Bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 cao tốc Bắc - Nam

18:12' - 15/03/2022
BNEWS Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có tổng chiều dài 353 km.

Ngày 15/3, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị Bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cho 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

 

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có tổng chiều dài 353 km bao gồm 5 dự án thành phần gồm: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang. Riêng với tỉnh Bình Định, công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có chiều dài 118,8 km, với 3 dự án thành phần.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là dự án trọng điểm Quốc gia, có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Việc Bộ Giao thông Vận tải bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 cho khoảng 52,1 km đoạn từ Quảng Ngãi - Nha Trang là bước khởi đầu quan trọng để triển khai các công việc liên quan tới dự án này.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, hiện nay, khối lượng công việc còn lại phải hoàn thành để đảm bảo đủ điều kiện phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án còn rất lớn đòi hỏi có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Kế hoạch bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang đặt ra sẽ cắm mốc, bàn giao đợt 2 vào ngày 30/4/2022 dự kiến khoảng 226,9 km, đợt 3 ngày 30/6/2022 các đoạn còn lại khoảng 71,3 km.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là tiền đề quan trọng để thực hiện dự án đảm bảo tiến độ.

Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan với mục tiêu yêu cầu hoàn thành bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý III năm 2023.

Lãnh đạo các địa phương kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm phê duyệt khung chính sách thực hiện giải phóng mặt bằng cho cho dự án; có quyết định giao cho địa phương thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; sớm bố trí kinh phí thực hiện việc giải phóng mặt bằng; hướng dẫn cụ thể về các công việc liên quan tới di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật chịu ảnh hưởng bởi dự án.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, các ban thuộc bộ này sớm bàn giao cột mốc tại thực địa chuẩn xác để địa phương tổ chức giải phóng mặt bằng; quá trình khảo sát thiết kế, thi công dự án đường cao tốc phải tính toán việc tiêu thoát lũ phù hợp với địa hình 4 tỉnh, bố trí hệ thống đường gom khoa học nhất.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc cắm mốc, bàn giao hồ sơ kỹ thuật để các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng với mục tiêu nhanh nhất có thể.

Cùng đó, ngay từ bây giờ phải chủ động khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng mỏ đất, đá để thi công dự án. Quá trình thiết kế, thi công, phải đảm bảo mục tiêu không để tuyến đường cao tốc đi qua 4 tỉnh là “con đê chắn nước” gây ngập lụt cục bộ cho các địa phương trong mùa mưa lũ.

Thứ trưởng còn yêu cầu các Ban Quản lý thực hiện dự án cần tích cực phối hợp, trao đổi thông tin, có sự thống nhất cao với chính quyền các địa phương trong quá trình triển khai các phần việc của dự án.

"Phải đảm bảo mục tiêu tới năm 2025 sẽ đưa tuyến cao tốc đi qua 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đi vào vận hành, khai thác", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục