Biểu giá bán lẻ điện: Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm

16:11' - 06/03/2020
BNEWS Nếu muốn tác dụng điều tiết mạnh hơn, khuyến khích tiết kiệm điện hơn thì thiết kế bước nhảy tăng dần, các bậc sau phải trả giá cao hơn nhiều
Các chuyên gia cho rằng, cần có nghiên cứu, xem xét thêm về các bước nhảy giữa các bậc thang để tạo áp lực về giá ở những bậc cao và tăng tính khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm từ các hộ tiêu dùng. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Chiều 6/3, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam”. Đồng tình với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang mới được Bộ Công Thương đề xuất, song các chuyên gia cho rằng, cần có nghiên cứu, xem xét thêm về các bước nhảy giữa các bậc thang để tạo áp lực về giá ở những bậc cao và tăng tính khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm từ các hộ tiêu dùng.

* Đồng tình lựa chọn 5 bậc thang

Mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang thay vì 6 bậc thang như hiện hành. Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về xem xét đổi mới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng dùng vào mục đích sinh hoạt.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất 5 phương án bao gồm: 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc; trong đó, phương án 5 bậc có 2 kịch bản.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá, các phương án mà Bộ Công Thương đề xuất đã tính toán kỹ nhằm mục tiêu cải tiến biểu giá bán lẻ điện. Bộ đã phân tích ưu nhược điểm từng phương án để chọn phương án khả thi nhất, hợp lý nhất.

“Tất nhiên, chúng ta khó kỳ vọng một biểu giá mà 100% người dân chấp nhận nhưng phải chấp nhận biểu giá nào mang lại lợi ích lớn, hài hòa nhất cho người tiêu dùng, ngành sản xuất điện và quản lý nhà nước. Bộ Công Thương hướng tới lựa chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1, cá nhân tôi cho rằng đó là phương án khả thi”, ông Thỏa nói.

Nhiều người dân cũng đề xuất về việc tại sao chúng ta chưa chọn phương án 1 bậc giá điện duy nhất, ông Thỏa cho hay, để đảm bảo đủ điện, ngành điện trong những thời gian cao điểm vẫn phải huy động những nguồn điện giá cao, như chạy dầu. Vì thế phải tạo ra các bậc thang giá điện để khuyến khích tiết kiệm và giải quyết vấn đề an sinh.

Thứ hai là nguồn cung về điện hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu và nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới đã được đặt ra.

Thứ ba, điện được sản xuất từ nguồn tài nguyên không tái tạo vẫn chiếm tỷ lệ lớn, như than, dầu khí..., có nguy cơ cạn kiệt. Đây là quy luật khan hiếm tài nguyên và càng dùng nhiều càng đắt. Do vậy, áp dụng biểu giá 5 bậc thang để khuyến khích người dân tính toán dùng điện cho hợp lý nhất.

Cùng quan điểm trên, Chuyên gia Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, giá điện bậc thang đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như một công cụ hữu hiệu để điều tiết nhu cầu sử dụng điện, như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ưu điểm của phương án nhiều bậc thang là những hộ chính sách, hộ nghèo tiêu thụ ít được ưu đãi, còn người dùng quá nhiều điện, phần lớn là người có khả năng chi trả tốt thì nên hạn chế dùng điện cỡ hợp lý. Nếu dùng quá mức cần thiết thì phải trả tiền một số điện đắt hơn.

Trong tương lai, khi thị trường bán lẻ điện của Việt Nam đã hoàn tất, các hạ tầng điện được đảm bảo thì Việt Nam có thể tiến đến phương án 1 giá điện duy nhất. Trong thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn đang trong lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, số bậc thang đang giảm dần từ 7 bậc xuống 6 hoặc 5 bậc...

Điện được coi là hàng hóa đặc biệt, qúa trình sản xuất, truyền tải phân phối diễn ra đồng thời. Cơ quan điều độ khi huy động nhà máy có giá thành rẻ trước, đắt sau. Hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng giá điện bậc thang nhằm phù hợp đặc  điểm và khuyến khích tiết kiệm điện.

TPHCM thay thế công tơ điện truyền thống bằng công tơ điện tử. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, với mỗi phương án đưa ra, Bộ Công Thương đều có tính toán, so sánh về số tiền khách hàng ở mỗi bậc thang phải chi trả so với phương án 6 bậc đang được áp dụng. Tất cả các phương án được đưa ra đều có ưu điểm là giảm số bậc thang so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, các phương án 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc đều có nhược điểm chung là các khách hàng ở mức thấp đều phải trả nhiều tiền hơn, còn khách hàng sử dụng nhiều điện lại phải trả ít đi.

Cụ thể, với phương án 1 bậc, 2 bậc và 3 bậc thì các khách hàng sử dụng dưới 300 kWh/tháng, chiếm tỷ lệ 87% khách hàng lại bị thiệt, không thực hiện mục tiêu là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả; đồng thời ngân sách nhà nước cũng phải hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách bị tăng lên.

Đối với phương án được Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn 5 bậc, phương án này khắc phục được các nhược điểm nêu trên là hàng chục triệu khách hàng sử dụng dưới 250 kWh/tháng được hưởng lợi và trả tiền điện thấp hơn. Đặc biệt là các hộ nghèo, chính sách tiếp tục được nhà nước hỗ trợ, với khoảng 1,8 triệu hộ, tổng số tiền hỗ trợ trên 1.000 tỷ đồng/năm như hiện nay.

Tuy nhiên, với phương án này, các hộ khách hàng sử dụng điện nhiều trên 700 kWh/tháng sẽ bị thiệt. Tổng số chỉ 0,46 triệu khách hàng, chiếm 1,8% tổng số khách hàng phải trả cao hơn.

* Xem xét bước nhảy giữa các bậc

Đồng tình với phương án 5 bậc được Bộ Công Thương đưa ra, song theo các chuyên gia, cần phải tính toán lại bước nhảy, khoảng cách giá giữa các bậc thang.

Ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, bước nhảy giữa các bậc thang cũng nên xem xét lại, để làm thế nào đảm bảo lợi ích không chỉ cho người sử dụng điện mà còn cả cho đơn vị điện lực trong sự phát triển ngành điện.

Theo ông Trần Đình Long, quốc tế có 2 cách. Thứ nhất là làm sao bước  nhảy giữa các bậc tương đối đồng đều như bậc thang. Thứ hai là, nếu muốn tác dụng điều tiết mạnh hơn, khuyến khích tiết kiệm điện hơn thì thiết kế bước nhảy tăng dần, các bậc sau phải trả giá cao hơn nhiều. Những nhà thiết kế biểu giá bậc thang cũng nên nghiên cứu xem xét xem kiểu gì có lợi nhất để đảm bảo lợi ích cho khách  hàng và ngành điện.

Cũng với ý kiến trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, phương án của Bộ Công Thương đưa ra không tăng giá bình quân, các bậc thang cũng hợp lý khi 98% số hộ dùng điện được giảm.

“Tuy nhiên, bước nhảy thì đúng là phải xem xét lại. Khoảng cách giữa 2 bậc đầu tiên, bước nhảy còn cao, bước 2 so với 1 tăng 19,95%, bước 3 so với bước 2 tăng 25,94%. Chính con số này khiến việc điều chỉnh giá điện năm trước tạo ra sự nhảy vọt về tiêu thụ điện của đa số người dân.

Bộ Công Thương, ngành điện cần rà soát chính xác tỷ trọng tiêu dùng điện từng bậc, những vấn đề về giá các bậc làm sao xây dựng bước nhảy hợp lý hơn. Có thể giảm bước nhảy giá của 2 bậc đó và tăng mạnh tỷ lệ này ở 2 bậc cuối. Như vậy mới tạo áp lực khuyến khích tiết kiệm điện lớn hơn. Biểu giá vừa qua cũng chưa tạo áp lực mạnh”, ông Thỏa chỉ rõ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, Bộ đã có văn bản xin ý kiến rộng rãi tới các đơn vị bao gồm các UBND tỉnh, các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng. Bộ sẽ tổng hợp ý kiến đến 10/3 và sẽ hoàn thiện phương án để trình Chính phủ xem xét, chỉ đạo trong tháng 3 này. Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thì Bộ Công Thương sẽ ban hành biểu giá mới.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục