Bài toán giảm rủi ro nợ cho các nước dễ bị tổn thương về khí hậu

06:30' - 26/11/2023
BNEWS Thiên tai ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Điều này khiến nhiều quốc gia dễ bị tổn thương nhất về khí hậu đối mặt với nguy cơ nợ nần nghiêm trọng.

Theo trang mạng của Viện Lowy, biến đổi khí hậu và nợ nần là một sự kết hợp độc hại đối với nhiều quốc gia đang phát triển, vốn dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Thiên tai ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, thực tế là nhiều quốc gia dễ bị tổn thương nhất về khí hậu cũng phải đối mặt với vấn đề nợ nần nghiêm trọng.

Trong một số trường hợp, điều này phản ánh việc vay mượn quá mức. Ở nhiều nước khác, nó phản ánh tính dễ bị tổn thương bẩm sinh của họ - việc phải đối mặt với những cú sốc như lốc xoáy hoặc động đất khiến họ không thể quản lý bền vững mức nợ mà các quốc gia khác cho là tương đối dễ quản lý.

Khi thiên tai xảy ra, việc tiếp tục trả nợ là điều vô cùng khó khăn. Doanh thu và thu nhập ngoại hối cạn kiệt, và các nước sẽ phải dùng những gì họ có sẵn để chi cho cứu trợ, phục hồi và tái thiết.

Một ý tưởng đầy hứa hẹn để giải quyết vấn đề này là tự động tạm dừng thanh toán nợ tạm thời, chẳng hạn như trong 2 năm, sau những thảm họa lớn hoặc những cú sốc khác ngoài tầm kiểm soát của một quốc gia (ví dụ như đại dịch).

 

Cho đến nay, chỉ có một số điều khoản đình chỉ nợ như vậy được áp dụng ở Bahamas, Barbados và Grenada. Tuy nhiên, ý tưởng này đang có khuynh hướng phát triển, đặc biệt là Barbados đang thúc đẩy ý tưởng này như một phần của Sáng kiến Bridgetown, nhằm cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu.

Việc thu hút các chủ nợ tư nhân tham gia có thể sẽ tiếp tục khó khăn. Do đó, nơi hợp lý để bắt đầu là với những nước cho vay khu vực chính thức. Đáng chú ý, một số nước trong đó có Anh, Mỹ, Pháp và Ngân hàng Thế giới (WB) hồi đầu năm nay đã đồng ý bắt đầu tích hợp các điều khoản nợ như vậy vào các khoản vay trong tương lai của họ, đồng thời khuyến khích các chủ nợ chính thức khác làm điều tương tự.

Có nhiều cơ hội để các chủ nợ chính thức lồng ghép các điều khoản hoãn nợ vào việc cho vay đối với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất về khí hậu. Mặc dù chỉ là một sự điều chỉnh nhỏ, nhưng làm như vậy sẽ là một cách rất hữu ích để kết nối chặt chẽ nguồn cứu trợ tài chính vào cấu trúc tài chính quốc tế, từ đó làm cho toàn bộ hệ thống trở nên an toàn hơn và công bằng hơn.

Việc tạm dừng thanh toán dịch vụ nợ sau những cú sốc gây mất ổn định có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể ở nhiều quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới - chẳng hạn như Quần đảo Thái Bình Dương, các quốc đảo nhỏ phụ thuộc nhiều vào viện trợ và các nước châu Phi - nơi các khoản trả nợ đa phương và song phương khá lớn và ngốn một phần đáng kể ngân sách chính phủ.

Phần lớn các khoản dịch vụ nợ là vay của Trung Quốc, quốc gia có thể sẽ miễn cưỡng đưa các điều khoản hoãn nợ vào hoạt động cho vay của mình. Tuy nhiên, các khoản thanh toán dịch vụ nợ cho các chủ nợ đa phương và song phương khác cũng rất đáng kể. Nếu các chủ nợ chính thức khác áp dụng các điều khoản này một cách rộng rãi hơn, điều này không chỉ mang lại sự hỗ trợ quan trọng cho các quốc gia dễ bị tổn thương mà còn tạo cơ sở mạnh mẽ hơn để thúc đẩy Trung Quốc làm điều tương tự.

Việc các chủ nợ chính thức áp dụng rộng rãi các điều khoản sẽ mang lại nhiều lợi ích. Rõ ràng nhất, việc tự động tạm dừng trả nợ sẽ cung cấp cứu trợ tài chính nhanh chóng vào đúng thời điểm các quốc gia cần nó nhất sau một cú sốc lớn – giải phóng vốn để cứu trợ, phục hồi và tái thiết ngay lập tức. Bằng cách cho phép phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn, điều này cũng sẽ giúp giảm khả năng vỡ nợ.

Một tính năng chính là việc tạm dừng trả nợ được kích hoạt tự động dựa trên một loạt yếu tố khách quan như tốc độ gió lốc và các tiêu chuẩn về tổn thất kinh tế. Điều này có nghĩa là hỗ trợ nhanh hơn và chắc chắn hơn các cơ sở xử lý khủng hoảng đa phương hoặc viện trợ nhân đạo song phương đặc biệt - các kênh hỗ trợ tài chính chính hiện nay sau thiên tai.

Có những ý kiến cho rằng khó có thể đặt ra các yếu tố kích hoạt chính xác cho tất cả các tình huống có thể liên quan. Chẳng hạn, rất ít người sẽ tập trung vào nguy cơ xảy ra đại dịch toàn cầu trước thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, một ý tưởng hữu ích là các điều khoản đình chỉ nợ sẽ bao gồm một biện pháp kích hoạt dự phòng tự động có hiệu lực, nếu quốc gia đó tìm kiếm và đủ điều kiện nhận các cơ chế hỗ trợ khủng hoảng đa phương cụ thể.

Bên cạnh việc cung cấp cứu trợ tài chính ngay lập tức, một lợi ích tinh tế nhưng không kém phần quan trọng của các điều khoản hoãn nợ là giúp các quốc gia dễ bị tổn thương giảm thiểu rủi ro khi vay vốn, để đáp ứng nhu cầu tài trợ cho phát triển và khí hậu của họ.

Một quốc gia có thể muốn vay vốn cho một dự án - chẳng hạn như một cảng mới - dự kiến sẽ tạo ra lợi nhuận kinh tế dài hạn có thể bù đắp cho sự gia tăng nợ. Tuy nhiên, vấn đề sẽ nảy sinh nếu đất nước có khả năng bị ảnh hưởng bởi các thảm họa lớn, chẳng hạn như lốc xoáy. Điều đó có thể khiến cho việc tiếp tục thanh toán khoản vay trong thời gian ngắn trở nên khó khăn, ngay cả khi dự án vẫn có ý nghĩa về lâu dài. Đối mặt với những rủi ro như vậy, dự án có thể không tiến triển được.

Một dạng đặc biệt nguy hiểm của vấn đề này là những nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu có thể thấy mình không thể vay để tài trợ cho các khoản đầu tư lớn vào việc thích ứng với môi trường mới. Chúng có thể bao gồm cơ sở hạ tầng bảo vệ bờ biển hoặc chống chịu khí hậu. Ngay cả khi về lâu dài, điều này có thể mang lại nhiều lợi ích hơn về mặt tăng cường khả năng phục hồi trước những cú sốc do khí hậu trong tương lai.             

Nhiều chủ nợ chính thức hơn nên kết hợp các điều khoản hoãn nợ vào bất kỳ khoản vay nào trong tương lai cho các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu. Cần cân nhắc việc kết hợp các điều khoản này vào các khoản vay hiện có. Sẽ có rất ít chi phí bổ sung cho các nhà tài trợ khi làm như vậy, vì các điều khoản thường được thiết kế để có tác động trung hòa chi phí tổng thể, trong đó các khoản thanh toán trả chậm phải đối mặt với lãi suất cao hơn.             

Tại khu vực các Quần đảo Thái Bình Dương, Australia gần đây đã trở thành nguồn vay mới lớn nhất, đặc biệt thông qua cơ chế tài trợ cơ sở hạ tầng song phương. Đây là cơ hội quan trọng để xây dựng các điều khoản hoãn nợ như một biện pháp phục hồi quan trọng cho một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất về khí hậu trên thế giới. Các ngân hàng phát triển đa phương khác ngoài WB, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cũng nên làm theo.       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục