Bên lề Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV: Khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế

20:56' - 26/05/2017
BNEWS Liên quan đến vấn đề nợ xấu, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đây là "cục máu đông", điểm nghẽn trong nền kinh tế, làm hạn chế khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế

Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, nhiều đại biểu cho rằng đây là "cục máu đông", điểm nghẽn trong nền kinh tế, làm hạn chế khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế. Bên lề Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại những ý kiến của các đại biểu quốc hội xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ). Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ): Xử lý nhanh và có biện pháp mạnh

Việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu nhằm củng cố năng lực và ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và vốn ảo trong nền kinh tế. Cho nên Nghị quyết đưa ra vào thời điểm này là rất phù hợp do nước ta là một nước có thu nhập trung bình và đang cố gắng tăng năng suất lao động, thay đổi mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, việc dựa vào đầu tư từ ngân sách và vốn thì chưa thể một sớm một chiều có thể xử lý ngay được nợ xấu, khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.

Nợ xấu đang là cục máu đông tạo điểm nghẽn trong nền kinh tế, do đó cần phải xử nhanh và có những biện pháp mạnh. Nếu không có những biện pháp đặc thù thì cũng không thể để lâu trong nền kinh tế được.

Qua nghiên cứu, mặc dù Nghị quyết xử lý nợ xấu đã được Ban soạn thảo tiếp thu nhưng chưa thấy sửa nhiều điểm. Tôi cũng băn khoăn chưa biết sửa như thế nào?

Tôi đồng tình với nguyên tắc xử lý là không sử dụng ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, việc bán nợ xấu và tài sản đảm bảo theo giá thị trường nên quy định là phải tổ chức đấu giá.

Bởi nợ này đã là xấu thì tài sản đảm bảo cũng có giá thấp, nếu không bán đấu giá thì sẽ không đảm bảo lợi ích của các tổ chức tín dụng. Mặc dù tổ chức bán đấu giá sẽ mất thêm chi phí nhưng sẽ đảm bảo không thất thoát tài sản.

Bên cạnh đó, phạm vi của Nghị quyết cần quy định rõ, xử lý toàn bộ nợ xấu của các tổ chức tín dụng, bởi nếu chỉ xử lý của các tổ chức tín dụng yếu kém thì chỉ mới giải quyết được 3% số nợ xấu, không đảm bảo yêu cầu của Nghị quyết là khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.

Về hiệu lực của Nghị quyết, tôi cho rằng chỉ áp dụng đến hết 31/12/2016, bởi nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn sẽ liên tục phát sinh (khoảng 1,3%/năm). Nếu kéo dài thời gian sẽ tạo tâm lý ỷ lại của các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu.

Đặc biệt, cần có thêm 1 điều hoặc 1 khoản quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu. Bởi nhiều ý kiến cho rằng Nghị quyết ra đời để hợp thức hóa những sai phạm trước đây. Do đó, việc quy định trách nhiệm phải được diễn ra song hành với việc xử lý nợ xấu.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Hà Nội): Xử lý theo cơ chế thị trường

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng số nợ xấu và nợ bán cho Công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là 5,8%, cộng thêm số nợ tiềm ẩn nữa là hơn 10%. Như vậy, đến thời điểm này khoản nợ xấu đã là rất lớn.

Hiện vẫn còn trên 10% nợ xấu chưa xử lý được. Bởi chúng ta vẫn đang xác định nợ xấu là một loại hàng hóa và cần thị trường, nhưng chỉ có người bán mà không có người mua.

Những khoản nợ gắn với bất động sản và quyền sử dụng đất thì chưa giao dịch được, bởi người mua không được thừa hưởng quyền nhận sở hữu tài sản đó gắn với nợ xấu, và không có quyền xử lý tài sản đó.

Quan trọng hơn, ai là người mua các khoản nợ xấu trong thời gian qua. Theo quy định thì chỉ có các tổ chức có chức năng mua bán nợ thì mới được tham gia.

Thời điểm này chỉ có 2 đơn vị là Công ty mua bán nợ của Bộ tài chính (DATC) và VAMC, nhưng chưa đủ nguồn lực và cơ chế để thực hiện mua nợ theo thị trường, bởi các đơn vị này vẫn thực hiện mua theo chỉ định, mà chỉ tạm thời nhận các khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Thực tế, việc mua và để xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường là chưa có. Bên cạnh đó, muốn bán cũng rất khó, bởi giá thì do công ty mua bán nợ đàm phán đưa ra.

Thực tế, theo thống kê việc xử lý nợ xấu là do tự các ngân hàng thương mại đã đôn đốc khách hàng và xử lý các tài sản đảm bảo theo con đường đưa ra tòa; đến nay đã xử lý được trên 50.000 tỷ đồng.

Tôi cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này là rất cần thiết, giải quyết được điều căn bản của thị trường, đảm bảo có thể bán được nợ xấu với giá tốt hơn.

Một trong những nội dung quan trọng tại điều 5 của Nghị quyết này là bán nợ xấu và tài sản đảm bảo theo giá thị trường, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ. Điều này quyết định cho việc có bán được hay không. Bởi, thời gian qua chưa có quy định về việc bán các khoản nợ theo giá thị trường.

Trong khi đó, đối với các ngân hàng thương mại mà không có vốn cổ phần của Nhà nước thì không sao. Nhưng đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước thì rất ngại, bởi các khoản nợ thường có giá thấp hơn giá trị trên sổ sách (khoảng 90%).

Mặc dù bán như vậy, nhưng nếu các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra thì sẽ liên đới trách nhiệm không? Do tâm ý e ngại, nên các ngân hàng chủ yếu bán cho DATC (công ty nhà nước). Đây là nút thắt trong việc xử lý nợ xấu.

Nghị quyết lần này cũng đưa ra quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo sẽ xử lý được tình trạng khách hàng không hợp tác và đưa ra nhiều lý do để trì hoãn việc bán tài sản đảm bảo. Từ đó, buộc khách hàng phải phối hợp với ngân hàng để xử lý; giúp các ngân hàng tạo được áp lực cho khách hàng phối hợp xử lý.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM). Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM): Cần có cơ chế, pháp lý đủ mạnh

Nợ xấu đang là điểm nghẽn, điểm nóng cần tập trung xử lý để hỗ trợ phát triển kinh tế. Bởi lẽ, ở Việt Nam hệ thống ngân hàng có vai trò quan trọng vì dư nợ ước gấp 2-3 lần các nước ASEAN. Gánh nặng của ngân hàng với nền kinh tế là rất lớn.

Sau 5 năm triển khai Đề án 843 về xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại đã trích lập dự phòng và giải quyết khoảng 350.000 tỷ đồng; nợ chuyển cho VAMC là 250.000 tỷ đồng và các ngân hàng thương mại đã xử lý 50.000 tỷ đồng.

Ước tính nợ xấu hiện chiếm 2,65% tổng dư nợ, khoảng 150.000 tỷ đồng và nếu cộng với con số tại VAMC 200.000 tỷ đồng thì khoảng 350.000 tỷ đồng, tương đương 6%. Tuy nhiên, nếu tính cả những khoản nợ có thể thành nợ xấu thì tỷ lệ này có thể lên tới 10% như tờ trình của Chính phủ.

Do đó, để giải quyết nợ xấu cần có sự hợp lực của Chính phủ, Quốc hội và cơ chế pháp lý đủ mạnh nhằm xử lý vì nếu nợ xấu tiếp tục tồn tại sẽ đe dọa hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính quốc gia. Và nếu cho ngân hàng phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền.

Nếu xử lý tốt nợ xấu thì sẽ giải quyết nhiều mục tiêu như: giảm chi phí hoạt động kinh doanh tiền tệ, lãi vay khoảng 1%. Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại là tài sản thế chấp cầm cố có còn không bởi vì nếu sau 5 năm không xử lý được thì “nó xấu lắm rồi”.

Xem thêm:

>>> Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Kỳ vọng sẽ xử lý hết nợ xấu nhờ Nghị quyết mới

>>> Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Tính thống nhất xây dựng quy hoạch tổng thể

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục