Cách thức đảo ngược đà trượt dốc kinh tế của Canada

05:30' - 28/04/2023
BNEWS Ngày nay Canada xếp thứ 15 trong số các quốc gia thịnh vượng trên thế giới và những dự báo hiện tại cho thấy đất nước này sẽ còn suy giảm hơn nữa trong những thập kỷ tới.

Theo trang mạng thestar.com, các đồng tác giả của cuốn sách “Công việc kinh doanh của mọi người: Làm thế nào để đảm bảo sự thịnh vượng của Canada trong thế kỷ 21” gồm Dany Assaf (Chủ tịch của nhóm cạnh tranh và đầu tư nước ngoài tại công ty luật doanh nghiệp quốc tế Torys LLP - Canada), Walid Hejazi (Giáo sư kinh doanh quốc tế tại Trường quản lý Rotman thuộc Đại học Toronto), Joe Manget (Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Mạng lưới y tế Edgewood Canada) đã có bài bình luận về chính sách kinh tế của Canada như sau:

 

Ngày sinh nhật lần thứ 100 vào năm 1967, Canada là quốc gia thịnh vượng xếp thứ ba trên thế giới dựa trên thu nhập bình quân đầu người. Chỉ Mỹ và Thụy Sỹ có thu nhập bình quân đầu người cao hơn.

Hầu hết người dân Canada sẽ bị sốc khi biết rằng kể từ đó, sự thịnh vượng của nước này đã giảm sút nghiêm trọng. Ngày nay Canada xếp thứ 15 trong số các quốc gia thịnh vượng trên thế giới và những dự báo hiện tại cho thấy đất nước này sẽ còn suy giảm hơn nữa trong những thập kỷ tới.

Xu hướng này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Canada đang để lại đất nước như thế nào cho con cháu?

Liệu thế hệ tiếp theo sẽ tồi tệ hơn thế hệ hiện tại? Để đảo ngược xu hướng này, các chuyên gia cho rằng có thể thực hiện các bước nhằm tạo ra một nền kinh tế chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai và đón nhận tiềm năng đi kèm với sự đổi mới.

Chúng ta đang ở trên đỉnh của làn sóng mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đổi mới như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học, người máy và Internet… mọi thứ đang thay đổi nền kinh tế toàn cầu.

Người Canada phải chuẩn bị để hưởng lợi và nắm bắt các cơ hội phát triển và thương mại hóa các công nghệ này. Các quốc gia khác, chẳng hạn như Mỹ, đã thành công, và Canada có thể tham gia xu hướng này.

Nhiều người Canada đã phát triển những ý tưởng kinh doanh tuyệt vời nhưng thường gặp trở ngại khi thương mại hóa chúng, bị bóp nghẹt bởi các quy định và bệnh quan liêu ở mọi cấp chính quyền. Mặc dù thuế suất doanh nghiệp nhỏ thấp, nhưng chúng tăng mạnh khi các công ty mở rộng hoạt động, dẫn đến các rào cản đáng kể và không khuyến khích tăng trưởng.

Mặc dù Ottawa cung cấp các khoản trợ cấp cho nghiên cứu và phát triển (R&D), nhưng việc quản lý chúng cực kỳ phức tạp đòi hỏi các công ty tư vấn phải tham gia và phải trả các khoản hoa hồng đáng kể. Các chương trình này cũng do Cơ quan Doanh thu Canada (CRA) quản lý. Người ta có nghĩ tới sự không phù hợp lớn hơn giữa quy trình và mục tiêu so với việc thiết kế một chương trình R&D khởi nghiệp để cơ quan thuế thực hiện không? Kết quả là có quá ít công ty tận dụng được những ưu đãi này - một cơ hội bị lãng phí.

Trong lịch sử, Canada đã có một nền kinh tế bảo hộ với các rào cản thương mại giữa các quốc gia - và thậm chí cả các tỉnh, với nhiều rào cản vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Những rào cản đối với thương mại nội bộ bao gồm sự khác biệt về quy định, các tiêu chuẩn không nhất quán và các hạn chế đối với sự di chuyển tự do của hàng hóa và dịch vụ. Ví dụ, một thương nhân được cấp phép ở Ontario không thể làm việc nếu không được cấp phép lại ở một tỉnh khác. Một người tiêu dùng ở New Brunswick không thể trở về nhà từ Quebec với một thùng bia. Những rào cản này đã đẩy các công ty Canada vào thế bất lợi. Mở cửa nền kinh tế nội bộ sẽ giúp giảm giá cho người tiêu dùng và chi phí cho các doanh nhân.

Ngoài việc mở ra nhiều cạnh tranh hơn giữa các tỉnh, Canada cũng cần tăng mạnh sự tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Tác động sâu sắc hơn của chủ nghĩa bảo hộ là đối với khả năng phát triển các công ty tầm cỡ thế giới của Canada, làm chậm sự đổi mới và cạnh tranh. Điều này cũng lại cản trở tinh thần kinh doanh và trì hoãn quá trình chuyển đổi kinh tế cần thiết để người Canada kiếm tiền từ các cơ hội công nghệ cao. Thay vào đó, nước này có nguy cơ "chảy máu chất xám" đối với những sinh viên tốt nghiệp khoa học máy tính và kỹ thuật tốt nhất và thông minh nhất của mình sang các quốc gia nơi họ có thể thương mại hóa ý tưởng của mình.

Canada cần dừng lại để nhìn lại mình và rũ bỏ tư duy bảo hộ. Canada có thể đảo ngược đà trượt dốc về sự thịnh vượng của mình bằng cách nắm bắt một tầm nhìn mới cho tương lai của chúng ta dựa vào sức mạnh và tiềm năng của công nghệ trong tay người Canada, đầu tư nhiều hơn vào tinh thần kinh doanh và phá bỏ các rào cản.

Năm ngoái và là năm đầu tiên trong lịch sử của Canada, dân số đã tăng thêm một triệu người. Nhập cư là một phần quan trọng của kinh tế Canada. Sự đa dạng làm phong phú đất nước về kinh tế, văn hóa và xã hội. Lợi ích sẽ còn nhiều hơn nữa nếu tất cả người dân Canada có thể tham gia vào một nền kinh tế hướng tới tương lai và nắm bắt những cơ hội mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục