Các nước G7 ủng hộ thỏa thuận "lịch sử" về thuế áp lên các công ty đa quốc gia

05:30' - 12/06/2021
BNEWS Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa đạt một thỏa thuận “lịch sử” về đánh thuế lên các công ty đa quốc gia.
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở London, Anh ngày 5/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo giới quan sát, thỏa thuận được thông báo giữa các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Italy và Nhật Bản có thể giúp các chính phủ thu hàng tỷ USD tiền thuế để trả bớt các khoản nợ họ đã nước vay trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Sau cuộc họp ngày 5/6, các Bộ trưởng Tài chính G7 đã nhất trí ngăn chặn tình trạng trốn thuế thông qua việc yêu cầu các công ty trả thuế ở những nước họ có hoạt động kinh doanh.Họ cũng đồng ý trên nguyên tắc mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% để tránh các nước cạnh tranh quyền lợi với nhau.

Dự kiến các hãng công nghệ khổng lồ như Amazon và Google sẽ nằm trong số các công ty bị ảnh hưởng lớn nhất từ thỏa thuận như vậy.

Thỏa thuận được đàm phán trong nhiều năm này dự kiến sẽ làm gia tăng áp lực lên các quốc gia khác có động thái tương tự, nhất là trong bối cảnh cuộc họp thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra vào tháng tới.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nhận định rằng thỏa thuận này được thiết lập để tạo ra sân chơi công bằng cho các công ty toàn cầu, đồng thời giúp cải cách hệ thống thuế quốc tế theo hướng phù hợp hơn trong kỷ nguyên số.

* Vì sao G7 muốn thay đổi quy định thuế?

Các chính phủ từ lâu đã chật vật đối phó với thách thức đánh thuế các công ty toàn cầu hoạt động trên nhiều quốc gia.Thách thức này ngày một lớn với sự bùng nổ của các công ty công nghệ khổng lồ như Amazon, Facebook và Microsoft.

Biểu tượng của Facebook và Google trên màn hình máy tính bảng. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện tại, các công ty có thể mở các chi nhánh địa phương ở các nước có mức thuế khá thấp và công bố lợi nhuận ở đó. Điều đó có nghĩa họ chỉ trả mức thuế địa phương, ngay cả khi lợi nhuận được thu từ các thị trường khác. Cách làm này là hợp pháp và phổ biến.

Các thông tin mới đây cho hay, chi nhánh tại Ireland của Microsoft không trả một đồng thuế nào từ lợi nhuận 315 USD tỷ trong năm 2020, vì chi nhánh này được đăng ký ở Bermuda cho mục đích tránh thuế.

Thỏa thuận mới nhằm ngăn chặn tình trạng này xảy ra theo hai cách.

Thứ nhất, các nước G7 muốn có một mức thuế toàn cầu tối thiểu để tránh xảy ra “cuộc đua xuống đáy”. Theo đó, các nước chạy đua cắt giảm thuế để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp.

Thứ hai, quy định mới sẽ buộc các công ty trả thuế ở những nước mà họ bán sản phẩm và dịch vụ, thay vì ở nơi mà họ công bố lợi nhuận.

* Thỏa thuận gồm những gì?

Theo cách tiếp cận chung để đánh thuế các công ty toàn cầu của G7, những công ty đa quốc gia khổng lồ - chẳng hạn như Google, Amazon và Facebook - sẽ buộc phải trả một khoản phí cho doanh số thu được tại quốc gia mà họ có hoạt động, cũng như nơi họ đặt trụ sở chính. Tuy nhiên, chỉ những công ty lớn có tỷ suất lợi nhuận tối thiểu 10% mới bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.

Tổng cộng 20% của bất kỳ khoản lợi nhuận nào trên mức 10% sẽ được phân bổ lại.Khoản tiền đó cũng sẽ phải chịu thuế doanh nghiệp ở các quốc gia mà các công ty có hoạt động kinh doanh.

G7 cũng đồng ý thiết lập một tiêu chuẩn toàn cầu về thuế doanh nghiệp - được đặt ở mức tối thiểu 15%.Các quốc gia có thể tăng con số đó lên mức cao hơn mức thuế “được áp dụng trên cơ sở từng quốc gia”.

Nội dung của thỏa thuận sẽ được bàn thảo chi tiết tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương vào tháng Bảy tới.

Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe đã đăng trên Twitter rằng: “Các nước đều sẽ có lợi khi đạt được một thỏa thuận bền vững, tham vọng và công bằng về cơ cấu thuế quốc tế”. Bộ trưởng nói thêm thỏa thuận này phải “đáp ứng nhu cầu của các nước lớn và nhỏ, phát triển và đang phát triển”. Ireland hiện là một trong những nước có mức thuế doanh nghiệp thấp, chỉ 12,5%.

* Phản ứng của các công ty

Một người phát ngôn của Amazon được Reuters dẫn lời: “Chúng tôi tin rằng một quá trình do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dẫn dắt và tạo được một giải pháp đa phương sẽ giúp mang lại sự ổn định cho hệ thống thuế quốc tế. Thỏa thuận của G7 đánh dấu một bước đi đáng hoan nghênh để đạt được mục tiêu này.Chúng tôi hy vọng những cuộc bàn thảo này sẽ xúc tiến trong phạm vi rộng hơn với G20 và liên minh Cơ chế Bao trùm”.

Trên mạng xã hội Twitter, người phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook, Nick Clegg, cho biết mạng xã hội này hoan nghênh tiến bộ mà G7 đã đạt được về vấn đề mức thuế và chấp nhận rằng điều này có thể dẫn đến Facebook sẽ phải đóng thuế nhiều hơn và đóng thuế ở những nước khác nhau.

Theo ông Clegg, thỏa thuận của G7 là bước tiến quan trọng đầu tiên hướng đến một sự ổn định cho các doanh nghiệp và củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống thuế toàn cầu.

Trong khi đó, trong một tuyên bố qua thư điện tử, người phát ngôn của Google José Castañeda nhấn mạnh tập đoàn này ủng hộ các nỗ lực cập nhật những quy định thuế toàn cầu và hy vọng các nước tiếp tục hợp tác cùng nhau nhằm bảo đảm sớm hoàn tất một thỏa thuận công bằng và bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục