Các công ty đồ gia dụng cảnh báo nguy cơ thiếu cung do căng thẳng trên Biển Đỏ

07:55' - 22/12/2023
BNEWS Các hãng sản xuất đồ gia dụng, nội thất cảnh báo về khả năng thiếu hụt một số sản phẩm trong bối cảnh các cuộc tấn công vào tàu thuyền trên Biển Đỏ.
Hãng sản xuất đồ gia dụng của Thụy Điển Electrolux đã lập đội đặc nhiệm để tìm các tuyến đường thay thế hoặc xác định các chuyến hàng ưu tiên. Trong khi hãng nội thất Inter IKEA cũng cảnh báo về khả năng thiếu hụt một số sản phẩm trong bối cảnh các công ty cố gắng tránh tình trạng gián đoạn hoạt động do các cuộc tấn công vào tàu thuyền trên Biển Đỏ.

Nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu thế giới Electrolux là công ty mới nhất đưa ra động thái ứng phó sau các cuộc tấn công gần đây của nhóm phiến quân Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu chở hàng, buộc các công ty vận tải hàng đầu, trong đó có Maersk, phải điều chỉnh tuyến đường qua Mũi Hảo Vọng, tránh qua Kênh đào Suez.

 
Cuối ngày 18/12, Electrolux cho biết hãng đang xem xét các biện pháp này, nhưng hiện tại Electrolux ước tính tác động đối với việc giao hàng sẽ bị hạn chế. Hãng Thụy Điển cũng đã làm việc với các công ty vận tải biển như Maersk và CMA.

Trong một thông báo ngày 19/12, Inter IKEA cho biết hãng này đang xem xét các phương án vận chuyển thay thế đến kênh đào Suez, tuyến đường quan trọng đối với nhà sản xuất đồ nội thất giá rẻ. IKEA cho hay tình hình ở Kênh đào Suez sẽ dẫn đến sự chậm trễ và có thể gây ra những hạn chế nguồn cung đối với một số sản phẩm của hãng.

Kênh đào Suez, tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, chiếm khoảng 12% lưu lượng vận chuyển hàng hải trên thế giới.

Hiện tại, mặc dù năng lực vận chuyển container sẵn có nhiều hơn, các nhà phân tích và chuyên gia nhận thấy sẽ không xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng không loại trừ khả năng giá cước vận chuyển sẽ tăng.

Theo ước tính từ nền tảng vận chuyển hàng hóa Xeneta, mỗi chuyến đi khứ hồi giữa châu Á và Bắc Âu bị kéo dài hơn sẽ tốn thêm tới 1 triệu USD tiền nhiên liệu.

Kể từ ngày 19/12, chi phí vận chuyển một container từ Trung Quốc đến Địa Trung Hải trong tháng 12/2023 đã tăng 44% lên mức 2.413 USD. Theo Freightos - công ty đặt tàu vận tải và thanh toán quốc tế, hồi đầu năm, mức giá này chỉ là 1.371 USD. Mặc dù vậy, mức giá trên vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao hồi tháng 1/2022, thời điểm mà hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường biển bị đình trệ nhiều tháng khi không đủ tàu vận chuyển vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Các nhà bán lẻ và nhà sản xuất có thể sẽ chuyển chi phí cao hơn sang người tiêu dùng, điều đó có khả năng thúc đẩy lạm phát trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt kéo dài.

Công ty nghiên cứu chuỗi cung ứng Project44 cho biết việc giao hàng chậm sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm trong dịp lễ Giáng sinh, nhưng có khả năng các cửa hàng sẽ cạn hàng vào tháng 2/2024 nếu tình trạng chậm trễ tiếp diễn.

Các chuyên gia cho biết thêm việc đi qua miền Nam châu Phi sẽ kéo dài thêm khoảng 10 ngày đối với hành trình từ châu Á đến Bắc Âu và Đông Địa Trung Hải. Thông thường mất khoảng 27 ngày để đi thuyền từ Thượng Hải ở Trung Quốc đến cảng Rotterdam của Hà Lan.

Trước đó, ngày 18/12, công ty phân bón Mosaic của Mỹ cho biết đã điều chỉnh tuyến đường của một số chuyến hàng đến Mỹ qua Mũi Hảo Vọng.

Công ty sữa Danone cho biết hầu hết các lô hàng của họ đã bị chuyển hướng, làm tăng thời gian vận chuyển. Người phát ngôn của công ty cho biết nếu tình hình tiếp tục kéo dài hơn hai đến ba tháng, công ty sẽ phải sử dụng các tuyến đường thay thế qua đường biển hoặc đường bộ bất cứ khi nào có thể.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục