Bình Dương đối thoại với hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản

17:28' - 15/10/2019
BNEWS Ngày 15/10, tỉnh Bình Dương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị đối thoại với hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản để trao đổi thông tin, tháo gỡ những khó khăn.
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đối thoại tại hội nghị. Ảnh: Huyền Trang-TTXVN

Tại buổi đối thoại, đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các lãnh đạo sở, ban, ngành đã lắng nghe câu hỏi cũng như kiến nghị của các doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu trong lĩnh vực hải quan; thuế và một số vấn đề về môi trường, hạ tầng giao thông, luật lao động, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng nguồn lao động chất lượng cao; kế hoạch thúc đẩy thành phố thông minh trong tương lai...

Đặc biệt, đại diện doanh nghiệp Công ty Showa Gloves Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP) cũng nêu ra một số vướng mắc về nghị định 143/2018/ND-CP (Luật bảo hiểm xã hội và luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam), quy định bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, như: quy định về giới hạn số giờ làm việc ngoài giờ, quy định về thang bảng lương; việc quản lý kiểm soát cấp giấy phép nghỉ bệnh tràn lan từ các cơ sở y tế cho công nhân lao động.

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Maruei Viet Nam Precision mong muốn Cục Hải quan Bình Dương nâng cấp đường truyền kê khai hải quan online để tránh tình trạng rớt mạng không truyền tờ khai được;  công ty cũng mong muốn Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương tăng thêm quầy phục vụ đăng ký doanh nghiệp/đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương vì mỗi lần làm hồ sơ tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp.

Các ý kiến, kiến nghị về những vướng mắc của doanh nghiệp đã được các sở, ngành tỉnh tiếp thu và trả lời trực tiếp ngay tại buổi đối thoại, sau đó các ban ngành sẽ đề ra các giải pháp, chính sách phù hợp bằng văn bản nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Huyền Trang-TTXVN

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội; tiến hành quy hoạch mở rộng các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư; triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.

“Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư; tập trung phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh; đồng thời, chú trọng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất và làm việc tại Bình Dương”, ông Trần Thanh Liêm khẳng định.

Hiện nay, Bình Dương tập trung nghiên cứu kế hoạch phát triển phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, xây dựng tuyến metro nối với thành phố Hồ Chí Minh đang được xúc tiến. Về đường thủy, đang tiếp tục cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống cảng phục vụ vận chuyển hàng hóa theo quy hoạch.

Tỉnh Bình Dương đang tiến hành triển khai Chương trình đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu là: tập trung thu hút đầu tư vào các đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới; vừa tiếp tục phát triển các thị trường truyền thống, vừa xúc tiến mở thêm các thị trường mới; ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; tập trung thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

Chú trọng thu hút đầu tư trong nước đối với ngành công nghiệp phụ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Toàn tỉnh Bình Dương hiện có hơn 3.700 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 64 quốc gia vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 33,8 tỷ USD, là địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Riêng vốn đầu tư Nhật Bản, hiện có 304 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký 5,65 tỷ USD. Các dự án chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp dệt may, giày dép, chế tạo sản phẩm phụ trợ ngành ô tô, y tế, dược phẩm, hóa mỹ phẩm và chế biến thực phẩm.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tin rằng sự thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ đặt ra yêu cầu mà còn tạo động lực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư ở địa phương.

Theo ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự hài lòng về những trả lời của các ngành chức năng về những kiến nghị của doanh nghiệp xung quanh các vấn đề vướng mắc như hạ tầng giao thông, nguồn cung ứng lao động, những thủ tục cho các lao động Nhật Bản, vấn đề an toàn an ninh, các thủ tục thuế, hải quan…

Ông cho rằng các hội nghị đối thoại như thế này là vô cùng cần thiết nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp cũng như tăng cường sự gắn kết, tin tưởng giữa các nhà đầu tư với chính quyền các cấp, các ngành của tỉnh Bình Dương.../.

Xem thêm:

>>Bình Dương làm điện mặt trời áp mái tại khu công nghiệp và đô thị

>>Vinamilk gia nhập “Câu lạc bộ tỷ đô” của khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục