Biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế - hai thách thức lớn đối với Australia

05:30' - 24/11/2019
BNEWS Những áp lực về việc xây dựng chính sách năng lượng và khí hậu dựa trên cơ sở khoa học đang tăng dần do tác động tàn phá của biến đổi khí hậu gây ra cho quốc gia và nền kinh tế Australia.
Những cánh đồng cỏ khô do hạn hán tại Duri, bang New South Wales, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà báo Ian Verrender của hãng truyền thông ABC Australia nhận định các đám cháy rừng đang hoành hành trên khắp miền Đông Australia đã khiến Chính phủ nước này phải trả những khoản chi phí khổng lồ. Các vụ cháy rừng khiến Canberra phải đối mặt với phản ứng ngày càng tăng về các chính sách năng lượng.

Động cơ hơi nước đốt bằng than đá là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm khí quyển và đẩy nhanh tiến trình nóng lên của Trái Đất. Rõ ràng không chỉ có mực nước biển dâng cao mới tạo ra thách thức cho Australia, tình trạng sản lượng nông nghiệp suy giảm và nền kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp cũng cho thấy hạn hán và cháy rừng là các tác nhân ảnh hưởng không kém.

Bên cạnh đó, Canberra có các quyết sách cứng nhắc như việc khăng khăng đạt thặng dư ngân sách ngay cả khi nền kinh tế suy yếu. Bên cạnh lập trường của Chính phủ Australia, Ngân hàng Dự trữ (RBA; ngân hàng trung ương) buộc phải kiểm soát một loạt các lựa chọn chính sách không hiệu quả, trong nỗ lực ngăn chặn suy thoái.

Hạ lãi suất không đủ để thúc đẩy tăng trưởng

Lãi suất có khả năng sẽ giảm xuống 0,5% vào tháng 2/2020. Trong trường hợp thiếu các biện pháp kích thích kinh tế trực tiếp từ Chính phủ, lãi suất sẽ thấp hơn mức cần thiết và duy trì trong một thời gian dài. Mọi chỉ số kinh tế Australia hiện đều suy yếu. 

Lạm phát đình trệ trong gần bốn năm qua. Tăng trưởng vẫn duy trì, nhưng ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vào một thập niên trước. Tăng trưởng tiền lương dừng ở mức thấp nhất trong lịch sử. Chi tiêu bán lẻ, ngược lại, tăng cao đột biến, trong khi nợ hộ gia đình thuộc hàng cao nhất thế giới.

Việc làm, một lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Australia vài năm gần đây, cũng đã bắt đầu xấu đi. Lần đầu tiên trong vòng ba năm qua, các số liệu công bố vào cuối tuần trước cho thấy số lượng việc làm mới trong tháng 10/2019 đã giảm. Mặc dù, số lượng việc làm hàng tháng thường không ổn định, nhưng tất cả các tín hiệu đều thể hiện triển vọng ảm đạm. Số người thất nghiệp tăng lên tới 17.000 người và ít người có nhu cầu tìm việc làm mới.

Trước đó, RBA ba lần hạ lãi suất kể từ tháng 6/2019, xuống mức thấp chưa từng thấy là 0,75%, một động thái để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Australia.

Hạ lãi suất, công cụ thực sự duy nhất mà RBA có, được cho là nhằm khuyến khích các hộ gia đình tiêu dùng và doanh nghiệp đầu tư, từ đó nâng cao nhu cầu, thúc đẩy lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Các hộ gia đình Australia đang sở hữu các khoản nợ cao nhất vào khoảng 200% thu nhập. Không có tăng trưởng tiền lương, người tiêu dùng sẽ không mong muốn nhận thêm nợ, bất kể là lãi suất hạ thấp đến đâu.

Thay vì vay nhiều hơn, giờ đây người dân Australia đang sử dụng các khoản tiết kiệm được nhờ chính sách tiền tệ để giảm nợ. Ngân hàng Commonwealth chứng kiến tỷ lệ tăng 105% các khoản tiền gửi, chủ yếu từ các tài khoản khấu trừ cho tiền nợ thế chấp.

Hạn hán tác động tới doanh thu xuất khẩu

Hạn hán vào năm 2002 được ghi nhận là tồi tệ nhất trong lịch sử của Australia. Đến năm 2006, một trận hạn hán nặng nề không kém cũng xuất hiện. RBA mô tả điều kiện thời tiết của đầu thiên niên kỷ này là "không tuân theo tiêu chuẩn lịch sử". Nếu như trước kia trung bình mỗi 40 năm mới xảy ra một trận hạn hán tại Australia, thì nay hạn hán xảy ra ngày càng nghiêm trọng và gia tăng cả về tần suất và thời gian.

Theo Cơ quan Khí tượng Australia, một phần đáng kể của khu vực Thái Bình Dương đã ghi nhận lượng mưa thấp nhất trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan này, nằm dưới ngưỡng trung bình hàng năm. Việc thiếu nước mưa đi kèm với gia tăng nhiệt độ đang làm khô lớp đất cung cấp dinh dưỡng cho mùa màng và làm tăng tốc độ bay hơi của nguồn nước bề mặt.

Sản lượng nông nghiệp Australia dự tính giảm khoảng 8% so với năm ngoái, trong đó lợi nhuận trang trại giảm 20% và xuất khẩu của khu vực nông nghiệp đang giảm dần. Điều đó làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia trong năm nay, tại thời điểm giá khoáng sản đang đi xuống. Hiện giá quặng sắt của Australia đã thấp hơn gần 15% so với mức đỉnh vào đầu năm nay.

Sự vào cuộc của các doanh nghiệp

Ông Mike Henry vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc mới của tập đoàn BHP vào cuối tuần trước. Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Henry đã nắm bắt cơ hội, đưa ra tuyên bố cam kết giảm khí phát thải của BHP, vốn là một trong những tập đoàn khai thác than lớn nhất Australia. Cách đây một thập kỷ, BHP cũng chính là nhà tiên phong giới thiệu chính sách giá carbon, gây ra những xung đột trong giới công nghiệp khai khoáng và kinh doanh Australia.

Các công ty bảo hiểm, nhà máy phát điện, nhà sản xuất thép và một loạt các tập đoàn lớn của Australia hiện đã chấp nhận ý tưởng rằng biến đổi khí hậu là một thực tế. Đây là mối đe dọa dài hạn đối với hoạt động kinh doanh và cần phải có các hành động ngay lập tức. Trên toàn cầu, các tập đoàn lớn như Shell và BP, những nhà sản xuất phần lớn khí hydrocarbon, đều cam kết cho một tương lai sử dụng năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, trong vòng 20 năm qua, không có một sự đồng thuận nào tại Canberra, không có bất kỳ một chính sách khí hậu rõ ràng và các chính sách năng lượng thì lặp đi lặp lại thất bại, với việc tiếp tục mở rộng một số khu vực sản xuất điện năng chạy bằng các động cơ hơi nước đốt than. Lượng khí thải carbon của Australia đã chạm một kỷ lục mới trong năm nay, một phần do xuất khẩu khí đốt tăng đột biến.

Những cuộc tranh luận về việc chuyển đổi sang một nền kinh tế năng lượng hoàn toàn có thể tái tạo, để giúp ngăn chặn hạn hán phá hủy mùa màng và hỏa hoạn lan rộng trên toàn quốc, nên tiếp tục được “mổ xẻ”. Có lẽ đã đến lúc Australia cần phải đóng vai trò hàng đầu trong việc tạo ra những thay đổi, nếu nước này không muốn trở thành một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục