Cảm nhận của nước Nga về “lời tuyên chiến kinh tế” từ Mỹ

05:30' - 17/08/2018
BNEWS Thủ tướng Medvedev nói Moskva sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế, chính trị, hoặc các biện pháp khác đối với Mỹ nếu Washington tiếp tục nhắm vào các ngân hàng Nga.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev  Ảnh: TTXVN phát

Business Insider mới đây dẫn lời Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga xem bất kỳ động thái nào của Mỹ trong việc hạn chế hoạt động của các ngân hàng Nga hoặc các giao dịch ngoại tệ của nước này là tuyên bố chiến tranh kinh tế.
Tờ Les Echos cho biết sau khi Mỹ quyết định trừng phạt Nga, chỉ số chứng khoán RTS đã mất ngay 3% giá trị, cổ phiếu của hãng hàng không Aeroflot sụt mất 10%, và đồng ruble rơi xuống mức thấp nhất kể từ 2016 khi phải có 66 đồng ruble mới đổi được 1 USD, tạo ra tình trạng bán tháo vì lo ngại Nga sẽ mắc kẹt trong một vòng xoáy trừng phạt không hồi kết. 
Thiệt hại đối với các mặt hàng công nghệ xuất khẩu, nhất là thiết bị điện tử, có thể lên đến hàng trăm triệu USD.
Theo ngân hàng Nga Alfa, việc Mỹ trừng phạt có thể làm giảm nhiệt tình và lòng tin nơi các nhà đầu tư, trong đó biện pháp dự kiến cấm mua lại nợ của Nga là nguy hiểm nhất.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia quốc tế Dmitriy Ofitserov-Belsky chắc chắn rằng những biện pháp trừng phạt này không có liên quan đến vụ việc ở Salisbury.Ông cho rằng lệnh trừng phạt là chính sách dài hạn của Mỹ đối với Nga, không phụ thuộc vào những hành động của bản thân Moskva.
Các biện pháp trừng phạt được áp dụng trên cơ sở đạo luật Mỹ về kiểm soát vũ khí hóa học và sinh học, đạo luật này đã được thông qua vào năm 1991.
Trước đây, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt trên cơ sở đạo luật đó vào tháng 3/2018 chống lại CHDCND Triều Tiên vì nước này đã sử dụng vũ khí hóa học trong vụ ám sát ông Kim Jong-nam, anh trai lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cũng như vào năm 2013 chống lại Syria.
Ngày 8/8, chính quyền Trump tuyên bố sẽ áp đặt các đòn trừng phạt thương mại cứng rắn đối với Nga nhằm đáp lại vụ đầu độc được cho là âm mưu sát hại cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái của người này ở Anh. 
Những biện pháp trừng phạt mới này của Mỹ, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 22/8 tới, sẽ cấm các công ty Mỹ có ý định xuất khẩu công nghệ và các thiết bị ứng dụng an ninh quốc gia khác cho các công ty có vốn hoặc được sở hữu bởi chính phủ Nga. 
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ các biện pháp trừng phạt này có thể ảnh hưởng tới 70% nền kinh tế Nga và 40% lực lượng lao động.
Liên quan vấn đề này, Tân Hoa xã ngày 9/8 bình luận các biện pháp trừng phạt mới này có thể bị phủ bóng hy vọng mong manh về cải thiện quan hệ Mỹ - Nga sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Putin ở thủ đô Helsinki hồi tháng Bảy; dẫn nhận định của Vladimir Vasilyev từ Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada cho rằng động thái này của Washington đồng nghĩa với việc hai nước đang “trượt vào một cuộc chiến kinh tế” và quan hệ song phương đang tiến tới “mức không thể vãn hồi”. 
Theo nhà khoa học chính trị Nga Yevgeny Minchenko, điều quan trọng đối với giới chức Mỹ là họ cần chứng minh họ cứng rắn hơn với Nga so với chính quyền Obama.
Nhằm chứng tỏ chính quyền Trump không hề sợ đối đầu với Nga khi cần, một quan chức cấp cao Nhà Trắng chia sẻ với Foxnews: “Đối với bất kỳ ai nghĩ rằng chính quyền này yếu mềm đối với Nga thì tôi sẽ nói thế này: hãy nhìn vào những gì chúng tôi đã làm, hãy nhìn vào hành động của chúng tôi… Chính quyền này thực sự đang sử dụng chính sách của Reagan khi cần kiểm soát Moskva”.
Dù sự thù địch giữa Moskva và Washington đang căng thẳng tới mức không khác gì thời hậu chiến song chuyên gia Leonid Polyakov, làm việc tại Trường Kinh tế Moskva, cho rằng hai cường quốc hạt nhân này khó có thể đẩy căng thẳng vượt quá tầm kiểm soát. Trong khi đó, chuyên gia Kortunov không lạc quan tới như vậy.
Ông nói: “Tôi sẽ không cảm thấy ngạc nhiên nếu Đại sứ Nga tại Washington bị triệu về nước như một biện pháp đáp trả”, đồng thời nhấn mạnh điều này có thể phá hỏng mọi kế hoạch mà lãnh đạo hai nước đã bàn thảo tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki.
Foxnews bình luận các biện pháp trừng phạt mới này cho thấy ông Trump sẽ không trao cho ông Putin “tấm thẻ xanh” vì những hành động không thể dung thứ. 
Các biện pháp trừng phạt mới này cần được nhìn nhận là một phần của sự chuyển dịch chính sách quy mô lớn hơn nhằm đảo bảo rằng Nga thực sự hiểu được rằng nước này sẽ phải trả giá đắt bất kỳ lúc nào nước này muốn tấn công phương Tây, các đồng minh NATO, hoặc bất kỳ đối tác nào của Mỹ. 
Một dự thảo riêng khác cũng đã được đề xuất vào tuần trước, trong đó các thượng nghị sĩ lưỡng đảng yêu cầu hạn chế việc sử dụng đồng USD và các hoạt động của nhiều ngân hàng nhà nước Nga tại Mỹ. Hiện chưa rõ số phận của dự thảo này như thế nào. 
Quốc hội Mỹ đang nghỉ hè đến tháng Chín mới nhóm họp trở lại. Tuy nhiên, phụ tá của các nghị sĩ Quốc hội cho biết họ không nghĩ dự thảo sẽ được thông qua toàn bộ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục