Bài toán “khủng hoảng kép” tại Ấn Độ

18:29' - 03/04/2020
BNEWS Những số liệu ảm đạm về đầu tư và sản xuất trong 2 quý liên tiếp đã kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ xuống 4,7% trong quý cuối năm 2019, thấp nhất trong 27 quý.

Khi phục hồi vẫn còn là viễn cảnh mơ hồ thì sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dường như là một “cú trời giáng” vào triển vọng u ám của nền kinh tế vừa mới vươn lên thứ năm thế giới.

“Cơn sóng thần” COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới quốc gia với hơn 1,3 tỷ dân có số lượng lớn người nghèo sống trong các khu dân cư, khu ổ chuột đông đúc, chật chội mất vệ sinh, cơ sở hạ tầng y tế công cộng yếu kém này.

Tối 24/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện trên cả nước bắt đầu từ nửa đêm cùng ngày, nhằm phá vỡ chuỗi lây nhiễm của virus.

Một lệnh phong tỏa chưa từng có tiền lệ với quy mô lớn nhất toàn cầu dường như là một phản ứng mau lẹ của New Delhi trước những dấu hiệu dịch bệnh sắp bùng nổ trong cộng đồng, và có lẽ bao hàm cả tính toán đến một “kịch bản khủng khiếp”, khi số ca nhiễm sẽ gia tăng như những trận “lở tuyết”.

Với sự chủ động của mình, Thủ tướng Modi hy vọng Ấn Độ có thể kìm hãm được tốc độ lây nhiễm và đưa đại dịch sớm đạt đỉnh mà không chịu tổn thất quá nặng nề.

Thời điểm ông Modi ban bố lệnh phong tỏa, số ca nhiễm được xác nhận ở Ấn Độ chưa đến 600. Đến ngày 2/4 – tức 9 ngày sau lệnh phong tỏa, số người nhiễm tiếp tục tăng lên hơn 2.000 với 56 ca tử vong, càng về sau, tốc độ lây nhiễm càng tăng nhanh.

Theo dự báo của một mô hình lây nhiễm, nếu không có biện pháp kiểm soát, có thể có từ 300-500 triệu người Ấn Độ nhiễm bệnh vào cuối tháng 7 và 1/10 số đó trong tình trạng nghiêm trọng.

Trong khi đó, ở Ấn Độ, tỷ lệ giường bệnh là 0,7 trên 1.000 người và có khoảng 30.000 máy thở. Các bệnh viện công thì quá tải trong khi bệnh viên tư lại quá đắt đỏ so với đại bộ phận dân số.

Hiện quan điểm chính thức của nhà chức trách Ấn Độ là dịch bệnh vẫn chưa lan rộng trong cộng đồng, đồng nghĩa nước này ở giai đoạn 2 lây nhiễm cục bộ, có nghĩa là chỉ có du khách và những người tiếp xúc trực tiếp mới được coi là có khả năng nhiễm bệnh.

Do đó đến nay, Ấn Độ là một trong những nước có tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 thấp nhất trên thế giới.

Theo Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR), tính đến ngày 31/3, nước này mới chỉ xét nghiệm cho 38.000 người, một phần rất nhỏ so với quy mô dân số.

 Ấn Độ cũng đang nỗ lực mở rộng quy mô xét nghiệm, với mục tiêu đưa vào sử dụng 116 phòng thí nghiệm của chính phủ, bên cạnh các phòng thí nghiệm tư nhân.

Nước này cũng đã đặt mua 1 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm và có thể đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cung cấp thêm 1 triệu bộ nữa.

Nhưng giới chuyên gia lo ngại những nỗ lực này là quá muộn để triển khai các biện pháp ngăn chặn virus lây lan theo cấp số nhân trong cộng đồng, đe dọa làm sụp đổ hệ thống chăm sóc y tế mong manh với  nguồn lực phân bổ không đồng đều.

Không kiểm soát được tình hình, “sóng ngầm” COVID-19 đang âm ỉ có thể phun trào bất cứ lúc nào.

Điển hình là ổ dịch Nizamuddin ở Delhi đang gây chấn động cả nước khi có tới gần 8.500 người, kể cả hàng trăm người nước ngoài, từng tham dự các hoạt động tôn giáo tại đây trong nửa đầu tháng 3.

Sau các buổi tụ họp, họ tỏa ra khắp Ấn Độ với nhiều người mang trên mình mầm bệnh.

Những ổ dịch tương tự ở Ấn Độ đang như những “quả bom hẹn giờ” phát tán virus ra cộng đồng

 Nizamuddin đã nổi lên là nguồn lây bệnh lớn nhất ở Ấn Độ với ít nhất 358 ca nhiễm và hơn 10 người tử vong trên cả nước liên quan đến siêu ổ dịch này.

Nhiều bang đang tích cực truy dấu và xác định những người từng đến Nizamuddin. Hàng nghìn người ở các bang khác nhau đã được đưa đi cách ly như một biện pháp phòng ngừa.

Hiện đường cong trên đồ thị COVID-19 của Ấn Độ đang đi lên với độ dốc ngày càng lớn. Số ca nhiễm tại nước này đã tăng gần gấp đôi so với 4 ngày trước.

Với diễn tiến này, nếu tình hình không cải thiện, chỉ trong 13 ngày tức đến giữa tháng 4, tổng số người bệnh tại đây sẽ tăng vọt lên 10.000.

Nhiều chuyên gia cảnh báo Ấn Độ sẽ sớm vỡ trận khi hệ thống y tế bị quá tải và nước này rất có thể sẽ trở thành “điểm nóng” COVID-19 tiếp theo của thế giới.

Bên cạnh đó, Ấn Độ đang đối mặt với thách thức khủng hoảng kinh tế-xã hội hiện hữu. Đại dịch đã phơi bày rõ nét những đứt đoạn trong thị trường lao động của Ấn Độ.

Các doanh nghiệp mọi quy mô ngừng hoạt động, cắt giảm giờ làm và sa thải nhân viên.

Nhiều doanh nghiệp chao đảo bên vực bờ phá sản khi hàng quán đóng cửa, các chuyến bay và đặt phòng khách sạn bị hủy, và nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang làm việc trực tuyến.

Hàng chục triệu người Ấn Độ kiếm ăn từng bữa bị mất việc sau lệnh phong tỏa. Tại một quốc gia nơi 20% dân số là những người di cư kinh tế trong nước, người lao động di cư đổ xô về quê trên những chuyến xe buýt và tàu hỏa lèn kín người, có nguy cơ đưa virus về các vùng nông thôn hẻo lánh.

Và khi hoạt động vận tải công cộng bị đình chỉ, nhiều gia đình ở New Delhi và các thành phố lớn khác trên cả nước bắt đầu gói ghém cuốc bộ về quê vì chẳng còn lựa chọn nào khác, cho dù trước mắt họ là một hành trình dài hàng trăm km với nguồn thực phẩm hạn chế.

Những dòng người lao động di cư đùm bọc, dắt díu nối đuôi nhau trải dài đến bất tận trên các tuyến xa lộ đang có nguy cơ biến cuộc khủng hoảng y tế thành một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng hơn.

Theo số liệu thống kê mới nhất, Ấn Độ có khoảng 480 triệu lao động, trong đó có 33 triệu lao động trong lĩnh vực chính thức, 93% còn lại là nông dân, lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, hầu hết trong số họ không nhận lương theo tháng hoặc được chuyển khoản ngân hàng. Đồng lương phát bằng tiền mặt của họ phụ thuộc vào sức lao động bản thân.

Lao động nông nghiệp nhận lương theo ngày, tuần hay tháng tùy thuộc vào hợp đồng với chủ. Nhưng khi COVID-19 khiến hoạt động vận chuyển và nhu cầu thị trường đình trệ, người nông dân gặp nhiều khó khăn trong thu hoạch vụ đông xuân. Họ sẽ phải ngừng thuê lao động.

Điều tương tự cũng xảy ra với những người lao động trong khu vực phi chính thức, như người chạy máy trong một doanh nghiệp nhỏ, bán rau ven đường, thợ cắt tóc, là quần áo, giúp việc gia đình, quét dọn vệ sinh, bốc xếp hàng hóa, hay lao động hợp đồng tại các trung tâm thương mại...

Họ có thể chỉ nhận lương cho đến ngày 20/3, một số khác được lĩnh trọn vẹn cả tháng, nhưng sau đó thì tương lai thật mờ mịt, trừ khi cuộc sống trở lại bình thường.

Virus SARS-CoV-2 đang khiến cuộc sống của họ bấp bênh hơn bao giờ hết. Những người đã kịp về quê ngay trước khi có lệnh phong tỏa, ngoài nguy cơ mắc bệnh trên đường hay “gieo rắc” virus khắp nơi, trở về nhà, họ phải đối mặt với sự kỳ thị và một hệ thống y tế lạc hậu.

Số phận hàng triệu những người lao động di cư hiện đang bị mắc kẹt ở Delhi và nhiều đô thị khác cũng không khá hơn.

Họ không có thu nhập hoặc cơ hội làm việc, thiếu thực phẩm, thuốc men và nhiều người không có nơi ở vì không thể trả tiền thuê nhà.

Nhằm giảm nhẹ những tác động về xã hội, Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói kinh tế trị giá gần 23 tỷ USD để hỗ trợ người nghèo, cung cấp khẩu phần gồm ngũ cốc và hạt đậu, cấp khí đốt nấu ăn miễn phí cho 83 triệu gia đình và hỗ trợ tiền mặt 6,65 USD/tháng cho khoảng 200 triệu phụ nữ trong 3 tháng tới, bên cạnh một số biện pháp khác.

Tuy nhiên, gói cứu trợ này là quá nhỏ, chưa đến 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ trong khi số người cần hỗ trợ lại quá lớn.

Chính phủ Ấn Độ có lẽ cần phải hành động nhiều hơn thế trong thời gian tới để vãn hồi tình hình, bởi rõ ràng ở đất nước đông dân thứ hai thế giới với 365 triệu người nghèo này, đối phó với COVID-19 không chỉ là vấn đề y tế, đó còn là bài toán nan giải đa chiều về kinh tế-xã hội, đòi hỏi phải có những giải pháp riêng, toàn diện và tương xứng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục