Bukalapak cùng Grab đầu tư vào ngân hàng kỹ thuật số Indonesia

07:28' - 10/01/2022
BNEWS Một loạt công ty công nghệ Đông Nam Á đang chuẩn bị đầu tư vào một công ty cho vay của Indonesia, đánh dấu sự gia nhập mới nhất của những người chơi lớn trong lĩnh vực này vào ngành ngân hàng.

Trong thông báo gửi Sở giao dịch chứng khoán Indonesia, ngân hàng địa phương Allo Bank cho biết gã khổng lồ công nghệ Bukalapak sẽ tham gia đợt phát hành quyền mua trị giá 4.800 tỷ rupiah (335 triệu USD).

Bên cạnh đó, Grab và Carro – hai nhà đầu tư khác có trụ sở tại Singapore - cũng sẽ tham gia cùng Bukalapak thông qua các chi nhánh của mình tại Indonesia.

 

Allo Bank - được kiểm soát bởi nhà tài phiệt Chairul Tanjung - đang có kế hoạch bán hơn 10 tỷ cổ phiếu với giá 478 rupiah/cổ phiếu từ ngày 13-19/1 tới.

Sau giao dịch, Bukalapak sẽ nắm giữ 11,49% vốn của Allo Bank, trong khi Grab và Carro sẽ nắm giữ lần lượt 2,07% và 0,69%.

Bukalapak là công ty thương mại điện tử lớn ở Indonesia, trong khi Grab cung cấp một siêu ứng dụng tại Đông Nam Á, còn Carro là nền tảng bán xe ô tô đã qua sử dụng trực tuyến.

Giá cổ phiếu của Allo Bank đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/1 vừa qua với mức tăng 24,3% so với mức giá cuối năm 2021.

Cổ phiếu này cũng đã tăng giá hơn 4.000% vào năm ngoái do kỳ vọng các nhà đầu tư nổi tiếng sẽ tham gia vào đợt phát hành quyền mua.

Tập đoàn Salim Group của Indonesia cũng sẽ tham gia vào đợt phát hành quyền mua thông qua một công ty liên kết và sẽ nắm giữ 6%, trong khi tập đoàn CT Corp của ông Chairul Tanjung sẽ nắm giữ thêm 1,88% sau giao dịch.

Nhà tài phiệt Tanjung đã hoàn tất việc mua lại Allo Bank, trước đây được gọi là Bank Harda, vào tháng Hai năm ngoái với mục đích biến nó thành ngân hàng kỹ thuật số.

Trước khi phát hành quyền mua, Mega Corpora - công ty con phụ trách mảng doanh nghiệp tài chính trực thuộc CT Corp. - nắm giữ 90% cổ phần của Allo Bank. Sau khi phát hành quyền mua, tỷ lệ nắm giữ của Mega sẽ giảm xuống còn 60,87%.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông vào tháng 12/2021, Bukalapak đã quyết định phân bổ một số quỹ huy động được trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào tháng Tám cho các hoạt động mua bán và sáp nhập.

Khoản đầu tư vào Allo Bank của Bukalapak, Grab và Carro là ví dụ mới nhất về sự quan tâm ngày càng tăng của các công ty công nghệ khu vực đối với lĩnh vực ngân hàng kỹ thuật số của Indonesia.

GoTo - công ty công nghệ lớn nhất Indonesia - đang sở hữu 21,4% cổ phần của ngân hàng kỹ thuật số Bank Jago, trong khi tập đoàn công nghệ Sea của Singapore đã mua lại Ngân hàng Kesejahteraan Ekonomi và đổi tên thành SeaBank.

Akulaku - công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech của Indonesia - cũng là cổ đông của Bank Neo Commerce, trong khi Finaccel - một công ty fintech có trụ sở tại Singapore – đang nắm giữ cổ phần của Bank Bisnis Internasional.

Các nhà phân tích của Citi Bank cho biết Allo Bank có thể bảo mật dữ liệu từ nhiều hệ sinh thái, cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến, với hàng triệu người dùng sau khi nhận khoản đầu tư từ các công ty công nghệ và tập đoàn lớn.

Với chiến lược, bộ máy lãnh đạo, thực thi và công nghệ phù hợp, Allo Bank có thể trở thành đối thủ lớn trong lĩnh vực ngân hàng kỹ thuật số Indonesia.

Năm ngoái, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) đã nới lỏng các quy định về quyền sở hữu nước ngoài đối với các ngân hàng địa phương, giúp thúc đẩy nhiều công ty công nghệ khu vực tham gia vào lĩnh vực kinh doanh ngân hàng của nước này.

Các công ty cho vay nhỏ hơn ở Indonesia cần huy động vốn để tuân thủ các yêu cầu về vốn tối thiểu, trong khi các công ty công nghệ nhìn thấy cơ hội mua cổ phần trong một ngành mà họ coi là lĩnh vực tăng trưởng tiếp theo.

Nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Co. vào năm 2019 cho thấy 47 triệu người ở Indonesia chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ ngân hàng, trong khi 92 triệu người chưa có tài khoản ngân hàng./.

                                                                                                                                                         

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục