Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ dẫn dầu thị trường thế giới

14:21' - 22/01/2024
BNEWS Hãng sản xuất xe điện (EV) BYD của Trung Quốc, gần đây đã vượt nhà sản xuất xe EV Tesla của Mỹ về doanh số bán xe toàn cầu. BYD đang xuất khẩu ô tô đi khắp thế giới, từ Indonesia, Mexico đến Anh.

Giám đốc điều hành (CEO) Elon Musk của Tesla gần đây đã ca ngợi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và lưu ý rằng họ sẽ nổi lên như những “đối thủ thống trị” trong ngành sản xuất ô tô toàn cầu - một sự khác biệt hoàn toàn so với khi ông cười nhạo về chất lượng của ô tô của BYD vào năm 2011.

 

Năm ngoái, một báo cáo của công ty bảo hiểm tín dụng Allianz Trade cho biết, các nhà sản xuất xe EV của Trung Quốc là mối đe dọa đáng kể đối với các nhà sản xuất ô tô châu Âu, đặc biệt là ở các nền kinh tế phụ thuộc vào ngành sản xuất ô tô của Đức, Slovakia và Cộng hòa Czech (Séc), đồng thời kêu gọi phải áp đặt mức thuế cao hơn đối với xe EV của Trung Quốc, mà dự kiến đến năm 2030 có thể khiến các nhà sản xuất ô tô châu Âu mất khoảng 7 tỷ euro lợi nhuận mỗi năm.

Trong những tuần tới, các nhà điều tra Liên minh châu Âu (EU) sẽ đến thăm các nhà sản xuất xe EV Trung Quốc gồm BYD, Geely, và SAIC như một phần của cuộc điều tra xem liệu họ có được lợi thế không công bằng nhờ trợ cấp của chính phủ hay không. Chuyến thăm này là một phần trong cuộc điều tra của EU được công bố vào tháng 9/2023, sẽ giúp xác định xem liệu EU có áp dụng mức thuế cao hơn để bảo vệ các nhà sản xuất ô tô trong khối hay không.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà cung cấp ô tô của Đức - trong đó có Schaeffler, Continental, và ZF Friedrichshafen đã tự tin phát triển mạnh mẽ cùng với các “gã khổng lồ” bao gồm Volkswagen, BMW, và Mercedes-Benz. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang xe EV cho thấy họ có thể không còn dựa vào những lợi thế cũ của mình bao lâu nữa.

Christian Kames, Giám đốc ngân hàng đầu tư tại công ty tư vấn tài chính và quản lý tài sản Lazard phụ trách các nước Đức, Áo và Thụy Sỹ cho rằng các nhà cung cấp ô tô của Đức - vốn đang phải đối mặt với lạm phát và lãi suất tăng cao trong bối cảnh kinh tế Đức suy thoái - cần đầu tư vào sản xuất xe EV, đồng thời vẫn giữ vững vị thế trên thị trường ô tô truyền thống. Điều đó khiến họ phải chi tiêu gấp đôi trên nền tảng kép - mọi thứ đều tăng gấp đôi, trừ tăng trưởng hoặc lợi nhuận.

Thành viên ban quản trị ZF, ông Stephan von Schuckmann, mới đây cho biết, việc các nhà sản xuất xe EV của Trung Quốc mở rộng đồng nghĩa với cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô ngày càng gia tăng. Ông cho biết mục tiêu của ZF là đạt khoảng 30% tổng doanh thu tại Trung Quốc vào năm 2030, tăng từ mức khoảng 18% vào năm ngoái.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục