Bầu cử Mỹ năm 2020: Chạy đua bằng chính sách kinh tế
Dư luận quốc tế và Mỹ đang tập trung theo dõi cuộc bầu cử này, bởi những quyết sách từ Nhà Trắng sẽ tác động không chỉ đến mọi lĩnh vực trong đời sống của người dân Mỹ mà còn đối với toàn thế giới.
Tuy nhiên, bất cứ ứng cử viên nào đắc cử vị trí Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ sẽ đều phải đối mặt với những thách thức lớn của một nền kinh tế đang hứng chịu thiệt hại nặng nề bởi cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra.
* Những quan điểm khác biệt Đến nay, về cơ bản, cương lĩnh tranh cử của các ứng cử viên đã thể hiện rõ những ưu tiên trong chính sách kinh tế, thể hiện trong một số khía cạnh chủ yếu, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân Mỹ. Trước hết là sự khác biệt trong quan điểm về các gói cứu trợ nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19. Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục, tạo ra nguy cơ khủng hoảng nhà ở, tình trạng đóng cửa kinh doanh kéo dài trên cả nước và sự gia tăng chi phí về chăm sóc y tế. Ứng cử viên Biden đưa ra một số kế hoạch kinh tế và tài chính nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, gồm kế hoạch đảm bảo nghỉ phép vẫn được trả lương đối với những người bị nhiễm COVID-19, hoặc những người đang chăm sóc bệnh nhân COVID-19; xét nghiệm miễn phí cho toàn dân; giãn nợ đối với các khoản vay dành cho sinh viên liên bang; cung cấp các khoản vay không lãi suất đối với các doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến dịch COVID-19; bổ sung đầy đủ nhân sự cho tất cả các cơ quan liên bang, lực lượng đặc nhiệm và các nhóm cố vấn khoa học và kinh tế chuyên về an toàn y tế để ngăn chặn mối đe dọa của các bệnh truyền nhiễm trong tương lai; thúc đẩy mức lương tối thiểu 15 USD/giờ; loại bỏ các thỏa thuận không cạnh tranh cho người lao động và mở rộng cơ hội tiếp cận với giáo dục giá cả phải chăng, bao gồm cả đại học cộng đồng miễn phí. Trong khi đó, Tổng thống Trump kêu gọi thông qua một dự luật cứu trợ kinh tế lớn và nhiều khoản chi kích thích phục hồi kinh tế.Mới đây nhất, ngày 9/10, Chính quyền của Tổng thống Trump đã đề xuất gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.800 tỷ USD nhằm tìm cách thuyết phục các nghị sĩ đảng Dân chủ nhất trí về gói cứu trợ mới, giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực mà đại dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, gói cứu trợ này của Chính phủ Mỹ có ý nghĩa quan trọng khi hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì nhân viên, ngăn chặn làn sóng công ty phá sản và đảm bảo hỗ trợ người lao động mất việc làm.
Trong chính sách thuế, cả hai ứng cử viên Tổng thống đều có kế hoạch thực hiện các thay đổi luật thuế, nhưng phần lớn là theo các hướng ngược nhau. Đối với Tổng thống Trump, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Trump đã ký ban hành Đạo luật việc làm và cắt giảm thuế. Đây là một trong những trụ cột trong chiến lược tạo thêm việc làm và giúp tăng tốc nền kinh tế Mỹ. Luật thuế mới này bao gồm một số nội dung quan trọng như giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%, giảm thuế thu nhập cá nhân cho những người có thu nhập trên 500.000 USD từ gần 40% xuống còn 37%. Dự luật cũng sẽ hủy bỏ một phần Đạo luật Chăm sóc y tế giá phải chăng (Obamacare) của Tổng thống tiền nhiệm Obama và tăng mức nợ liên bang lên gần 1.500 tỷ USD trong thập niên tới. Hiện nay, trong cương lĩnh tranh cử, Tổng thống Trump đề ra kế hoạch giảm thuế hơn nữa, bằng cách giảm thuế cho các công ty đưa sản xuất trở lại Mỹ và áp thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa nước ngoài. Tổng thống Trump cũng chủ trương cắt giảm hơn nữa các loại thuế thu nhập cho tầng lớp trung lưu, cắt giảm thuế đối với các khoản lợi nhuận từ vốn xuống 15%. Trong khi đó, ông Biden lại đề ra kế hoạch tăng thuế đối với người giàu và các doanh nghiệp. Đối với cá nhân, ông Biden chủ trương tăng thuế đối với người dân Mỹ có thu nhập từ 400.000 USD/năm, và duy trì các mức thuế hiện tại đối với những người có thu nhập dưới con số trên; khôi phục mức thuế thu nhập cá nhân từ 37-39,6%, áp dụng đối với những cá nhân có thu nhập từ 518.400 USD/năm và các cặp vợ chồng có mức thu nhập từ 622.000 USD/năm, những người trong nhóm thu nhập này cũng sẽ phải đối mặt với các khoản khấu trừ thuế bị cắt giảm, và những khoản lợi nhuận từ vốn trên 1 triệu USD sẽ bị đánh thuế ở mức 43,4%, thay vì 23,8% như hiện nay.Đối với các doanh nghiệp, ông Biden đề ra kế hoạch tăng thuế suất doanh nghiệp lên 28% và áp thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp lớn cũng như tăng gấp đôi thuế, từ 10,5% lên 21% đối với các khoản lợi nhuận quốc tế của các công ty.
* Điểm tương đồng và đối lập trong chính sách thương mại Trong chính sách thương mại đối với Trung Quốc, một điểm chung trong lập trường của 2 ứng cử viên là đều theo đuổi chính sách kiềm chế Trung Quốc. Cương lĩnh tranh cử của Tổng thống Trump cho thấy các công ty có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc sẽ bị loại khỏi các dự án của chính phủ liên bang. Đây là sự tiếp nối các chính sách của ông Trump trong 4 năm qua, trong đó ông đã cố gắng thực thi trừng phạt thuế, hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Giới cố vấn cho ứng cử viên Joe Biden cũng chia sẻ cách tiếp cận của ông Trump coi Trung Quốc là đối thủ. Điều này cho thấy, dù ông Biden có lên nắm quyền tại Nhà Trắng vào tháng 1/2021, rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Trung vẫn sẽ ở mức cao. Bên cạnh những điểm chung, vẫn tồn tại những điểm khác biệt then chốt trong cách thức đối phó với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại giữa hai ứng cử viên. Ông Biden khẳng định, nếu thắng cử, nước Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với đồng minh, nhằm thiết lập một chiến dịch điều phối toàn cầu để gây sức ép với Bắc Kinh. Chiến lược này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc ông Trump cùng lúc phát động chiến tranh thương mại với cả châu Âu, Canada, Mexico, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các cuộc phỏng vấn với hàng chục học giả, cố vấn, quan chức và nhà kinh tế trong những tháng gần đây chỉ ra rằng ông Biden đang tận dụng mong muốn đa dạng hóa của các nước để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống ông Trump, ông Biden đã cam kết không hành động đơn phương. Trong chính sách thương mại đối với các thể chế đa phương và các đồng minh, hai ứng cử viên thể hiện những khác biệt rõ rệt. Trong 4 năm qua, ông Trump theo đuổi chính sách “chủ nghĩa cô lập mới” trên nền tảng “nước Mỹ trước tiên”, và hiện thực hóa bằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Để thực hiện, ông Trump không ngần ngại gây áp lực thương mại không chỉ với Trung Quốc mà còn với cả các đồng minh lâu năm như Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn-Mỹ là “không công bằng” và hối thúc sửa đổi hiệp định này. Washington còn đe dọa rút khỏi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đã tiến hành đàm phán lại FTA Mỹ-Canada-Mexico theo hướng có lợi cho Mỹ. Đại diện Thương mại Robert Lighthizer từng nhấn mạnh “Mỹ đã rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sẽ không thay đổi quyết định”. Ngoài ra, trong bối cảnh xung đột giữa Mỹ và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) gia tăng, Chính quyền Tổng thống Trump có thể rút khỏi WTO. Nếu tái đắc cử, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ duy trì lập trường trên. Trong khi đó, là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Biden luôn ủng hộ TPP giữa 12 nước châu Á-Thái Bình thương. Ông có xu hướng coi trọng vị thế và vai trò của nước Mỹ với tư cách nước đứng đầu trong quan hệ với các đồng minh. Cùng với đó, Cựu Phó Tổng thống Mỹ coi thương mại là phương tiện để tăng cường mối liên minh giữa Mỹ và các đồng minh, đồng thời theo đuổi thịnh vượng chung. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục bùng phát với những chỉ số nguy hiểm mới, những khác biệt cơ bản trong chính sách kinh tế của hai ứng cử viên sẽ là chủ đề các cử tri quan tâm hàng đầu cũng như giới chuyên gia phân tích, mổ xẻ và điều này sẽ tác động sâu sắc đến kết quả bầu cử./.Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Bầu cử Mỹ 2020: Tổng thống D.Trump nối lại chiến dịch tranh cử tại nhiều bang
07:43' - 13/10/2020
Tổng thống Donald Trump thông báo ông sẽ nối lại chiến dịch vận động tranh cử tại bang Floria vào ngày 12/10 (theo giờ Mỹ), bắt đầu cuộc đua nước rút 3 tuần trước giờ G - ngày 3/11 tới.
-
Kinh tế Thế giới
Bầu cử Mỹ 2020: Mức tín nhiệm của Tổng thống Trump tăng nhẹ
08:20' - 08/10/2020
Kết quả cuộc thăm dò dư luận của Gallup vừa công bố cho thấy có sự khác biệt về quan điểm của cử tri hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về vấn đề bỏ phiếu sớm đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Kênh đào Suez thất thu do bất ổn tại Trung Đông kéo dài
08:20'
Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty cho biết quốc gia Bắc Phi này đã thiệt hại tới 8 tỷ USD do doanh thu từ Kênh đào Suez giảm mạnh, trong bối cảnh các cuộc xung đột ở Trung Đông.
-
Kinh tế Thế giới
Ngành ô tô Thái Lan tiếp tục giảm mạnh sản lượng
18:05' - 25/11/2024
Thái Lan dự kiến sẽ sản xuất 1,5 triệu ô tô chở khách và xe tải trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 2021 khi cả doanh số bán trong nước và xuất khẩu đều giảm.
-
Kinh tế Thế giới
Malaysia tìm kiếm đối tác cho chuỗi cung ứng bán dẫn
17:39' - 25/11/2024
Malaysia đang nỗ lực đa dạng hóa quan hệ hợp tác nhằm đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng bán dẫn, qua đó giảm thiểu nguy cơ phải đối mặt với các rủi ro khi Mỹ triển khai chính sách thuế quan mới.
-
Kinh tế Thế giới
Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản
17:24' - 25/11/2024
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Expert mới đây, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Patrushev cho biết nước này hiện là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản ra thế giới.
-
Kinh tế Thế giới
Ấn Độ coi Italy là đối tác, đồng minh quan trọng ở châu Âu
12:07' - 25/11/2024
Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn lời Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar cho biết nước này coi Italy là đối tác, đồng minh quan trọng ở châu Âu và là một quốc gia có ảnh hưởng rất lớn ở Địa Trung Hải.
-
Kinh tế Thế giới
Thổ Nhĩ Kỳ, Nga nhất trí tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực
12:05' - 25/11/2024
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về quan hệ song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc tổ chức hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam
12:05' - 25/11/2024
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc hôm 25/11 đã tổ chức hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.
-
Kinh tế Thế giới
ASEAN, Ấn Độ thông báo vòng đàm phán tiếp theo về hiệp định thương mại song phương
09:49' - 25/11/2024
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Bộ Công thương Ấn Độ mới đây thông báo vòng đàm phán tiếp theo về rà soát Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIGA) dự kiến được tổ chức vào tháng 2/2025.
-
Kinh tế Thế giới
Fed: Nợ công của Mỹ là rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định tài chính
14:29' - 24/11/2024
Theo nhận định từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nợ công của nước này hiện là rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định tài chính, vượt qua cả vấn đề lạm phát cao dai dẳng.