Bình Dương chuyển đổi số từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân

21:37' - 17/06/2024
BNEWS Chuyển đổi số đang là chiến lược trọng tâm của sự phát triển kinh tế và xã hội, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hành chính và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh Bình Dương.

Theo kế hoạch đề ra trong thời gian tới việc chuyển đổi số đóng vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu phát triển thông minh và bền vững của tỉnh.

 

Hiện, Bình Dương có khoảng 68.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 7.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Số liệu khảo sát cụ thể cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp tham gia công nghệ thông tin là 10,3% trong tổng số doanh nghiệp. Tỉ lệ thương mại điện tử bình quân là 8%, vượt trung bình quốc gia, cho thấy sự áp dụng và sẵn sàng của doanh nghiệp với công nghệ số đã và đang sẵn sàng.

Về xã hội số, Bình Dương có 1,76 triệu dân đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2, chiếm 92% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 83,6% hộ gia đình phủ mạng Internet băng rộng và có 4.500 thành viên tham gia các Tổ công nghệ số cộng đồng.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường đẩy mạnh chuyển đổi số sản xuất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp và nhà máy. Đồng thời, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp chiến lược như chế biến gỗ, sản xuất thực phẩm, điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; tự động hóa cảng biển, logistics và kho vận để giảm chi phí và nâng cao chất lượng hoạt động.

Tính đến hết tháng 5/2024, tỷ lệ thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện toàn trình đạt 52,6%; Bình Dương hiện đứng TOP 8 về Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Bình Dương trong sáng 17/6, cho thấy hệ thống tổng đài 1022 liên tục nhận cuộc gọi của người dân xin hỗ trợ về ứng dụng VneID trong thực hiện thủ tục hành chính điện tử. Đây là một tín hiệu tích cực về cách cải thiện dịch vụ công và hỗ trợ chuyển đổi số trong người dân.

Riêng phong trào "Bình dân học AI" cũng được tỉnh triển khai như một chương trình và phương tiện lan tỏa kiến thức về chuyển đổi số đến từng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, tỉnh vẫn đang tiếp tục phối hợp triển khai dự án Đánh giá thực trạng kinh tế, xã hội và đề xuất giải pháp về kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Bình Dương để có thêm các giải pháp có hiệu quả về thực hiện chuyển đổi số.

Trước đó, ngày 26/4, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương cũng đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số với vai trò của trung tâm là cầu nối quan trọng giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong quá trình chuyển đổi số. Cùng với đó, hỗ trợ cung cấp các dịch vụ, nền tảng số cho cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; thực hiện các nhiệm vụ, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân về chuyển đổi số; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Với vai trò là cầu nối quan trọng giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Trung tâm chuyển đổi số tỉnh Bình Dương được kỳ vọng sẽ là nơi tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp,  hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện đào tạo và phổ cập thông tin nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích và cách thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả.

Bình Dương đã và đang từng bước khẳng định vị thế là một tỉnh chuyển đổi số tốp đầu với sự quyết tâm  của chính quyền, doanh nghiệp đồng hành và sự ủng hộ, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong chuyển đổi số trên các lĩnh vực.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục