Bờ Biển Ngà muốn hợp tác với Cần Thơ trong lĩnh vực nông nghiệp

22:03' - 28/05/2019
BNEWS Việt Nam và Bờ Biển Ngà có điều kiện về khí hậu khá tương đồng nên đoàn sẽ tham khảo mô hình phát triển của Việt Nam để xác định các đầu tàu tăng trưởng cho Bờ Biển Ngà trong thời gian tới.
Ông Achi Patrick, Bộ trưởng, Tổng Thư ký của Tổng thống, Trưởng đoàn công tác cán bộ cấp cao Bờ Biển Ngà phát biểu. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN

Chiều 28/5, tại thành phố Cần Thơ, đoàn cán bộ cấp cao của Cộng hòa Bờ Biển Ngà do ông Achi Patrick, Bộ trưởng, Tổng Thư ký của Tổng thống Cộng hòa Bờ Biển Ngà làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố Cần Thơ với mong muốn hợp tác với thành phố Cần Thơ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, thành phố Cần Thơ và Bờ Biển Ngà có những nét phát triển tương đồng trong định hướng phát triển nông nghiệp.

Về lĩnh vực này, thời gian qua thành phố Cần Thơ cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, từ thực tiễn trong sản xuất; đồng thời, Cần Thơ cũng có thế mạnh vì có nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn như các Viện nghiên cứu, trường đại học.

Đây là những điều kiện tốt giúp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và cây ăn trái đạt năng suất, chất lượng cao.

Quang cảnh buổi tiếp và làm việc. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố Cần Thơ có khả năng liên kết hợp tác với các địa phương của Bờ Biển Ngà trong các lĩnh vực như: liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau, hợp tác phát triển thủy sản, lương thực, kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành chăn nuôi gia cầm, chế biến gạo và bảo quản sau thu hoạch đối với các loại cây ăn trái…

“Thành phố Cần Thơ thống nhất cao phát triển quan hệ hợp tác với các địa phương của Bờ Biển Ngà thông qua mối quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia, quan hệ hợp tác của các bộ ngành, các lĩnh vực, cơ quan nghiên cứu trên lĩnh vực nông nghiệp, giữa các doanh nghiệp trong thời gian tới.”, ông Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Achi Patrick cho biết, Việt Nam và Bờ Biển Ngà có điều kiện về khí hậu khá tương đồng nên đoàn sẽ tham khảo mô hình phát triển của Việt Nam để xác định các đầu tàu tăng trưởng cho Bờ Biển Ngà trong thời gian tới.

Đánh giá về tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Achi Patrick cho biết, Bờ Biển Ngà là nơi sản xuất hạt điều thô, ca cao lớn nhất thế giới, là quốc gia đứng đầu châu Phi về cây cao su và cây dầu cọ và một số sản phẩm khác.

Tuy nhiên, khó khăn của Bờ Biển Ngà đó là phát triển ngành nông nghiệp, chế biến các sản phẩm nông sản và xuất khẩu thành phẩm. Về lĩnh vực thủy sản, Bờ biển Ngà có 400 km chiều dài bờ biển nhưng ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản chưa phát triển cho nên có đến 90% sản lượng cá đông lạnh phải nhập khẩu.

Theo Bộ trưởng Achi Patrick, giữa Bờ Biển Ngà và thành phố Cần Thơ có thể hợp tác ở các lĩnh vực như: nghiên cứu lúa (Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long đặt tại thành phố Cần Thơ), hợp tác về nghiên cứu chọn lọc các giống cây con có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp như: sử dụng phân bón, cơ giới hóa nông nghiệp…

Đây là những lĩnh vực mà Bờ Biển Ngà còn nhiều hạn chế và phát triển chưa mạnh vì hiện tại nông nghiệp của Bờ Biển Ngà vẫn còn phát triển dưới hình thức quảng canh.

Bộ trưởng Achi Patrick cũng mong muốn hợp tác với thành phố Cần Thơ ở các lĩnh vực khác như: đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp 2 nước để đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, xuất khẩu; nuôi trồng, chế biến thủy sản để tăng sản lượng thủy sản phục vụ tiêu dùng của địa phương và chăn nuôi gia cầm…

Nói về những cơ hội có thể hợp tác đầu tư, Bộ trưởng Achi Patrick cho biết thêm, hiện nay, Chính phủ Bờ Biển Ngà cho mỗi tỉnh kinh phí để xây dựng nhà máy chế biến gạo nhưng do sản lượng lúa làm ra không đủ để chế biến nên có những nhà máy không hoạt động.

Do đó, Chính phủ Bờ Biển Ngà cho phép các địa phương tìm đối tác ở các nước nhập gạo thô về để chế biến. Thành phố Cần Thơ có lợi thế về nguồn nguyên liệu lúa gạo và công nghệ chế biến gạo có thể hợp tác với Bờ Biển Ngà để cả hai bên cùng phát triển.

“Hiện tại, Bờ Biển Ngà và Việt Nam đã có hợp tác cấp Chính phủ, hợp tác giữa các bộ ngành với nhau và rất mong muốn có thêm hợp tác trực tiếp giữa các địa phương với nhau…”, ông Achi Patrick nói.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp như: sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái, công tác nghiên cứu lai tạo và sản xuất giống lúa, giống thủy sản trên địa bàn vừa đảm bảo phục vụ tiêu dung trong nước, vừa phục vụ xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Hiện tại, thành phố Cần Thơ có 80% sản lượng lúa được trồng bằng các giống đặc sản phục vụ xuất khẩu với tổng sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Sản phẩm chủ lực thứ hai là cá tra với diện tích nuôi 700 ha, sản lượng 160.000 tấn/năm.

Hầu hết diện tích đều được nông dân nuôi theo các quy trình sạch để phục vụ ở các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu và trên địa bàn còn có khoảng 30 nhà máy chế biến, xuất khẩu cá tra, đảm bảo nhu cầu chế biến xuất khẩu. Cần Thơ cũng có nhiều loại cây ăn trái đặc sản vừa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…/.

Xem thêm:

>>Công bố Quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ tại Thành ủy Cần Thơ

>>Cần Thơ đề xuất giữ lại bến phà sau khi thông xe cầu Vàm Cống

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục