Cải thiện “điểm nóng” trong mùa mưa bão

10:13' - 06/07/2017
BNEWS Hiện nay, các đơn vị vùng Quảng Ninh thuộc TKV đã và đang chủ động tập trung triển khai phòng chống mưa bão.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, để đảm bảo an toàn cho sản xuất, công tác phòng chống mưa bão đã được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị trực thuộc đặc biệt chú trọng với phương châm “phòng ngừa là chính”. Đồng thời chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, diễn biến cũng như cải thiện các điểm nóng trong mùa mưa bão.

Hiện nay, các đơn vị vùng Quảng Ninh thuộc TKV đã và đang chủ động tập trung triển khai phòng chống mưa bão. Theo đó, các đơn vị cũng đã tiến hành nạo vét, củng cố xong hệ thống thoát nước trong và ngoài mỏ như: Công ty than Dương Huy, Quang Hanh đã nạo vét xong các tuyến suối thoát nước khu vực Lép Mỹ, khu vực 86, Ngã Hai.

Than Mông Dương khắc phục sự ảnh hưởng trận lũ lụt lịch sử năm 2015. Ảnh: Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Công ty CP than Mông Dương (Than Mông Dương) đã nạo vét xong các tuyến suối 9.8 và H10; tiến hành nạo vét đất đá bồi lấp phía trong các đập chắn chân bãi thải; sửa chữa, gia cố các tuyến mương, suối thoát nước, điều tiết thoát nước bề mặt.

Khảo sát tại Công ty Than Mông Dương cho thấy, so với các đơn vị trong khối sản xuất hầm lò, đây là đơn vị khó khăn đủ bề. Bởi, quá trình khai thác của công ty chủ yếu bằng hệ thống mở vỉa giếng đứng, diện sản xuất đã xuống sâu, điều kiện địa chất phức tạp...

Đặc biệt, công ty còn nằm trong vùng nhạy cảm mỗi khi mùa mưa lũ đến. Hiện công ty đang nỗ lực khắc phục hai khó khăn trên để phát triển sản xuất cũng như không còn là “điểm nóng” như những mùa mưa trước.

Diện sản xuất cũng như mặt bằng sân công nghiệp của Than Mông Dương nằm trong một lòng chảo, địa hình phức tạp trên địa bàn Cẩm Phả. Cùng với nhân dân sống ở đây, năm nào Than Mông Dương cũng phải lo chống chọi với mưa lũ với các khoản chi phí không hề nhỏ và trở thành điểm nóng của cả Tập đoàn. Năm nay, Than Mông Dương đã chủ động rà soát toàn bộ các vị trí có nguy cơ sự cố để có giải pháp khắc phục chi tiết.

Trong đó, Công ty tập trung vào nhiều vị trí công trình trọng điểm. Cụ thể là, giải pháp chống ngập lụt sân công nghiệp mỏ. Đây là khu vực đã từng bị ngập hai lần vào năm 1987 và năm 2015. Công ty chủ động khơi thông các dòng chảy thoát nước, đắp các bờ che chắn, bảo vệ sân công nghiệp và các máy móc, thiết bị, kho tàng. Riêng năng lực bơm thoát nước tại khu vực giếng trung tâm đã được củng cố hệ thống đường ống cũng như máy bơm có công suất lớn gấp nhiều lần trước đây.

Thứ hai là giải pháp chống thẩm thấu từ bề mặt địa hình các khu tụ thuỷ xuống hầm lò khu vực khai thác Đông Bắc Mông Dương. Công ty đã san gạt, dẫn dòng thoát nước trên bề mặt địa hình tại khu vực này.

Ngoài ra, khu vực chống sạt lở lân cận bãi thải Đông Cao Sơn cũng như chống ngập lụt khu suối H10 Mông Dương, suối 9,8, trạm điện 110 kVA Mông Dương… cũng là những vị trí được công ty quan tâm và triển khai các giải pháp phòng ngừa sớm. Với nhiều giải pháp đồng bộ, đầu tư bài bản và các tình huống giả định cụ thể, chi tiết, Than Mông Dương đặt mục tiêu không còn là “điểm nóng” trong mỗi mùa mưa bão này.

Công ty kho vận Hòn Gai thực hiện các giải pháp giảm tổn thất than trong mùa mưa bão. Ảnh: Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Các chuyên gia về biến đổi khí hậu của Bộ Công Thương cho biết, theo kịch bản quốc gia về biến đổi khí hậu năm 2012, đến năm 2050 mực nước biển cao thêm từ 20 - 24 cm tại khu vực Móng Cái - Hòn Dáu (Quảng Ninh), nhiệt độ môi trường tăng 2 - 30 C, tổng lượng mưa trung bình năm tăng 5% nhưng lượng mưa lại giảm về mùa khô.

Kết quả điều tra, khảo sát của TKV cũng cho thấy, các mỏ than vùng Quảng Ninh ít có khả năng bị ngập do nước biển dâng vì các mỏ đều có cốt cao hơn mặt nước biển hàng mét trở lên. Nhưng các mỏ lộ thiên phải đề phòng ngập moong khai thác do mưa to, lượng nước lớn.

Dự kiến đến năm 2050, hầu hết các mỏ lộ thiên ở vùng than Quảng Ninh đi vào kết thúc và đóng cửa mỏ. Các mỏ hầm lò đến giai đoạn này đều là các mỏ khai thác ở mức sâu dưới 300m, được thiết kế mới hoặc cải tạo, mở rộng với kỹ thuật tiên tiến nên khả năng tránh nước mặt tràn vào mỏ không có gì khó khăn.

Tại tất cả các cảng than, định hướng của Tập đoàn là đến năm 2020 sẽ chấm dứt các kho than hàng hóa lộ thiên trên bề mặt cảng và toàn bộ than được chứa trong silo và vận chuyển từ mỏ ra bằng băng tải. Do vậy, không có nguy cơ đe dọa ngập các kho than trên bến bãi do nước biển dâng hoặc mưa to dài ngày.

Tuy nhiên, mực nước biển dâng cao từ 20-24 cm sẽ ảnh hưởng đến các cảng rót than trong những ngày có bão, sóng lớn, nhất là khu vực chuyển tải than Hòn Nét. Cảng Cửa Ông phải có phương án an toàn cho các công trình trên bề mặt cảng để phòng chống sóng lớn. Vì nước biển dâng, ăn sâu vào đất liền nên phương thức vận chuyển than ra cảng cần được thay thế hoàn toàn bằng băng tải.

TKV cũng cho biết, dự báo thời tiết năm 2017 diễn biến phức tạp, mưa bão có thể diễn ra bất thường và sớm hơn mọi năm. Để chủ động ứng phó với mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, các cấp.

Đồng thời, triển khai các nội dung công việc, các công trình phòng chống mưa bão theo kế hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn cho các mỏ hầm lò, lộ thiên, nhà máy, các công trình quan trọng và các khu dân cư lân cận.

Cùng với đó, việc lập phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phải giả định đầy đủ các tình huống thiên tai có thể xảy ra với từng đơn vị để chủ động phòng chống, ứng phó.

Ngoài ra, có phương án phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phương án di dời các hộ dân ở các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Trên cơ sở khảo sát kỹ thực trạng cũng như rút kinh nghiệm từ các đợt mưa lũ lớn đã xảy ra, nhằm đảm bảo an toàn cho các mỏ, các công trình và các khu vực dân cư, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị sản xuất lộ thiên lựa chọn các thông số bãi thải và trình tự đổ thải hợp lý; lựa chọn các giải pháp thoát nước phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, thiết kế, đổ thải phải đảm bảo ổn định lâu dài của bãi thải.

Bên cạnh đó, giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV xây dựng tuyến đê và đập chắn suối 9.8, suối H10 đoạn đường tránh bãi thải Đông Cao Sơn. Đồng thời, xây dựng, củng cố các đập chắn, kè chắn đất đá kiên cố ở chân các bãi thải; bê tông hóa các tuyến mương thoát nước ở các khu vực trọng điểm.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, kiên cố các công trình phòng chống mưa bão, thì việc đảm bảo an toàn cho các mỏ than là vấn đề được đặc biệt quan tâm, Tập đoàn và các đơn vị đã kiểm tra, khảo sát các hố tụ thuỷ, hố sụt lún bề mặt địa hình phía trên các khu vực khai thác hầm lò nhằm phòng tránh bục nước.

Đồng thời, có phương án thoát nước mỏ, kiểm tra, rà soát, củng cố hệ thống bơm thoát nước, nâng cao năng lực thoát nước trong mỏ hầm lò, phòng tránh ngập mỏ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục