Cần chính sách đặc thù để "miền núi bắt kịp vùng xuôi"

15:33' - 30/07/2024
BNEWS Cần xác định các mục tiêu chỉ tiêu kinh tế - xã hội của vùng phải cao hơn mức trung bình của cả nước (tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ giảm nghèo....) thì mới có thể bảo đảm “miền núi tiến kịp miền xuôi”.

Ngày 30/7, tại tỉnh Lào Cai đã diễn ra Hội nghị của Tiểu ban Kinh tế- Xã hội của Quốc hội với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng trung du và miền núi phía Bắc chủ trì Hội nghị.

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh vai trò quan trọng của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, không chỉ là nơi giữ rừng, giữ nước mà còn chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển quan hệ đối ngoại vì sự phát triển chung của cả nước.

Tinh thần chung là cần có sự ưu tiên cơ chế, chính sách, nguồn lực cho khu vực này trong thời gian tới. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, tổ chức đoàn khảo sát chuyên đề tại các địa phương, mong địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Đại hội XIV.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương nỗ lực, quan tâm hơn nữa đến cán bộ là người dân tộc, làm công tác dân tộc. Đồng thời cần chú trọng nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở trong bối cảnh Trung ương đẩy mạnh phân cấp nhưng nhiều địa phương chưa triển khai, liên kết giao thông phải đi trước để khai thác tiềm năng, lợi thế…

Theo báo cáo, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, tăng trưởng GRDP của vùng năm 2023 đạt 6,53%, cao hơn bình quân chung cả nước (5,05%) và là vùng cao nhất cả nước, trong đó, Bắc Giang có mức tăng trưởng cao nhất cả nước là 13,45%.

GRDP bình quân đầu người của vùng đạt khoảng 68 triệu đồng (cao hơn vùng Tây Nguyên); thu ngân sách Nhà nước năm 2023 vào khoảng 88.000 tỷ đồng, vượt 17% so với dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 67 tỷ USD, tăng 39% so với năm 2022.

Một số đại biểu nêu ý kiến, với đặc thù là các tỉnh trong vùng gắn kết chặt chẽ với vùng Tây Nam - Trung Quốc nên cần thiết phải đưa vào Văn kiện Đại hội XIV nội dung là thực hiện nghiêm túc tuyên bố chung giữa Việt Nam và các nước (đặc biệt là Việt Nam - Trung Quốc) để cụ thể hóa nhận thức chung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trở thành chương trình, dự án cụ thể cho từng tỉnh trong vùng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng trung du và Miền núi phía Bắc chủ trì hội nghị. Ảnh: Đức Minh/TTXVN
Thêm vào đó, cần xác định các mục tiêu chỉ tiêu kinh tế - xã hội của vùng phải cao hơn mức trung bình của cả nước (tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ giảm nghèo....) thì mới có thể bảo đảm “miền núi tiến kịp miền xuôi”. Các bên liên quan nghiên cứu và quyết tâm đưa vào Văn kiện Đại hội XIV mục tiêu đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trong vùng không còn hộ nghèo hoặc tỷ lệ hộ nghèo dưới 2% (hiện hộ nghèo trong vùng là gần 12%; cả nước khoảng 2,93%) để dồn thêm lực thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc chiếm khoảng 30% diện tích cả nước, có nhiệm vụ bảo vệ vững chắc trên 1.960 km đường biên với Lào và Trung Quốc, chăm lo cho gần 50% số người dân tộc thiểu số của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của vùng là 18,2%, cận nghèo là 37% - cao nhất trong 6 vùng kinh tế. GRDP bình quân đầu người của vùng chỉ bằng 65% bình quân chung cả nước (68 triệu đồng so với 105 triệu đồng/người của cả nước).

Quy mô kinh tế toàn vùng chỉ chiếm 8,6% quy mô kinh tế cả nước. Kim ngạch xuất khẩu ở 7 tỉnh biên giới chỉ bằng 0,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp nhất so với các vùng khác của cả nước (47,9% so với bình quân cả nước đạt 74%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo, kiên cố hóa trường lớp học của vùng cũng thấp nhất cả nước...).

Các đại biểu dự hội nghị cho rằng để đạt được các mục tiêu phát triển vùng như Nghị quyết 11-NQ/TW đã xác định thì cần sớm ban hành, thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù để các tỉnh trong vùng tận dụng tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, cần cho phép các địa phương tự quy định khu vực cho khách nước ngoài đi lại nhằm phát triển tiềm năng, lợi thế về du lịch (theo quy định của Luật Xuất nhập cảnh, người nước ngoài vào du lịch tại khu vực biên giới phải được cấp phép, thời hạn giải quyết tối thiểu 5 ngày).

Các bên liên quan nghiên cứu xây dựng chính sách thực sự hiệu lực để phát triển kinh tế lâm nghiệp đa mục tiêu của vùng gắn với giảm nghèo, bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường gắn với cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Vùng cũng cần có cơ chế để chủ động và có nguồn lực xây dựng “Khu thí điểm thương mại tự do” hoặc "Khu thí điểm thương mại điện tử qua biên giới" tại một số Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm đã được Thủ tướng phê duyệt tại Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn tương tự như cơ chế đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong của Khánh Hòa hay Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục