Biến số bất ngờ cản trở sự phục hồi của ngành du lịch năm 2022

05:30' - 18/03/2022
BNEWS Căng thẳng Nga-Ukraine có nguy cơ cản trở sự phục hồi của ngành du lịch và hàng không, vốn chỉ mới "chập chững" bước vào giai đoạn phục hồi sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

* Triển vọng phục hồi thiếu chắc chắn ở Đông Nam Á
Theo báo The Straits Times, cho đến trước khi xung đột ở Ukraine leo thang, sự phục hồi mà ngành du lịch Đông Nam Á hy vọng trong năm 2022 đang định hình.

Trong hai năm qua, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở đây đang chờ đợi cơ hội với hy vọng các khách du lịch từ châu Á, châu Âu và Australia sẽ quay trở lại để tận hưởng ánh nắng Mặt Trời, thuê một căn biệt thự và trải nghiệm cuộc sống mới, từ đó đem lại sự phục hồi cho một ngành mà ở thời kỳ đỉnh điểm vào năm 2019 đã mang lại giá trị 380 tỷ USD.
Các "trung tâm" du lịch như Thái Lan và hòn đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia, cùng nhau đón khoảng 46 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong năm 2019, đang nới lỏng những hạn chế về cách ly và mở cửa trở lại các đường bay với thị trường then chốt như Singapore và Australia.

Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngân hàng của Nga đe dọa kìm hãm các thị trường đang phát triển nhanh cũng như giá dầu thô tăng mạnh làm ảnh hưởng đến chi tiêu ở các thị trường lâu đời hơn.
Ông Dirk De Cuyper, Giám đốc điều hành của S Hotels and Resorts, phải thốt lên rằng: "Thật không thể tin nổi". Trước khi cuộc chiến nổ ra, công ty của ông - điều hành 38 khách sạn ở Thái Lan và Anh, cũng như ở Fiji, Mauritius và Maldives - đã hy vọng công suất thuê phòng sẽ phục hồi ở mức không xa so với trước khi đại dịch bùng phát.
Năm 2021, S Hotels and Resorts đã chi hàng triệu USD để nâng cấp cơ sở ở Maldives và Thái Lan, trong đó có các biệt thự nhìn ra biển hoàn chỉnh với các bể bơi riêng có giá khởi điểm 17.000 baht một đêm (khoảng 500 USD), nhằm vào các du khách có túi tiền rủng rỉnh hơn. Ông De Cuyper cho biết, chắc chắn cuộc xung đột này sẽ ảnh hưởng đến du khách Nga trong ngắn hạn cũng như chi phí hàng hóa và các dịch vụ tiện ích. 
Với gần 24.000 lượt người đến vào tháng Giêng vừa qua, khách du lịch Nga cho đến nay là nhóm du khách lớn nhất của Thái Lan và nằm trong top 10 của các nước láng giềng của Thái Lan, trong đó có Indonesia và Việt Nam.
Tuy nhiên, điều đó bắt đầu thay đổi. Ông Bhummikitti Raktaengam, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Phuket, cho các phương tiện truyền thông địa phương biết số lượng khách Nga đến sân bay Phuket đã giảm 3/4 trong tháng này. Ngoài ra, khoảng 3.000 công dân nước này được cho là bị mắc kẹt, không thể trở về nhà sau khi các chuyến bay thẳng đến Moskva, cũng như đến vùng Viễn Đông của Nga, bị đình chỉ.
Nhiều khách du lịch Nga cho biết, họ không thể tiếp cận được các khoản tiết kiệm ở trong nước sau khi nhiều ngân hàng lớn nhất của đất nước họ bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và các công ty thẻ tín dụng Visa và Mastercard ngừng hoạt động ở đó. Chắc chắn là hiện nay tác động đầy đủ của sự ngừng đột ngột đi lại với Nga có thể chưa được cảm nhận hết.
Ông Markland Blaiklock, Phó Giám đốc điều hành của Centara Hotels and Resorts có trụ sở ở Bangkok (Thái Lan), cho biết công ty đang trên lộ trình tăng gấp đôi doanh thu vào năm 2026 khi mở thêm một loạt khách sạn mới ở Thái Lan, cũng như ở Trung Đông và Maldives, bất chấp cuộc khủng hoảng này. Ông hy vọng cuộc xung đột sẽ nhanh chóng được giải quyết và ảnh hưởng hầu hết sẽ được "gói gọn" trong năm 2022.

* Sự bấp bênh của ngành du lịch châu Âu
Theo mạng thông tin chuyên ngành L'Écho Touristique của Pháp, các công ty lữ hành ở châu Âu chuyên tổ chức các chuyến đi Nga đối mặt với khó khăn trực tiếp. Cuộc khủng hoảng Ukraine bất ngờ lôi kéo các doanh nghiệp này vào cơn lốc, cho dù đa số vẫn chưa thật sự được phục hồi sau hai năm đại dịch COVID-19.
Tại Pháp, hiện có khoảng 30 công ty du lịch chuyên khai thác thị trường Nga và các nước Đông Âu. Đó là trường hợp của các công ty như Tsar Voyages, AmSlave, Pouchkine Tours hay Alest Voyages. Sau khi xung đột tại Ukraine bùng nổ kéo theo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, hầu hết các tour đi Nga đều lần lượt bị hủy bỏ. 
Các doanh nghiệp Pháp tìm cách chuyển hướng sang các nước láng giềng như các quốc gia vùng Baltic, ba nước Bắc Âu hay không quá gần với Nga như Ba Lan hay Rumani. Nhưng cho dù có trấn an thế nào, khách hàng thường muốn hủy chuyến đi  hoặc dời tour vào một dịp khác, với những điều kiện thuận lợi hơn.
Theo Nghiệp đoàn các công ty lữ hành SETO, từ nay cho đến 7/4, các công ty du lịch Pháp buộc phải hồi hương tất cả các hành khách đang đi tour tại chỗ, đồng thời hủy bỏ việc tổ chức các chuyến tham quan cho tới khi có thông báo mới.

Các doanh nghiệp Pháp lâm vào thế kẹt, khi cùng lúc có nhiều khách đòi bồi hoàn tiền, trong khi các công ty này đã phải thanh toán trước các khoản đặt cọc nơi các công ty dịch vụ tại Nga. Bên cạnh đó còn có các biện pháp trừng phạt kinh tế ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng Nga.
Đối với một số công ty lữ hành như Pouchkine Tours hay Tsar Voyages, với hơn 80% doanh thu hàng năm nhờ tổ chức các tour du lịch tại Nga, xung đột tại Ukraine là một cú sốc rất mạnh khiến các doanh nghiệp này bị choáng váng. 
Đa số các công ty "gia đình" này thuộc cỡ nhỏ hay trung bình, với khoảng chừng 15 nhân viên trở lên, trước mắt họ không còn cách nào khác là hạn chế chi tiêu, cũng như trong thời có dịch COVID-19, một số nhân viên sẽ bị thất nghiệp bán phần, công ty cũng tạm thời di dời cơ sở hoạt động để giảm bớt khoản chi phí thuê văn phòng.
Theo khảo sát của mạng thông tin l’Écho Touristique, vào năm 2019 trước khi có đại dịch, nước Nga đã thu hút 155.000 lượt khách Pháp - chỉ bằng 1/3 so với số du khách Pháp đến Ba Lan (khoảng 470.000 lượt mỗi năm). So với Nga, quy định nhập cảnh Ba Lan dễ dàng hơn, khách Pháp không cần xin thị thực.

Cho dù Nga chưa phải là điểm đến yêu chuộng nhất của du khách Pháp, nhưng số khách Pháp hàng năm vẫn tăng đều đặn. Nước Nga chủ yếu thu hút thành phần du khách Pháp khá giả, có sức mua sắm cao, ở độ tuổi trung niên hay cao niên, đặc biệt yêu chuộng các tour tham quan văn hoá hay đi du thuyền trên sông Volga.
* Nỗi lo lắng từ châu Âu lan sang Bắc Mỹ
Nhìn chung, ngành du lịch đang nín thở theo dõi các diễn biến hàng ngày tại Ukraine, không chỉ riêng gì ở châu Âu mà ngay cả tại Bắc Mỹ. Theo cơ quan CAA Travel có nhiều chi nhánh trên lãnh thổ Canada, du khách Bắc Mỹ thường thích đi tham quan châu Âu vào mùa Hè.

Trong số này, có nhiều khách thích đi thăm các nước vùng Baltic bằng du thuyền trên biển, với chặng dừng không thể thiếu là Saint Petersburg. Mặc dù các chuyến tham quan này chỉ diễn ra vào mùa Hè năm 2022, nhưng xung đột tại Ukraine đang khiến cho nhiều tour du thuyền bị hủy bỏ, theo ghi nhận của các công ty lữ hành như Voyage Vasco tại Québec hay Agence Louise Drouin tại Drummondville.
Sỡ dĩ khách đơn thuần hủy bỏ ngay từ bây giờ các tour du thuyền dự trù diễn ra vào mùa Hè 2022, vì theo hợp đồng, việc hủy bỏ tour trước tháng 4/2022 đều không bị tính thêm phí. Một số người duy trì các tour châu Âu nhưng chuyển hướng sang các nước miền Nam châu Âu, như Italy, Hy Lạp, Malta, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tranh thủ đi tham quan với việc đi thăm bạn bè hay gia đình sau hai năm không được đi đâu xa do dịch COVID-19.
Nhìn chung, cho dù các công ty lữ hành có cố gắng trấn an cách mấy, thì họ vẫn khó giảm bớt được nỗi lo lắng nơi khách hàng. Đa số khách có cùng một tâm lý, họ muốn được đi chơi thoải mái, chứ không thể đi với tâm trí bất an.

Chính nỗi bồn chồn ấy đang tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch. Nếu số khách đặt tour hay mua vé máy bay giảm mạnh, các nhà khai thác tour cũng như các hãng hàng không dân sự đành phải giảm một số chuyến bay. Giá vé máy bay cũng bắt đầu tăng lên, khi xung đột tại Ukraine ảnh hưởng đến giá xăng dầu trên thị trường toàn cầu.
* Tăng giá nhiên liệu kéo theo việc tăng giá vé máy bay
Tuần trước, hãng hàng không Qantas thông báo rằng do dầu thô tăng giá 60% kể từ đầu năm đến nay nên giá vé máy bay sẽ tăng trung bình 7%. Giá vé máy bay của hãng sẽ tăng thêm 1 điểm phần trăm cho mỗi lần giá dầu thô tăng 4 USD. Tuần trước, giá dầu WTI kỳ hạn đạt mức cao nhất trong 8 năm là 123 USD/thùng.
Trong hàng tin nhắn đăng trên mạng xã hội, ông Eamonn Brennan, Giám đốc điều hành Cơ quan châu Âu về An toàn Hàng không EuroControl, từng lưu ý giá nhiên liệu động cơ phản lực đã tăng 33% chỉ trong một tuần (tính từ ngày 3/3 đến ngày 10/3) và các ngày sau đó vẫn đang trên đà đi lên. 
Theo mạng thông tin Air Journal, xung đột tại Ukraine đang buộc các hãng hàng không dân sự tăng thêm các khoản phụ phí nhiên liệu. Việc này cũng kéo theo lệnh đóng cửa không phận Nga, buộc các hãng hàng không phương Tây cũng như châu Á phải bay vòng, đường bay dài hơn và vì thế cũng tốn kém hơn. 
Trước mắt các hãng hàng không như Emirates ở Dubai, Japan Airlines hay All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản, cùng với một số hãng hàng không Trung Quốc đều tính thêm các khoản phụ phí nhiên liệu trên giá vé. Cathay Pacific, Singapore Airlines, Qantas vẫn đang chần chừ, nhưng có thể sẽ nối bước Air New Zealand trong việc tăng thêm 5% giá vé của các chuyến bay đường dài.
Cho tới nay, chỉ có các công ty hàng không Mỹ như United, Delta hay American Airlines là chưa bị tác động nhiều. Còn tại châu Âu, các công ty như Air France-KLM hay Lufthansa vẫn còn cầm cự được một thời gian, nhưng do các chính phủ đã ngưng các khoản tài trợ liên quan đến COVID-19, cho nên các tập đoàn hàng không Pháp-Hà Lan cũng như Đức-Áo-Thụy Sỹ chỉ sử dụng ưu tiên các loại máy bay có khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Hiện giờ, chưa ai dám quả quyết xung đột tại Ukraine sẽ kéo dài đến bao lâu, nhưng việc căng thẳng leo thang đột ngột khi nhiều nước trên thế giới vẫn còn đang gượng dậy sau hai năm đại dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục