Bảo vệ, mở rộng “vùng xanh” trong sản xuất

21:20' - 22/07/2021
BNEWS Không để đứt gãy chuỗi sản xuất trong bất cứ kịch bản dịch COVID-19 nào đang là mục tiêu lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh trong một tuần qua.

Để thích nghi với yêu cầu phòng, chống dịch ở mức cao nhất, hàng trăm doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến” nhằm giữ vững an toàn hoạt động sản xuất.

*“3 tại chỗ” phát huy hiệu quả

Theo quy định của UBND Tp. Hồ Chí Minh, từ ngày 15/7, doanh nghiệp được phép hoạt động khi đáp ứng một trong hai điều kiện: doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” gồm sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ hoặc doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”, chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Đến nay, 618 doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố đã đăng ký hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ” với tổng số 57.507 lao động.

Ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, Ban quản lý đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra điều kiện tổ chức khu vực bố trí nơi ở tập trung của các doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa cách ly tại chỗ.

Qua kiểm tra, thẩm định có 414 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động với số lao động là 44.145 người, các doanh nghiệp còn lại đang được hướng dẫn đáp ứng các tiêu chí để sớm hoạt động trở lại.

Theo ông, để thực hiện phương án vừa cách ly, vừa sản xuất, doanh nghiệp phải đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể như: có rất ít nguy cơ lây nhiễm, nơi ở tách biệt khu vực sản xuất, lối ra vào thuận tiện, có hệ thống camera giám sát….

Ngoài ra, người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi vào lưu trú, không ra khỏi nhà máy trong thời gian áp dụng phương thức trên.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh thông tin, các doanh nghiệp ngành dệt may gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”  hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm” vì phần lớn đều có số lượng công nhân đông.

Trong điều kiện sản xuất thông thường, các nhà máy cũng được bố trí rất nhiều máy móc nên không đủ chỗ để thu xếp chỗ ở cho người lao động.

Đến thời điểm này, chỉ có từ 10 - 15% số doanh nghiệp ngành dệt may thực hiện được phương châm “3 tại chỗ” và đang nỗ lực duy trì sản xuất. 

Tại Việt Thắng Jean, có 550 công nhân đăng ký ở lại nhà máy nhưng công ty chỉ bố trí sản xuất được cho 350 công nhân vì đặc thù làm việc theo dây chuyền. Dù vậy, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tổ chức cho số công nhân dôi dư ở lại.

“Phần lớn công nhân làm việc trong các công ty may có thu nhập thấp, sống tập trung trong các khu nhà trọ, không đủ điều kiện phòng, chống dịch nên họ cũng không thể về quê do quy định hạn chế đi lại.

Do đó, việc đưa công nhân vào doanh nghiệp “cắm chốt” không chỉ để duy trì sản xuất mà còn là cách để bảo toàn lực lượng lao động”, ông Phạm Văn Việt chia sẻ.

Nhờ tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch bệnh và nỗ lực “cắm chốt” sản xuất, cách ly tại chỗ mà vấn đề lây lan dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Tp. Hồ Chí Minh đã được kiểm soát trong thời gian ngắn.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp. Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, số ca mắc COVID-19 tại các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố gần đây có xu hướng giảm, số doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện phòng dịch cũng chiếm tỷ lệ cao.

“Đặc biệt, trong những ngày gần đây, số ca nhiễm tại khu chế xuất, khu công nghiệp giảm mạnh từ vài trăm ca/ngày xuống còn khoảng 30 ca/ngày.

Đáng mừng là trong hai ngày 20 và 21/7 chỉ phát hiện 10 trường hợp mắc COVID-19 tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều này cho thấy, việc áp dụng quy định “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến” đã phát huy hiệu quả”, ông Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh.

*Không chủ quan, lơ là

Mặc dù số ca nhiễm phát hiện trong các doanh nghiệp thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp giảm, song các cơ quan chức năng cảnh báo doanh nghiệp không nên chủ quan, lơ là và phải chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch mới có thể bảo vệ “vùng xanh” trong sản xuất một cách lâu dài.

Trong quá trình kiểm tra các doanh nghiệp đăng ký sản xuất “3 tại chỗ”, những ngày qua các đoàn thẩm định liên ngành đánh giá vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch và có nguy cơ cao xảy ra lây nhiễm.

PGS. TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, nhiều công ty còn chưa phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên trong Tổ COVID-19 của doanh nghiệp, chưa xây dựng quy trình xử lý khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 tại nơi sản xuất.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu các doanh nghiệp không quyết liệt phòng, chống dịch thì nguy cơ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong môi trường tập trung đông công nhân.

Vì vậy, các doanh nghiệp khi bắt tay vào sản xuất “3 tại chỗ” hay thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến” đều phải kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch.

“Những doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất theo từng phân xưởng, dây chuyền độc lập thì phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa các phân xưởng, dây chuyền với nhau. Nếu làm tốt việc này, khi không may phát hiện có ca mắc COVID-19 doanh nghiệp chỉ cần phong tỏa tạm thời phân xưởng hoặc dây chuyền có F0 làm việc mà không ảnh hưởng đến các dây chuyền, bộ phận khác hay phải phong tỏa toàn bộ nhà máy”, PGS. TS Nguyễn Văn Sơn nêu giải pháp.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) chia sẻ, việc có nhiều doanh nghiệp thực hiện được sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” sẽ đưa mức độ an toàn phòng dịch của doanh nghiệp, khu công nghiệp và toàn xã hội lên mức cao hơn.

Tại Bidrico, có 280 nhân viên tham gia sản xuất “3 tại chỗ” được bố trí thành nhiều khu vực nghỉ ngơi khác nhau với tổng diện tích trên 1.000m2.

 Khu nhà ăn được bố trí đảm bảo giãn cách, các khu vực tắm, giặt cũng đảm bảo nhu cầu sử dụng cho người lao động.

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận nhân viên phải di chuyển để giao nhận hàng hóa. Xác định đây là nhóm có nguy cơ cao, nếu không chủ động phòng dịch thì sẽ tiềm ẩn khả năng mang mầm bệnh từ bên ngoài vào nhà máy.

“Doanh nghiệp đã quán triệt và áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn, ngoài việc tuân thủ khẩu trang, khoảng cách thì bắt buộc phải khử khuẩn toàn bộ người và phương tiện ra vào công ty lấy hàng.

Chúng tôi cũng yêu cầu các đối tác khi giao nhận hàng với nhân viên của công ty cũng áp dụng các biện pháp tương tự để đảm bảo an toàn phòng dịch cho cả hai bên”, ông Nguyễn Đặng Hiến thông tin thêm.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh nhận định, dù số ca nhiễm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã giảm, nhưng diễn biến dịch bệnh tại thành phố còn rất phức tạp và chưa biết khi nào kết thúc.

Do đó, doanh nghiệp thực hiện đủ “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” vẫn không được chủ quan, lơ là phòng dịch. Trong suốt thời gian này, phải kiên trì thực hiện 5K và xét nghiệm tầm soát định kỳ cho người lao động theo hướng dẫn của thành phố.

Các doanh nghiệp đang tạm thời đóng cửa do có ca mắc COVID-19 trước đó hoặc chưa đủ điều kiện để sản xuất “3 tại chỗ” cần bám sát các yêu cầu phòng, chống dịch mà cơ quan chức năng hướng dẫn để sớm khôi phục hoạt động, cùng nhau giữ vững và mở rộng “vùng xanh” sản xuất kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục