Bình Dương áp dụng quy định mới về tách thửa đất

16:11' - 29/10/2024
BNEWS Từ ngày 1/11/2024, Quyết định số 38/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương chính thức có hiệu lực, mở ra khung pháp lý rõ ràng và thống nhất về điều kiện tách thửa đất nông nghiệp và đất ở.

Quy định này không chỉ tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục đất đai mà còn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị bền vững.

Thời gian qua, việc tách thửa đất tại Bình Dương gặp nhiều khó khăn do thiếu các quy định cụ thể, khiến nhiều trường hợp tách thửa bị đình trệ, gây ảnh hưởng đến các giao dịch đất đai của người dân và doanh nghiệp. Việc ban hành Quyết định 38/2024/QĐ-UBND được coi là giải pháp quan trọng giúp tháo gỡ những “nút thắt”; đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản và đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.

 

Một trong những điểm quan tâm của người dân, doanh nghiệp trong quy định mới là việc phân rõ diện tích tối thiểu được phép tách thửa theo từng khu vực hành chính và loại đất. Cụ thể: Đối với đất ở, tại các phường diện tích tối thiểu là 60 m2, tại các thị trấn là 80 m2 và tại các xã là 100 m2. Đối với đất phi nông nghiệp, diện tích tách thửa tại các phường là 300 m2, tại các thị trấn là 500 m2 và tại các xã là 1.000 m2.

Đối với đất nông nghiệp, tại các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo, diện tích tách thửa ở các thị trấn là 1.000 m2, tại các xã là 2.000 m2. Tại thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên và Bến Cát, diện tích tối thiểu ở các phường là 300 m2 và tại các xã là 1.000 m2.

Theo đó, việc tách thửa đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở và đất thuộc các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nằm ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải căn cứ vào dự án đầu tư đã được phê duyệt. Quá trình tách thửa đảm bảo tuân thủ đúng theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững và quản lý đất đai của tỉnh.

Đối với người thuê lại đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, việc tách thửa phải dựa trên các dự án đầu tư, chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được phê duyệt. Đồng thời, cần tuân thủ các yêu cầu về kết nối hạ tầng giao thông, các tiện ích hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, mật độ xây dựng hợp lý, hài hòa cảnh quan và bảo vệ môi trường. Quy trình này cũng phải phù hợp với quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua.

Việc tách thửa đất thuộc các dự án đã được phê duyệt cũng phải tuân thủ các yêu cầu về kết nối hạ tầng và quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi của người mua, đảm bảo tính minh bạch trong các giao dịch bất động sản và giảm thiểu rủi ro pháp lý.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc đưa ra các quy định cụ thể không chỉ giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng thực hiện thủ tục tách thửa mà còn tránh tình trạng áp dụng khác nhau giữa các địa phương. Từ đó, công tác quản lý đất đai được minh bạch và đồng nhất, phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn của tỉnh.

Bình Dương đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm phát triển đô thị bền vững, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Qua đó, các nhà đầu tư có thể yên tâm về quy trình pháp lý, trong khi người dân cũng dễ dàng tiếp cận quyền lợi chính đáng khi thực hiện các giao dịch đất đai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục