Bundesbank: Kinh tế Đức đang rơi vào suy thoái nghiêm trọng

20:25' - 20/04/2020
BNEWS Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã phải thực hiện các biện pháp phong tỏa kể từ giữa tháng 3/2020, do sự bùng phát mạnh của dịch COVID-19.

Báo cáo kinh tế hàng tháng được công bố ngày 20/4 của Ngân hàng Liên bang Đức (Bundesbank- ngân hàng trung ương) cho biết, nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng và khó có thể phục hồi nhanh chóng do còn nhiều hạn chế liên quan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong thời gian tới.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã phải thực hiện các biện pháp phong tỏa kể từ giữa tháng 3/2020, do sự bùng phát mạnh của dịch COVID-19. Chính phủ Đức đang tiến hành các cuộc thảo luận nhằm nới lỏng một số hạn chế trong những tuần tới.

Theo Bundesbank, nhiều khả năng các lệnh hạn chế sẽ vẫn được tiếp tục được áp dụng cho đến khi tìm ra một giải pháp y tế, chẳng hạn như tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch. Bởi vậy, sự phục hồi kinh tế nhanh chóng và mạnh mẽ dường như sẽ “không thể diễn ra".

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Đức sẽ giảm 7,5% trong năm 2020, trong đó lĩnh vực tư nhân chịu ảnh hưởng lớn. Những số liệu này báo hiệu về một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn thời điểm năm 2009, khi kinh tế Đức sụt giảm hơn 5%.

Theo Bundesbank, những số liệu báo cáo quý I/2020 đã cho thấy những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Đức, nhưng ngân hàng này dự báo các số liệu của quý II/2020 thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn, cụ thể là sự sụt giảm nghiêm trọng trong ngành chế tạo ô tô và chi tiêu hộ gia đình.

Mặc dù vậy, Bundesbank cũng cho rằng các chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế Đức. Theo ngân hàng này, lạm phát - mục tiêu chính của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - có thể sẽ giảm mạnh trong những tháng tới do sự sụt giảm của giá dầu.

Trong thông báo đưa ra hồi tuần trước, Bộ Kinh tế Đức cho biết nhu cầu toàn cầu sụt giảm, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và tâm lý các nhà đầu tư bất ổn đã ảnh hưởng lớn tới cường quốc xuất khẩu này.

Đại dịch COVID-19 đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu vốn đang bắt đầu phục hồi sau năm 2019 chịu ảnh hưởng của các cuộc tranh chấp thương mại và những lo ngại xung quanh tiến trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Ngành công nghiệp của Đức nói riêng đã ghi nhận số đơn đặt hàng mới tăng khi bước sang năm 2020, song cú sốc cung-cầu lớn trong và ngoài nước do đại dịch COVID-19 gây ra đã “đảo ngược” những diễn biến kinh tế tích cực này.

Bộ Kinh tế Đức dự báo, nếu các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 được nới lỏng vào khoảng sau tháng Tư, tăng trưởng kinh tế nước này vẫn ảm đạm và chỉ phục hồi “từng chút một”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục