Bình Định: Nâng chất lượng quản lý quy hoạch đô thị, xây dựng và phát triển nhà ở

14:33' - 07/06/2024
BNEWS UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị về nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở, khu đô thị, khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, ông Trần Viết Bảo – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định đã báo cáo tổng quan về quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở, khu đô thị, khu dân cư nông thôn trên địa bàn.

 

Theo ông Bảo, về hiện trạng về quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2015-2023, trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt 315 đồ án quy hoạch thi tiết tỷ lệ 1/500 các khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư (gồm 188 khu dân cư, 70 khu tái định cư và 57 khu đô thị); trong đó, đã có 305 dự án đã được triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng bởi UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn; Ban Giải phóng mặt bằng; Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và các nhà đầu tư.

Về quản lý phát triển nhà ở, khu đô thị, khu dân cư, đến điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai 88 dự án với tổng diện tích đất 1.582,64 ha, khoảng gần 39,9 triệu m2 sàn, với 101.631 căn hộ/nhà, đến thời điểm hiện đã hoàn thành đưa vào sử dụng (toàn bộ và một phần dự án) 27 dự án/88 dự án với tổng diện tích đất 323,9 8ha, khoảng gần 951.000 m2 sàn, với 7.221 căn/nhà. Việc phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh đạt mục tiêu về diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh theo Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thẳng thắn cho rằng Bình Định còn vướng một số hạn chế như chất lượng một số đồ án quy hoạch chất lượng chưa cao, chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh; hệ thống hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ theo quy hoạch; công tác kiểm tra quy hoạch chưa được quan tâm thực hiện; một số công trình xây dựng, nhà ở chưa có sự đồng bộ về số tầng, chiều cao, khoảng lùi công trình, chưa đảm bảo yêu cầu về kiến trúc, mỹ quan đô thị...

Theo Chủ tịch Phạm Anh Tuấn, tại khu vực nông thôn, việc quy hoạch nhà cửa hầu như không có, người dân vẫn còn thói quen tự xây nhà. Ở địa phương thì hầu như chưa chuẩn hóa về quy hoạch, nhà thì thò ra thụt vào, nhà cao nhà thấp, rất lộn xộn, có nhà thì lấn vỉa hè, lấn đất chung.

Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, nguyên nhân chính là ý thức, quan điểm ý thức của lãnh đạo các cấp chính quyền, hiện vẫn có tư tưởng dễ dãi trong quy hoạch, lợi ích trong quy hoạch, đơn giản trong quy hoạch, tự ti trong quy hoạch và lạc hậu trong quy hoạch.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, khi quy hoạch một vùng đất, một khu vực cái mới phải làm chuẩn chỉ và phải  đẹp, cái cũ phải chỉnh trang và theo chuẩn. Do đó, phải làm theo từng giai đoạn một, từng thời kỳ một, từng bước một làm cho đẹp dần.

Do đó, đầu tiên phải thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và của chính các đơn vị tham gia.

Để giải quyết về vấn đề quy hoạch, theo ông Phạm Anh Tuấn, khi nhà đầu tư đến với tỉnh thì tỉnh cần đưa ra một số điều kiện để các nhà đầu tư phải tuân thủ một số nguyên tắc mà không dễ dãi như trước. Khi đầu tư vào tỉnh phải có nét độc đáo nét khác biệt gì để có thể thu hút được người dân, tránh để trở thành các dự án ma, khu đô thị ma, xây dựng lên mà không bán được.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành xây dựng phải xây dựng được quy chuẩn của khu nông thôn, khu tái định cư, khu dân cư. Đây là quy chuẩn cơ bản, mức thấp nhất để chính quyền căn cứ vào đó; tránh tình trạng các khu xây dựng mới ai muốn làm gì cũng được.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng đánh giá lại hiện trạng khu đô thị, khu dân cư, tái định cư để từ đó làm cơ sở điều chỉnh. Bên cạnh đó, tạo ra các khu dân cư mẫu như nông thôn có khu nông thôn mẫu, tái định cư có tái định cư mẫu, đô thị tạo ra khu đô thị mẫu để mọi người nhìn vào đó lan tỏa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục