Bất động sản công nghiệp bắt kịp nhu cầu thị trường

08:20' - 22/08/2023
BNEWS Với tình trạng đô thị hóa, bê tông hóa ngày càng cao, các dự án cao tầng mọc lên mang đến cho đô thị các tỉnh, thành phố một diện mạo mới.

Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với quỹ đất đang thu hẹp dần, ô nhiễm không khí.

Do vậy, nhằm kéo giảm tình trạng này, thời gian qua, xu hướng bất động sản xanh tại Việt Nam với nhiều dự án căn hộ, dự án bất động sản công nghiệp đã chú trọng “xanh hóa” để bắt kịp nhu cầu thị trường, duy trì được nhịp độ phát triển bền vững trong tương lai.

Các chuyên gia cho rằng, lĩnh vực xây dựng, bất động sản từ lâu là nguyên nhân phát thải của gần 40% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu và chiếm khoảng 36% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với một số lĩnh vực khác. Theo xu hướng phát triển bất động sản xanh của thế giới, các nhà đầu tư lựa chọn bất động sản xanh là lựa chọn an toàn trước biến động thị trường.

 

Bất động sản xanh không chỉ mang lại tiềm năng sinh lời và tích lũy tài chính an toàn mà còn hướng tới giá trị sống bền vững, lợi ích về cả thể chất lẫn cảm xúc. Đây là những yếu tố tạo nên sức cạnh tranh cho dòng sản phẩm này trên thị trường.

Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Nguyễn Văn Đính cho rằng, trước đây, bất động sản xanh vốn đã được người mua nhà quan tâm, sau đại dịch COVID-19 nhu cầu với phân khúc này càng lớn hơn khi nhiều người mong muốn có một môi trường sống an toàn. Vì thế, chắc chắn nhiều khách hàng sẽ tìm đến dự án bất động sản xanh thời gian tới. Dự án xanh không đơn giản chỉ là trồng nhiều cây xanh, mà phải tổng hòa nhiều yếu tố như: công trình có khí trời nhiều, ánh sáng tự nhiên nhiều hơn là sử dụng năng lượng; năng lượng sử dụng bằng thiết bị tiết kiệm, không tạo độ thải ra môi trường. Vật tư cũng phải gần gũi với thiên nhiên, ít khói bụi,...

Nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam cũng đã chú trọng “xanh hóa” nhằm giữ chân người lao động, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia đến sinh sống và làm việc, như các khu công nghiệp của Vsip, Amata, Deep C,…

Theo Tổng giám đốc Công ty CP Amata Việt Nam Somhatai Panichewa, Tập đoàn Amata đầu tư vào Việt Nam từ năm 1994 và 40 năm trước đã đầu tư phát triển các khu công nghiệp ở Thái Lan. Thời điểm đó, Amata đã sử dụng những hệ thống thông minh, xây dựng những hệ thống để giảm thiếu tác động đến môi trường hay nói cách khác đây chính là nền kinh tế tuần hoàn.

Các thành phố công nghiệp thông minh ở các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) ngày nay đều có diện tích trên 10.000 ha. Các thành phố này có nền sản xuất cao nhất, chi phí thấp, năng lượng xanh và môi trường tốt, xả thải rất thấp. Và đây là mô hình mà Tập đoàn Amata xây dựng và mang đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, xu hướng “Văn phòng xanh” cũng được CBRE Việt Nam nhắc đến nhiều trong những năm qua dần trở nên rõ nét trên thị trường văn phòng cả tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hơn 75% nguồn cung văn phòng tương lai từ quý III/2023 đến hết 2025 của Tp. Hồ Chí Minh là các tòa nhà đạt chứng chỉ xanh.

Về xu hướng trong tương lai, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam, chia sẻ: “Mặc dù, chúng tôi chưa thấy bằng chứng rõ ràng về chênh lệch giá thuê của các dự án công nghiệp đạt chứng chỉ xanh tại Việt Nam, nhưng khách thuê bắt đầu có xu hướng ưu tiên hơn đối với các dự án được phát triển bền vững và chú trọng vào năng lượng tái tạo. Thực tế, ngày càng nhiều dự án công nghiệp được đăng ký và có chứng nhận LEED tại Việt Nam”.

Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định năm 2004 và 2014 chỉ có 23 khu chế xuất và công nghiệp với tổng diện tích gần 6.000 ha đến nay vẫn không tăng. Do đó, Tp. Hồ Chí Minh định hướng giữ lại tối đa diện tích đất công nghiệp tại các khu chế xuất và công nghiệp hiện hữu để tiếp tục quy hoạch phát triển công nghiệp, nhưng tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; giảm công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai, tăng các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ.

Tại tỉnh Bình Dương, tháng 3/2022, Lego - tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em của Đan Mạch đã chính thức đặt chân vào Việt Nam với dự án xây dựng nhà máy sản xuất với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD. Đây là nhà máy thứ sáu của tập đoàn trên toàn thế giới và là nhà máy thứ hai tại châu Á. Thương vụ này đã đánh dấu việc thu hút vốn đầu tư “sạch” vào Việt Nam khi phía Lego cho biết, đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên sử dụng năng lượng tại chỗ từ pin mặt trời.

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), có 80 doanh nghiệp được chọn lựa để chuyển đổi mô hình, phương thức hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp Deep C, Amata và Hiệp Phước, trong đó, khoảng 41 doanh nghiệp hoàn thiện các tiêu chí của Chương trình về giảm phát khí thải, giảm tiêu thụ điện năng, tiết kiệm nguồn nước và đảm bảo vệ sinh nước thải công nghiệp.

Nhờ các giải pháp chuyển đổi mô hình hoạt động cũng như đầu tư đổi mới thiết bị, hạ tầng, ứng dụng công nghệ, hiện nay tại 3 khu công nghiệp kể trên mỗi năm có thể giảm trên 55.200 tấn khí thải nhà kính CO2, tiết kiệm khoảng 64.200 MWh điện, 77.900 m3 nước và 33,6 tấn dầu DO/năm. Tổng số tiền tiết kiệm ước khoảng trên 151 tỷ đồng.

Đối với thị trường bất động sản văn phòng, thống kê của CBRE cho thấy, hiện có khoảng 33% nguồn cung văn phòng hạng A đã đạt một trong các chứng chỉ xanh với mức giá thuê trung bình cao hơn khoảng 6% so với các tòa nhà hạng A còn lại tại Tp. Hồ Chí Minh. Ở các nước phát triển, tỷ lệ văn phòng hạng A có chứng chỉ xanh trên tổng nguồn cung có thể lên đến gần 50%. Ngoài các chứng chỉ xanh phổ biến như: LEED, BCA Greenmark, hiện tại các chủ đầu tư cũng như khách thuê lớn đều có xu hướng phát triển mặt bằng để đạt chứng chỉ WELL với nhiều lợi ích hướng tới người lao động.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh cho rằng, đầu tư vào công trình xanh hoặc tòa nhà có yếu tố xanh, bền vững dần trở thành một thông lệ - được các chủ đầu tư các nước phát triển áp dụng nhằm bảo chứng giá trị bất động sản.

Thực tế, những tòa nhà hạng A với vị trí đẹp, tiêu chuẩn mặt bằng cũng như vận hành cao, vẫn thu hút được sự quan tâm của khách thuê dù chưa đi vào hoạt động chính thức. Điều này cho thấy, nguồn cầu về dịch chuyển sang mặt bằng chất lượng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bất chấp các thách thức đến từ nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục