Big C kinh doanh thế nào trước khi "thay tên đổi họ"?

10:10' - 09/10/2021
BNEWS Vốn được định vị là thương hiệu bán lẻ hàng đầu, lý do gì khiến cái tên Big C đang dần "biến mất"? Hoạt động kinh doanh của thương hiệu này thế nào trước khi "thay tên đổi họ"?

Chữ "C" đỏ trên nền xanh lá, nhận diện thương hiệu quen thuộc của chuỗi bán lẻ Big C đang dần "biến mất" sau hơn 2 thập kỷ hiện diện ở Việt Nam. Đây được coi là một cuộc "lột xác", tái định vị thương hiệu của hệ thống siêu thị này.

* Lần lượt thay tên đổi họ

Những ngày đầu tháng 10/2021 tại Hà Nội, một số siêu thị như Big C Hà Đông, Big C Nguyễn Xiển bỗng khoác lên mình chiếc áo mới, lần lượt đổi tên thành Tops Market.

Việc đổi tên này vốn đã được Tập đoàn Central Retail Việt Nam (đơn vị quản lý vận hành Big C) thông báo từ năm ngoái và đã được thực hiện tại Tp. Hồ Chí Minh với 3 siêu thị gồm Big C An Phú, Big C Thảo Điền và Big C Âu Cơ hồi tháng 3/2021.

Trong khi hệ thống siêu thị được đổi tên thành Tops Market, theo lộ trình của Tập đoàn Central Retail Việt Nam, các đại siêu thị của Big C cũng sẽ được đổi tên thành đại siêu thị GO! nhằm tái định vị thương hiệu, mang đến những trải nghiệm mua sắm mới mẻ và cải tiến cho người tiêu dùng.

Trong thời gian từ tháng 12/2020 đến đầu tháng 1/2021, đã có 5 đại siêu thị Big C được đổi tên thành GO! bao gồm GO! Dĩ An; GO! Nha Trang; GO! Cần Thơ; GO! Hạ Long và GO! Vĩnh Phúc.

Thương hiệu Big C lần đầu ra mắt người tiêu dùng vào ngày 15/1/1994, là tên viết tắt của "Big Central". Tại Việt Nam, đại siêu thị Big C đầu tiên được thành lập ở Đồng Nai vào năm 1998.

Dù đã có thông báo đổi tên nhưng sau hơn 2 thập kỷ hiện diện, việc chuỗi bán lẻ khoác lên tấm áo mới vẫn khiến người tiêu dùng bỡ ngỡ.

Điều này không quá khó hiểu khi số liệu đến hết năm 2019 của Kantar Worldpanel, một trong những công ty chuyên tư vấn-nghiên cứu thị trường hàng đầu trên thế giới cho biết, trong nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam, đại siêu thị Big C là thương hiệu hàng đầu về mức giá tốt và tính đa dạng hàng hóa.

Với hệ thống siêu thị trải rộng khắp cả nước, đại siêu thị nằm trong các chuỗi bán lẻ có mức tăng trưởng cao nhất về lượng người mua sắm và mức chi tiêu trong mỗi lần mua.

Vậy lý do gì khiến một thương hiệu lâu đời và lớn mạnh như Big C lại quyết định "thay tên đổi họ"?

Theo đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, đây là bước đi nằm trong chiến lược tái định vị thương hiệu của Tập đoàn mẹ Central Group (Thái Lan), chủ sở hữu của hệ thống Big C Việt Nam.

"Để giữ vững vị thế cạnh tranh trong ngành bán lẻ, chắc chắn phải không ngừng thay đổi, cải tiến để bắt kịp thời cuộc. Việc đổi tên là một trong những bước chuyển đổi chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu mới mẻ, đa dạng của người tiêu dùng", bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam chia sẻ.

Còn dưới góc nhìn khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, kế hoạch đổi tên của Big C thực tế đã diễn ra chậm gần 5 năm so với tuyên bố của đại diện Central Group.

Big C Việt Nam về tay tập đoàn Central Group của Thái Lan từ tháng 4/2016, sau khi tập đoàn Casino của Pháp đồng ý bán cổ phần cho tập đoàn của người Thái. Giá trị giao dịch khoảng 920 triệu euro, tương đương 1,05 tỷ USD.

Vào thời điểm hoàn tất thương vụ, dù có quyền sử dụng tên này trong 10 năm, nhưng nhà bán lẻ Thái Lan vẫn muốn đổi tên ngay sau đó. Tuy nhiên, việc chuyển đổi thương hiệu Big C không hề đơn giản bởi Big C là thương hiệu quen thuộc và đã để lại dấu ấn sâu đậm khó phai trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.

Còn tại thời điểm này, khi các hoạt động giao thương khá trầm lắng do dịch bệnh COVID-19, các chuyên gia đánh giá việc đổi tên thương hiệu là cơ hội thuận lợi để Central Group thay đổi mà không gây ra quá nhiều xáo trộn, ảnh hưởng đến doanh thu của hệ thống bán lẻ.

Bình mới, rượu còn cũ?

Nhìn lại thời gian đầu chuỗi Big C Việt Nam về tay Central Group của gia đình tỷ phú Thái Lan Chirathivat, nhiều đơn vị chủ chốt trong hệ thống đã tỏ ra "hụt hơi" với doanh thu đi ngang, thậm chí là sụt giảm.

Đáng chú ý, đơn vị lớn nhất trong hệ thống là Big C Thăng Long chỉ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng doanh thu trong các năm 2016, 2017, trong khi trước đó 5 năm, con số này ở mức đỉnh 3.500 tỷ đồng. Lợi nhuận thu về cũng giảm từ 211 tỷ đồng năm 2015 còn 193 tỷ đồng năm 2017.

Doanh thu của Big C An Lạc cũng lao dốc từ mức 2.600 tỷ đồng năm 2012 xuống chỉ còn 1.300 tỷ đồng trong năm 2017. Lợi nhuận năm 2017 giảm 50% so với năm 2015, chỉ còn 92 tỷ đồng.

Trong các năm 2018-2019, tình hình trở nên khởi sắc hơn khi chuỗi Big C mang về tổng cộng gần 20.454 tỷ đồng cho công ty mẹ trong năm 2019, theo ghi nhận tại báo cáo tài chính năm 2019 của Central Retail. Con số này tăng 10% so với năm 2018. Tăng trưởng doanh số trên mỗi siêu thị đạt 14%.

Theo số liệu của Kantar Worldpanel, đến hết năm 2019, Big C chiếm 3,5% thị phần và là chuỗi siêu thị, đại siêu thị lớn thứ hai tại Việt Nam.

Trở lại với tham vọng "lột xác" lần này, Central Retail hứa hẹn sẽ mang tới nhiều cải tiến trong không gian mua sắm, nâng cao chất lượng dịch vụ và hướng đến trải nghiệm khách hàng hoàn toàn mới.

Thương hiệu Đại siêu thị GO! mới với màu sắc chủ đạo là màu đỏ thể hiện cho sự trẻ trung, hiện đại và nhiệt huyết. Bên cạnh đó, với việc khắc họa những vòng tròn trên logo, Đại siêu thị GO! thể hiện được giá trị cốt lõi của mình là luôn đặt khách hàng làm trọng tâm để từ đó mang đến cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm mua sắm tuyệt vời nhất. Hình tượng chiếc xe đẩy trong logo của Đại siêu thị GO! cũng đại diện cho một lời chào đón dành cho khách hàng rằng bạn hãy đến và mua sắm tại Đại siêu thị GO!.

Còn với Tops Market, chuỗi siêu thị được thiết kế đảm bảo 3 tiêu chí: thực phẩm hữu cơ tươi sống đa dạng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng uy tín và đặc biệt là dịch vụ khách hàng tận tâm.

Việc đổi tên thương hiệu vẫn song hành với trải nghiệm "giá luôn luôn thấp" được hệ thống bán lẻ này nhiều lần khẳng định. Để đảm bảo tiêu chí về giá cho khách mua hàng, đại siêu thị đã làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp trong và ngoài nước để mang đến các sản phẩm đa dạng với giá bình ổn và nhiều chương trình khuyến mãi tốt nhất cho khách hàng.

Song, vấn đề mà người tiêu dùng và các chuyên gia kinh tế quan tâm hiện nay, ngoài những tiện ích, trải nghiệm mới mà chuỗi bán lẻ này cam kết mang lại thì liệu hàng Việt có cơ hội được bày bán “bình đẳng” với hàng hóa nước ngoài tại GO! hay Tops Market hay không? Liệu sẽ có một quy định mang tính ràng buộc tỷ lệ hàng hóa Việt Nam bán trong siêu thị?

Những câu hỏi này xuất phát từ bài học nhãn tiền qua các thương vụ sáp nhập, mua bán thương hiệu, trung tâm thương mại của nhà đầu tư Việt Nam sang nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến hệ lụy hàng hóa trong nước khó xâm nhập vào chuỗi siêu thị do người nước ngoài làm chủ, hoặc giữ cổ phần chi phối.

Trong xu thế cạnh tranh khốc liệt của nền thương mại toàn cầu, việc thay đổi tên thương hiệu Big C được cho là tất yếu. Nhưng "bình mới có còn rượu cũ", thay tên mới liệu có tốt hơn tên cũ vẫn còn phải chờ đáp án ở phía trước!

>>>FPT Retail và tham vọng dẫn đầu ngành bán lẻ dược phẩm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục