Bất động sản Việt Nam - "Đích ngắm" của các nhà đầu tư toàn cầu

14:52' - 31/10/2018
BNEWS Trang mạng www.businesstimes.com.sg cho biết các nhà đầu tư thế giới đã không thể không để mắt đến Việt Nam khi nhắm tới những thị trường mới nổi năng động nhất toàn cầu.
Bất động sản Việt Nam “hút” vốn ngoại. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo trang mạng trên, nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam chính là một tầng lớp trung lưu đang ngày một gia tăng. Việc đô thị hóa nhanh chóng đang được hỗ trợ bởi một lớp dân số trẻ, có học thức.

Tất cả những yếu tố này đang là tín hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam, vốn có mức tăng trưởng GDP thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ này, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2018.

Chính điều này đã thôi thúc các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm dấu ấn của mình trên thị trường bất động sản đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Trong 3 năm qua, đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam đã và đang tăng lên mỗi năm.

Cụ thể, các nhà đầu tư Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ưu tiên đầu tư những vị trí ở các khu vực trung tâm thành phố. Các nhà phát triển bất động sản địa phương thường tham gia các thỏa thuận liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài dựa trên tiền đề là tối ưu hóa việc ra quyết định tìm nguồn hàng và quản lý dự án.

Trang mạng nêu rõ dù là nơi có thị trường chứng khoán phát triển tốt nhất trong năm 2017 đồng thời là thị trường bán lẻ lớn thứ hai trong năm 2018 ở châu Á, nhưng phần lớn sự hấp dẫn của Việt Nam lại nằm ở chính tương lai tốt đẹp của nền kinh tế này.

Kể từ năm 2015 đến nay, đa số các thương vụ sáp nhập và mua lại lớn ở Việt Nam chủ yếu là các thương vụ đầu tư vào các vị trí phát triển bất động sản, tiếp đó là hạng mục khách sạn, căn hộ và văn phòng. Đây là minh chứng cho một thực tế rằng những người đổ tiền vào Việt Nam là vì mục đích dài hạn.

Song song với nhu cầu mạnh mẽ đối với các vị trí mang tính thương mại là tình trạng thiếu hụt nguồn cung khá lớn, điều đặc biệt phổ biến trên thị trường bán lẻ cao cấp và không gian văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Giá thuê văn phòng hạng A tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng từ khoảng 35 USD/m2 mỗi tháng trong quý II/2016 lên tới 43 USD/m2 mỗi tháng trong quý II/2018, tương đương mức tăng 23%.

Tỷ lệ tăng trưởng tương tự về cho thuê văn phòng cũng diễn ra tại Hà Nội trong 2 năm qua. Trên thị trường cho thuê văn phòng, sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty quốc tế đã dẫn đến tình trạng các khu vực đang phát triển có lượng người thuê quá đông.

Tuy nhiên, sự tiến triển trong hoạt động xây dựng văn phòng đã và đang giải quyết được tình trạng này, và vào nửa cuối năm 2018 sẽ có một lượng đáng kể nguồn cung văn phòng hạng A được tung ra thị trường.

Một lĩnh vực khác đang tạo ra nhu cầu vững chắc là khu vực nhà ở, và phân khúc thị trường này có xu hướng tạo thêm đà cho nền kinh tế - dẫn chứng là đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất năm nay là của một nhà phát triển nhà ở cao cấp mà quỹ đầu tư GIC của Singapore gần đây đã mua lại một lượng cổ phần trong công ty này.

Các nhà đầu tư Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc) đã tỏ ra khá hứng thú đối với thị trường chung cư và căn hộ dịch vụ khi chiếm tới 75% trong tổng số người mua trên thị trường mua để cho thuê lại.

Nhìn chung, người mua nước ngoài chiếm tới 50% của tất cả các thương vụ giao dịch nhà ở thành công. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ vào Việt Nam để thiết lập các hoạt động, mà họ còn cam kết giữ tiền của họ ở lại. Điều này cũng có thể giải thích cho mức tăng 15% về giá nhà ở cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 2 năm qua.

Nhờ những nỗ lực của chính phủ theo đó giảm bớt hạn chế đối với việc nước ngoài nắm giữ cổ phần tại các công ty đại chúng, tương lai của Việt Nam càng trở nên tươi sáng hơn.

Những nỗ lực đó đã cho phép cơ cấu thành phần kinh tế trở nên đa dạng, đồng thời khuyến khích sở hữu của nước ngoài đối với các tài sản thương mại - từ đó tạo ra nhu cầu bổ sung cho thị trường bất động sản và gia tăng tỷ lệ xếp hạng về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trang www.businesstimes.com.sg nhấn mạnh một yếu tố khác biệt mà Việt Nam đang tự hào chính là sự phân bố tài sản tương đối công bằng so với các nước đang phát triển khác.

Cũng theo trang mạng này, việc chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết cải thiện tính hiệu quả và giảm bớt các chi phí về giao dịch cũng như logistics cho thấy các doanh nghiệp cá nhân, các dự án và kể cả toàn bộ thị trường đang được tạo thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư.

Ngoài ra, những căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất của họ sang Đông Nam Á trong một nỗ lực nhằm né tránh các mức thuế quan.

Việt Nam, vốn là một nước xuất khẩu hàng may mặc và điện tử quan trọng, đã được hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển các hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Hơn nữa, như đà phục hồi của thị trường bất động sản trong năm 2015 cho thấy, sự điều chỉnh thị trường không thường xuyên lại là những tin tốt cho dài hạn.

Xét các giao dịch lớn nhất trong năm nay - đối với các vị trí phát triển khu vực văn phòng, nhà ở và bán lẻ, tất cả đều được hỗ trợ bởi nguồn vốn nước ngoài - điều này có thể cho thấy mức độ hứng khởi của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam - ngôi sao đang lên của châu Á./.

>>>Hà Nội sẽ có thêm 1.588 căn hộ cho người thu nhập thấp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục