Brexit tác động tới ngành gỗ Việt Nam

19:29' - 14/07/2016
BNEWS Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu các sản phẩm gỗ nhiều nhất vào Anh (bên cạnh Indonesia và Malaysia).
Tọa đàm "Brexit và tác động tới ngành gỗ Việt Nam". Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ngày 14/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định và Tổ chức Forest Trends đã tổ chức tọa đàm “Brexit và tác động tới ngành gỗ Việt Nam”.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu các sản phẩm gỗ nhiều nhất vào Anh (bên cạnh Indonesia và Malaysia). Trong EU, Anh là thị trường lớn nhất nhập khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm khoảng 35-36% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam sang EU đạt khoảng 900 triệu USD; trong đó riêng sang Anh 270 triệu USD (chiếm 4% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam).

Đối với thị trường Anh, ông Trần Huy Lê, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, đánh giá đây là thị trường quan trọng thứ hai sau Đức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Bình Định. Hiện là thời điểm quan trọng doanh nghiệp chào bán hàng. Việc Anh rời khỏi EU đã có tác động tới các đơn hàng của các doanh nghiệp. Đã có những khách hàng yêu cầu giảm giá từ 5-7%, đáng sợ hơn là có khách hàng đòi giảm đơn hàng.

Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, sự kiện Brexit gây mất giá đồng bảng Anh, tác động tiêu cực đến thị trường tài chính của Anh cũng như tại các nước khác trong khu vực EU. Điều này gây tác động tiêu cực đến giá xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam.

Giảm sức mua từ Anh cũng như các nước khác trong khối EU nói chung và sự sụt giảm nhu cầu trong ngành công nghiệp xây dựng nhà cửa tại Anh sẽ có tác động trực tiếp đến ngành gỗ của Việt Nam.

“Nói cách khác, nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Anh, bao gồm cả các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam chắc chắn sẽ giảm trong tương lai”, ông Tô Xuân Phúc nói.

Tuy nhiên, đối với những đơn hàng đã ký, nhiều doanh nghiệp cho biết khách hàng vẫn duy trì đơn hàng, không có sự trì hoãn trong các đơn hàng.

Theo ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Woodsland, hiện chưa có tác động trực tiếp nào đến hoạt động của doanh nghiệp. Về lâu dài khi mà các hợp đồng ký kết mới có thể khách hàng sẽ căn cứ trên biến động thị trường và có các yêu cầu khác.

Vấn đề đó sẽ cần phải một thời gian mới đánh giá được. Còn cho đến thời điểm hiện nay những tác động trực tiếp vẫn chưa có gì cụ thể, chỉ có những đơn hàng được ký thanh toán bằng đồng bảng Anh thì đã có tác động với các doanh nghiệp.

Từ trước đến nay, trong khối EU, Anh vẫn là quốc gia tiên phong trong việc thực hiện Quy định Gỗ của EU (EUTR), cũng như trong việc đàm phán Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) trong khuôn khổ của Chương trình Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thươngmại Lâm sản (FLEGT) với các nước xuất khẩu sản phẩm gỗ nhiệt đới vào EU.

Điều mà các doanh nghiệp quan tâm nữa là Anh sẽ lựa chọn phương án tiếp tục áp dụng EUTR đối với các sản phẩm gỗ nhiệt đới nhập khẩu từ các quốc gia khác và việc duy trì chính sách cấm nhập khẩu các sản phẩm gỗ bất hợp pháp vào Anh sẽ không thay đổi. Việc Anh rời EU hoàn toàn không có ảnh hưởng đến kết quả đàm phán FLEGT VPA giữa Việt Nam và EU.

Theo ông Tô Xuân Phúc, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần cập nhật thông tin và có những giải pháp ứng phó với các kịch bản thị trường khác nhau. Bởi trong tương lai có thể sẽ có những thay đổi về thuế, những biến động về tỷ giá, thay đổi về thủ tục và phí hải quan, cũng như các thay đổi quy định và các tiêu chuẩn hiện đang được được EU áp dụng.

Bà Dương Phương Thảo, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đánh giá, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Anh chiếm khoảng 2,9% tổng kim ngạch xuất khẩu nên việc Anh rời khỏi EU sẽ ảnh hưởng không nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam.

Anh đã từng là một phần của EU nên đây là thị trường đã có hạ tầng tốt. Thời gian tới, có thể nhu cầu nhập khẩu của Anh có thể sẽ co lại. Tuy nhiên, Anh luôn đi đầu trong việc tự do hóa thương mại nên kỳ vọng sau khi Anh rời khỏi EU, Anh sẽ có các chính sách hạ thuế nhập khẩu.

Bộ Công Thương đã từng nghĩ đến có thể Việt Nam sẽ cần xây dựng một hiệp định tự do thương mại với Anh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục