Các ứng dụng gọi xe công nghệ thêm cơ hội mở rộng thị trường

15:29' - 12/03/2020
BNEWS Thay vì hoạt động trong khuôn khổ Đề án thí điểm ở 5 tỉnh/thành phố lớn, từ 1/4/2020, Grab và các mô hình như Grab sẽ được hoạt động trên phạm vi toàn quốc và là cơ hội để mở rộng thị trường.
Hãng xe công nghệ Grab tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến quyết định 146/QĐ – BGTVT về việc dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách từ 1/4 tới, Grab Việt Nam cho biết, quy định mới không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Grab trên thị trường.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Quyết định số 146/QĐ-BGTVT ngày 11/2 về việc dừng thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016) kể từ ngày 1/4/2020 để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Quyết định 146 nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối vận tải, doanh nghiệp vận tải như Grab, Fastgo, Be… thực hiện theo quy định của Chính phủ tại nghị định 10.

Điều 35 của Nghị định số 10 đã quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải được chia thành 2 trường hợp. Trường hợp 1, đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu tại Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp 2, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định của Nghị định 10.

Từ đó các đơn vị này có thể lựa chọn là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc là đơn vị vận tải. Đây là quy định rất mở để các đơn vị tự xác định và phân định rõ hoạt động của đơn vị mình mà lựa chọn hình thức kinh doanh cho phù hợp kể từ ngày 1/4 tới.

Do đó, việc dừng thí điểm gọi xe công nghệ là để thực hiện theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP nên không ảnh hưởng gì tới các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp đó vẫn hoạt động bình thường và sẽ "rộng cửa" hoạt động hơn trước đây.

Là doanh nghiệp trong cuộc và có ứng dụng đa dịch vụ nhất Việt Nam, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho biết, việc dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng là một hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước và không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Grab trên thị trường.

Như vậy, có thể thấy, việc dừng thí điểm thực chất là chấm dứt hình thức thí điểm để công nhận chính thức hoạt động này. Do vậy, hoạt động của doanh nghiệp vẫn tiến hành bình thường, không bị ảnh hưởng gì.

Theo đó, người sử dụng ứng dụng Grab vẫn có thể đặt xe, gọi đồ ăn, giao hàng bình thường. Đối tác tài xế của Grab vẫn hoạt động bình thường trên nền tảng ứng dụng Grab. Tuy nhiên, Grab cũng đang nghiên cứu Nghị định số 10/2020/NĐ-CP để có lựa chọn tốt nhất cho mô hình hoạt động của mình, đồng thời tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để triển khai các quy định của Nghị định này một cách nghiêm túc và đúng pháp luật.

Đại diện Grab Việt Nam cũng khẳng định, thay vì hoạt động trong khuôn khổ một Đề án thí điểm chỉ ở 5 tỉnh/thành phố lớn, từ ngày 1/4/2020, Grab và các mô hình như Grab có thể chính thức hoạt động trên phạm vi toàn quốc theo luật định và là cơ hội để các ứng dụng gọi xe công nghệ mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ pháp luật, đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, đối tác tài xế và hướng đến sự phát triển của cộng đồng luôn là tôn chỉ hoạt động mà Grab hướng đến. Đặc biệt, việc không hạn chế ứng dụng gọi xe công nghệ trên khắp cả nước sẽ là cơ hội để các ứng dụng gọi xe công nghệ mở rộng thị trường và sẽ có cuộc đua để cạnh tranh về giá cũng như thị phần, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Grab tuy không tiết lộ kế hoạch mở rộng dịch vụ, sản phẩm mới, nhưng việc mở rộng dịch vụ ra khắp các tỉnh, thành phố tại Việt Nam là điều chắc chắn bởi đầu năm nay, Grab cho biết sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần FastGo Việt Nam Nguyễn Hữu Tuất cho biết, Nghị định 10/2020/NĐ-CP sẽ tạo bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp tham gia hoạt động cung cấp ứng dụng công nghệ, mà không cần xin giấy phép thí điểm, vốn chỉ áp dụng tại một số tỉnh/thành phố.

FastGo xem đây là cơ hội để tiếp tục đầu tư, mở rộng phạm vi hoạt động và hợp tác nhiều hơn với các hãng taxi, vận tải trên khắp cả nước. Dự kiến, FastGo sẽ mở rộng dịch vụ thêm 10 tỉnh, thành phố có sân bay và du lịch. Tuy nhiên, FasGo cũng sẽ phải điều chỉnh quy trình cho phù hợp với quy định mới trong Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

Ông Nguyễn Hữu Tuất cho hay, ngay sau thời điểm ngày 1/4/2020, FastGo sẽ cung cấp các giải pháp ứng dụng giúp các doanh nghiệp taxi và đơn vị kinh doanh xe hợp đồng quản lý đối tác, lái xe, thiết lập chính sách kinh doanh phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Với các đơn vị đã có ứng dụng công nghệ, FastGo sẽ cho phép kết nối hai hệ thống với nhau để cùng khai thác khách hàng. Còn các đơn vị taxi hoặc kinh doanh chưa có hệ thống điều hành, FastGo sẽ hỗ trợ miễn phí ưng dụng này./.

Xem thêm:

>>Các hãng xe công nghệ phải tuân thủ theo Nghị định 10

>>Grab và Hyundai khai trương dịch vụ taxi điện tại Indonesia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục