Boeing phải khắc phục rủi ro mới ở máy bay 737 MAX

09:37' - 27/06/2019
BNEWS Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ngày 26/6 cho biết công ty sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) sẽ phải khắc phục “một rủi ro tiềm tàng mới” ở máy bay 737 MAX.
Máy bay Boeing 737 Max 8 hạ cánh tại sân bay quốc gia Washington Reagan, Washington D.C., Mỹ, ngày 13/3/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Điều này có thể tiếp tục làm chậm lại thời điểm đưa dòng 737 MAX hoạt động trở lại sau 2 vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng liên quan tới dòng máy bay này.

Vấn đề này mới được phát hiện này liên quan đến mối quan ngại về khả năng các phi công có thể nhanh chóng kiểm soát máy bay nếu hệ thống bay tự động đẩy máy chúc xuống.

FAA cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh cấm máy bay 737 MAX hoạt động khi cơ quan này nhận thấy dòng máy bay đạt được các tiêu chuẩn về an toàn hàng không.

Trong khi đó, Boeing cho biết công tác khắp phục lỗi phần mềm của máy bay 737 MAX mà công ty thực hiện trong 8 tháng qua hiện chưa giải quyết vấn đề trên.

Ngoài ra, Boeing đồng tình với quyết định của FAA và đang tích cực làm việc để thực hiện yêu cầu của cơ quan này.

Theo Boeing, doanh nghiệp này sẽ không đề nghị FAA cho phép máy bay 737 MAX hoạt động trở lại cho đến khi dòng máy bay này đáp ứng tất cả các yêu cầu về mức độ an toàn hàng không.

Trước đó, Boeing ngày 11/6 cho biết đã chuyển giao 30 máy bay thương mại cho các khách hàng trong tháng 5/2019, giảm 56% so với mức 68 máy bay trong tháng 5/2018.

Với việc máy bay 737 Max vẫn chưa được phép hoạt động trở lại sau 2 vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng liên quan tới dòng máy bay này trong thời gian qua, số lượng máy bay mới bàn giao cho khách hàng của Boeing sụt giảm so với năm 2018.

Theo Boeing, số lượng máy bay 737 chuyển giao cho khách hàng của Boeing đã giảm từ mức 47 chiếc cách đây 1 năm xuống còn 8 chiếc trong tháng 5/2019. Toàn bộ 8 máy bay này là phiên bản cũ của dòng máy bay 737 là 737NG.

Boeing hiện vẫn còn đơn hàng chưa được thực hiện gồm 4.550 máy bay 737 MAX mà các khách hàng đã đặt mua song đã dừng chuyển giao sau khi các cơ quan chức năng trên toàn cầu cấm dòng máy bay này hoạt động sau 2 vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng tại Indonesia và Ethiopia khiến 346 người thiệt mạng.

Giá cổ phiếu của Boeing đã giảm 0,7% xuống còn 372,50 USD/cổ phiếu ngoài giờ giao dịch chính thức.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục