Bí quyết giúp cá hồi Na Uy giành ưu thế trước cá hồi Chile

10:36' - 24/01/2016
BNEWS Na Uy và Chile hiện là hai nước xuất khẩu cá hồi lớn nhất thế giới, song tình hình xuất khẩu, doanh thu cũng như triển vọng của ngành cá hồi hai nước lại trái ngược nhau.

Vậy, điều gì giúp Na Uy có được mức giá xuất khẩu cá hồi cao kỷ lục và doanh thu lớn, trong khi Chile lại đang phải đối mặt với tình trạng nhu cầu yếu và giá cả sa sút?

Bí quyết giúp cá hồi Na Uy giành ưu thế trước cá hồi Chile. Ảnh: Như Mai/TTXVN

Giám đốc điều hành Hiệp hội thủy sản Na Uy, Geir Ove Ystmark, nói vui rằng vào thời điểm này “trở thành người nuôi cá hồi Na Uy thì thật tuyệt”. Nguồn cung hạn hẹp vì các bệnh liên quan đến ký sinh trùng biển đã đẩy giá cá hồi xuất khẩu của Na Uy lên mức cao kỷ lục.

Giá cá hồi Na Uy giao ngay trên thị trường đã vọt lên mức cao xấp xỉ 60 krone Na Uy/kg (khoảng 6,8 USD/kg).

Theo tờ Thời báo tài chính (The Financial Times) của Anh, đồng krone yếu (giảm 16% so với USD và 6% so với đồng euro so với đầu năm 2015) đã giúp mang lại khoản doanh thu lớn hơn cho những người nuôi cá hồi nước này.

Đồng thời, họ cũng thu được lợi nhuận cao hơn, nhờ chi phí tính bằng đồng krone giảm một nửa, trong khi phần lớn doanh thu nhận bằng đồng USD hoặc euro.

Cổ phiếu của các công ty nuôi cá hồi cũng được giá, tiêu biểu là giá cổ phiếu của công ty dẫn đầu thị trường Marine Harvest tăng 14% kể từ đầu năm 2015, còn cổ phiếu của công ty Leroy tăng 17%. Nhà phân tích Kolbjorn Giskeodegard thuộc ngân hàng Nordea Bank cho rằng kết quả trên là nhờ “sự kỳ diệu của tỷ giá”.

Trái lại, những người nuôi cá hồi Chile lại điêu đứng vì đồng tiền của hai thị trường xuất khẩu lớn của Chile là Brazil và Nga giảm mạnh. Cụ thể, đồng real của Brazil giảm 34% kể từ đầu năm ngoái, trong khi giá đồng ruble của Nga “bốc hơi” 25%.

Thị phần cá hồi Chile tại thị trường Mỹ - khách hàng lớn nhất của nước Mỹ Latinh này - cũng bị thu hẹp nghiêm trọng trước sự cạnh tranh lớn của cá hồi Na Uy. Kết quả là giá cá hồi xuất khẩu của Chile bị rớt xuống mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây.

Đàn cá hồi đang tìm đường trở về nơi chúng sinh sống. Ảnh: kplu.org

Theo SalmonEx, tính đến cuối năm 2015, giá cá hồi Chile giảm 14,5% so với đầu năm, xuống còn 3,44 USD/pound (1 pound=0,454 kg).

Ngoài sự biến động của tỷ giá đồng peso, lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Nga cùng với mối quan ngại của các công ty bán lẻ Mỹ về tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi trong sản xuất cá hồi ở Chile cũng ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu cá hồi của nước này.

Trong khi đó, đối với Na Uy, lệnh cấm nhập khẩu của Nga đã thôi thúc các công ty xuất khẩu cá hồi Na Uy chuyển hướng sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Đồng krone giảm giá mạnh giúp cho các công ty Na Uy có thể chào bán cá hồi với mức giá thấp hơn nhằm giành ưu thế cạnh tranh so với các đối thủ khác.

Theo Hội đồng Thủy sản Na Uy, những động thái trên đã giúp kim ngạch xuất khẩu cá hồi của Na Uy đạt 48 tỷ krone (5,49 tỷ USD) trong năm 2015, tăng 9% so với năm 2014, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng 15% lên 35 tỷ krone và kim ngạch xuất sang Mỹ tăng 33% lên 626 triệu krone.

Ngược lại, số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho hay, xuất khẩu cá hồi của Chile giảm hơn 1/5 trong 6 tháng đầu năm 2015. Trước đó, năm 2014, Chile xuất khẩu 4,4 tỷ USD cá hồi; song hiện chưa có thống kê cho cả năm 2015.

Sự lo ngại của thị trường Mỹ về tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi cá hồi tại Chile lại giúp cá hồi xuất xứ Na Uy ghi điểm. Khác với Chile, những người nuôi cá hồi Na Uy đã chuyển sang sử dụng vắc-xin từ khá lâu, nhờ đó việc sử dụng thuốc kháng sinh trong việc nuôi cá hồi tại Na Uy giảm mạnh so với giai đoạn sử dụng kháng sinh nhiều nhất hồi năm 1987.

Thống kê cho hay năm 2013, Chile sản xuất khoảng 750.000 tấn cá hồi, sử dụng trên 450 tấn thuốc kháng sinh, trong khi Na Uy sản xuất 1,25 triệu tấn cá hồi và chỉ sử dụng 972 kg thuốc kháng sinh.

Sự e ngại của người tiêu dùng đã gây thiệt hại không nhỏ cho ngành cá hồi Chile vốn đã phải chật vật đối phó với tình trạng nợ nần ở mức cao và kẹt tiền mặt sau cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này năm 2012.

AquaChile, một trong những công ty sản xuất cá hồi lớn nhất Chile, thông báo ba quý thua lỗ liên tiếp trong năm 2015, còn giá cổ phiếu của công ty này giảm trên một nửa so với hồi đầu năm.

Theo nhận định của FAO, do phần lớn chi phí tính bằng đồng USD, Chile vừa phải đối mặt với tình trạng giá giảm, vừa phải gánh khoản chi phí sản xuất cao hơn hầu hết các nước khác.

Tuy nhiên, ngành sản xuất cá hồi Chile hy vọng năm 2016 sẽ tích cực hơn. Giá cá hồi Chile trong những tuần đầu năm 2016 đã có dấu hiệu hồi phục.

Dẫu vậy, các chuyên gia trong ngành nhận định rằng triển vọng ngành cá hồi Na Uy tươi sáng hơn, trong đó giá xuất khẩu trên đà tăng lên, còn mức tăng nhu cầu dự báo ổn định. Họ tin rằng ngành sản xuất cá hồi Na Uy sẽ trải qua “siêu chu kỳ” mới trong hai năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục