 ngày qua, Mỹ ghi nhận khoảng 118.000 ca/ngày, tăng 16% so với tuần trước và tăng 23% so với dịp lễ Tạ ơn.

Số ca tử vong trung bình tại Mỹ là 1.100 trường hợp/ngày, tăng khoảng 28% so với 7 ngày trước đó. Số ca phải nhập viện điều trị cũng lên tới 7.441 người/ngày, tăng khoảng 16%. Biến thể Omicron đã "bám rễ" tại 25/50 bang của Mỹ trong khi  biến thể Delta vẫn chiếm tới 99% số ca mắc mới tại nước này.

Giới chuyên gia cho rằng dù 60% người Mỹ đã tiêm đủ liều và 15% được tiêm mũi tăng cường, song việc số ca mắc và tử vong vẫn gia tăng cho thấy ngoài tiêm phòng, việc tuân thủ biện pháp phòng dịch để tránh nguy cơ dịch diễn biến xấu hơn khi lễ Giáng sinh và  Năm mới sắp đến gần là điều hết sức quan trọng.

Với tỷ lệ lây nhiễm và nhập viện đã tăng lần lượt 43% và 29% kể từ kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, chính quyền bang New York vừa ban hành quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại tất cả các địa điểm công cộng trong không gian kín trên toàn bang, kể từ ngày 13/12 đến 15/1/2022. Những cá nhân hay tổ chức vi phạm sẽ phải chịu mức phạt 1.000 USD/trường hợp.

Theo Tiến sĩ Mary Bassett, quan chức y tế bang New York, sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng đòi hỏi giải pháp với quy mô cộng đồng, tiêm chủng và đeo khẩu trang là cần thiết để giảm đà lây lan của dịch bệnh.

Anh ghi nhận "kỷ lục buồn” khi số ca mắc mới theo ngày tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 1/2021 với 58.969 ca ngày 10/12. Giới chức y tế cảnh báo nước Anh đang đối mặt với tình huống đáng lo ngại khi biến thể Omicron lây lan nhanh khiến số ca lây nhiễm tăng gấp đôi sau mỗi 2-3 ngày. Ước tính, 30% số ca bệnh mới tại London là mắc biến thể Omicron.

Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xu hướng hiện nay, nhiều khả năng  Omicron sẽ trở thành biến thể thống trị tại Anh với hơn 1 triệu ca mắc vào cuối tháng này. Thậm chí nhà dịch tễ học Anh John Edmunds cảnh báo số ca mắc biến thể Omicron tại nước này có thể vượt mốc 60.000 ca/ngày trong 2 tuần trước Giáng sinh.

Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã khởi động "Kế hoạch B" đối với vùng England nhằm ngăn chặn đà lây lan của biến thể Omicron, yêu cầu người dân làm việc tại nhà, đeo khẩu trang tại nơi công cộng và sử dụng chứng nhận tiêm chủng. Trong khi đó, người dân tại Scotland cũng được khuyến cáo hạn chế các buổi tiệc Giáng sinh.

Theo lý giải của Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid , việc áp đặt các biện pháp hạn chế mới này có sự tính toán dài hạn, giúp tránh được nguy cơ phải siết chặt kiểm soát vào dịp Năm mới, đồng thời kéo dài thời gian để người dân kịp tiêm mũi vaccine tăng cường, qua đó bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ mắc bệnh nặng hơn trong trường hợp biến thể Omicron có thể kháng vaccine một phần.

Nhiều nước cũng kích hoạt các quy định phòng dịch nghiêm ngặt hơn. Pháp, quốc gia đang trải qua làn sóng dịch thứ năm, đã ban hành loạt quy định có hiệu lực trong 4 tuần, kể từ ngày 10/12, trong đó có đóng cửa các hộp đêm, đeo khẩu trang và xuất trình thẻ tiêm chủng tại những địa điểm công cộng có không gian kín.

Theo Cơ quan Y tế công cộng Pháp, tỷ lệ mắc bệnh tại nước này hiện là 448 ca/100.000 dân và con số này có khả năng tăng hơn nữa khi biến thể Omicron đã xuất hiện. Trong khi đó, Đức thông qua luật mới, yêu cầu các y, bác sĩ và nhân viên làm việc tại các bệnh viện, phòng khám và nhà dưỡng lão phải có chứng nhận tiêm chủng hoặc từng mắc bệnh trong vòng 6 tháng trở lại đây.

Luật mới cũng cho phép 16 bang của Đức đóng cửa các quán bar và nhà hàng cũng như cấm các sự kiện lớn, quy tụ đông người do tỷ  lệ lây nhiễm virus cao. Na Uy, Thụy Điển, Ba Lan hay Ireland cũng đã nhanh chóng áp đặt các lệnh hạn chế.

Australia - một tháng trước bắt đầu mở cửa trở lại sau hơn một năm kiểm soát biên giới - đã dừng kế hoạch cho phép người di cư và sinh viên quốc tế nhập cảnh trong hai tuần do lo ngại Omicron.

Nhật Bản đã đóng cửa biên giới đối với hầu hết đối tượng không phải là công dân, bao gồm sinh viên quốc tế, doanh nhân và những người đến thăm gia đình. Philippines đã tạm thời đình chỉ kế hoạch cho phép du khách quốc tế đã tiêm phòng đầy đủ tới nước này.

Hàn Quốc, quốc gia vốn đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trên 7.000 ca/ngày, cũng đã tái áp đặt các hạn chế và áp dụng "thẻ vaccine" nhằm hạn chế mọi hoạt động tụ tập và khuyến khích người dân tiêm chủng, kể từ ngày 6/12 đến ngày 2/1/2022.

Có thể thấy rõ thực tế rằng dù là biến thể Delta trội hơn hay Omicron có khả năng trở thành biến thể thống trị trong thời gian tới, các nước trên thế giới đã "thấm thía" những bài học về dịch bệnh sau mỗi đợt tụ tập đông người nhân Giáng sinh, Năm mới hay các kỳ lễ hội.

Đợt dịch bệnh bùng phát mạnh chưa từng có tại nhiều bang ở Mỹ, trong đó có New York và California sau các dịp lễ Tạ ơn và Giáng sinh năm ngoái, khi hàng triệu người phớt lờ lời khuyên của chuyên gia, vẫn đi du lịch hay tụ tập, hay làn sóng dịch thứ hai do biến thể Delta hồi cuối tháng 4 vừa qua sau hàng loạt lễ hội khiến Ấn Độ liên tiếp chứng kiến số ca mắc và tử vong tăng mạnh…, là những ví dụ điển hình.

Chính vì vậy, việc nâng cao cảnh giác phòng dịch trước  thềm lễ Giáng sinh và Năm mới là điều các nước cần chú trọng.

Bên cạnh các biện pháp phòng dịch cơ bản, tiêm vaccine và mở rộng đối tượng tiêm chủng cũng được tính đến. Trong tuần qua, Singapore, Australia, Indonesia... đã mở rộng đối tượng tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi. Cùng với đó, việc tiêm mũi tăng cường cũng được các quốc gia đẩy mạnh khi nhiều nghiên cứu cho thấy "lá chắn" miễn dịch do vaccine tạo ra sẽ giảm sau 6 tháng hoàn thành tiêm chủng.

Tại Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho người dân từ ngày 10/12, chủ yếu cho các đối tượng tuyến đầu như công an, tình nguyện viên, dân quân và người cao tuổi.

Theo ông Stephen Hahn, cựu ủy viên Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), việc các biến thể của virus SARS-CoV-2 đột biến và có khả năng xuất hiện nhiều hơn sẽ khiến việc tiêm mũi vaccine tăng cường được thực hiện định kỳ mỗi năm một lần, tương tự như tiêm vaccine phòng cúm mùa.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối năm, ngay trước mùa Giáng sinh dường như là một thông điệp nhắc nhở về tính phức tạp và khó lường của đại dịch. Bài học của việc siết chặt các biện pháp phòng dịch và nâng cao ý thức cảnh giác thêm lần nữa được nhắc lại để mọi người có thể có một Giáng sinh an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục