Bất động sản Vĩnh Phúc hấp dẫn nhà đầu tư

20:19' - 12/11/2022
BNEWS Tại khu vực Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tỉnh Vĩnh Phúc đang nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn với hệ thống hạ tầng tốt và sự phát triển bài bản.

Công ty Savills Việt Nam nhận định, với vị trí sát Hà Nội, nguồn cung lớn trong tương lai và các ngành sản xuất công nghiệp đa dạng, tỉnh Vĩnh Phúc đang chứng tỏ được sức hấp dẫn lớn tại nhiều phân khúc bất động sản; trong đó nổi bật là bất động sản công nghiệp.

Ông John Campbell - Phó giám đốc - Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam phân tích, Việt Nam đang là một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất châu Á với tốc độ tăng trưởng ổn định, kinh tế định hướng xuất khẩu, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), lực lượng lao động trẻ dồi dào và có vị trí "đắc địa". Các ngành công nghiệp thâm dụng lao động đang dần được chuyển đổi và thay thế để tận dụng tối đa lợi thế.

Cùng đó là sự lạc quan của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường. Tại khu vực Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tỉnh Vĩnh Phúc đang nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn với hệ thống hạ tầng tốt và sự phát triển bài bản.

 

"Chúng ta có thể thấy được nhu cầu càng ngày càng cao của các nhà xưởng xây sẵn. So với những tỉnh, thành ở phía Bắc, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa tận dụng được hết nguồn cung này ở Vĩnh Phúc" - chuyên gia này nhận xét.

Từ đầu năm đến nay, ghi nhận tăng trưởng GDP của Vĩnh Phúc là 10% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh luôn nhận được dòng vốn FDI lành mạnh và đều đặn trong nhiều năm qua. Đến nay, Vĩnh Phúc đã thu hút 493 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6,60 tỷ USD, đứng thứ 16 trên toàn quốc về đầu tư FDI.

Chỉ tính riêng 3 quý của năm 2022, tổng vốn FDI vào Vĩnh Phúc ghi nhận đạt 102 triệu USD; trong đó, 16 trên tổng số 18 dự án đăng ký mới thuộc lĩnh vực sản xuất và chế tạo, đóng góp trên 85 triệu USD. Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp của thành phố này có mức tăng 15% trong 3 quý vừa qua.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng những chính sách doanh nghiệp thân thiện với môi trường. Từ năm 2020 đến 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc được cải thiện đáng kể, từ vị trí thứ 29 vươn lên lên vị trí thứ 5.

Phát triển công nghiệp được xác định là mục tiêu phát triển trọng tâm của Vĩnh Phúc. Hiện nay, Vĩnh Phúc vẫn kêu gọi và thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư như ưu đãi thuế và tài trợ cho các doanh nghiệp hỗ trợ.

Hiện nay, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất ở Vĩnh Phúc là phụ tùng điện tử. Đây cũng là một trong những trung tâm đầu mối sản xuất xe hơi lớn nhất tại khu vực miền Bắc.

Ngoài ra, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng của Vĩnh Phúc rất thuận tiện nhờ kết nối với Hà Nội, Hải Phòng và Sân bay Quốc tế Nội Bài. Xe buýt công cộng phục vụ cho người dân đi lại khắp tỉnh và kết nối đến hầu hết các khu công nghiệp.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc còn tập trung hai cảng Vĩnh Thịnh và Như Thụy đi qua sông Hồng và sông Lô với sức vận chuyển lên tới 500 tấn hàng hóa mỗi ngày.

Savills Việt Nam dẫn chứng, về dân số học, theo thống kế đến năm 2021, dân số tỉnh Vĩnh Phúc đạt 1.191.790 người. Lực lượng lao động là 578.400 với trình độ cao; trong đó tỷ lệ lao động trình độ cao trên 15 tuổi tăng từ 22,4% năm 2018 lên 34,7% vào năm 2021.

Với vị trí gần trung tâm Hà Nội, chỉ khoảng 40 phút di chuyển, Vĩnh Phúc là nơi làm việc thuận lợi dành cho nhóm chuyên gia, lao động người nước ngoài.

Bức tranh toàn cảnh công nghiệp của Vĩnh Phúc cũng cho thấy, hiện tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt mức 88% với giá thuê trung bình khoảng 97 USD/m2; quỹ đất trống chỉ 138 ha so với tổng diện tích đất cho thuê là 1.189 ha.

Hiện Vĩnh Phúc có 7 khu công nghiệp và nguồn cung trong tương lai đến năm 2023 sẽ là 13. Thời gian di chuyển đến các vị trí lân cận trung tâm Hà Nội khoảng 40 phút, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài khoảng 30 phút...

Mặt hàng sản xuất chính hiện nay tại các khu công nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc chủ yếu là máy tính, sản phẩm điện tử và quang học, kim loại chế tạo, cao su và nhựa, động cơ xe, sản phẩm khoáng phi kim loại...

Các chuyên gia đánh giá, Vĩnh Phúc cũng là nơi thu hút được nhiều khách hàng, nhà đầu tư tên tuổi như: Daewoo, Haesung Vina, Partron Vina, Cammsys (Hàn Quốc), Toyota, Honda, Sumitomo (Nhật Bản), Compal (Đài Loan - Trung Quốc), Piaggio (Italia), De Heus (Hà Lan), Prime Group (Thái Lan), Northstar Polaris và Weldex (Mỹ).

Theo đánh giá của Savills Việt Nam, Vĩnh Phúc có quỹ đất công nghiệp dồi dào, đặc biệt dành cho dòng sản phẩm nhà kho và nhà máy xây sẵn. Tuy nhiên, những nguồn cung như nhà xưởng xây sẵn hay nhà kho dưới 10.000 m2 vẫn còn hạn chế. Do đó, đây cũng chính là cơ hội cho các nhà đầu tư quan tâm đến phân khúc này.

Hiện tại, các doanh nghiệp đầu tư tại Vĩnh Phúc chỉ có thời hạn thuê đất tối đa là 50 năm. Tuy nhiên, nguồn cung có sẵn ở đây sẽ giúp khách thuê tiếp cận với thị trường nhanh chóng hơn, hạn chế chi phí đầu tư ban đầu và hỗ trợ thời gian thuê linh hoạt bắt đầu từ 3 năm.

Đặc biệt, sự hiện diện của các nhà sản xuất ô tô và điện tử tên tuổi tại địa phương này sẽ là động lực cho ngành sản xuất phụ trợ hay đơn vị cung ứng chuyển địa điểm hoặc đa dạng hoá hoạt động của mình tại Vĩnh Phúc vào phân khúc bất động sản công nghiệp xây sẵn. Khi sự dịch chuyển của ngành công nghiệp phụ trợ tăng lên, nhu cầu về nhà máy xây sẵn (RBF) và nhà kho xây sẵn (RBW) cũng sẽ tăng theo.

Vĩnh Phúc đã khẳng định mình như một địa điểm đầu tư sáng giá trong số các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Việc thu hút được các khách thuê lớn thuộc những ngành sản xuất có giá trị cao, vị trí thuận tiện và giá thuê ở mức cạnh tranh là những yếu tố chính giúp thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và chế tạo tại Vĩnh Phúc.

“Chính quyền địa phương cũng đóng vai trò rất lớn trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng và thủ tục đầu tư. Điều này đã được thể hiện khi Vĩnh Phúc vượt lên đến vị trí thứ 5 trong danh sách PCI 2021” - ông John Campbell dẫn chứng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục