Còn trên 44.500 ha cây trồng bị ngập úng ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ

19:29' - 21/07/2024
BNEWS Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ có 44.541 ha diện tích cây trồng bị ngập úng, giảm 11.440 ha so với ngày 20/7.

Trong đó, Hà Nội 731 ha, Hà Nam 6.554 ha, Ninh Bình 9.886 ha, Nam Định 27.370 ha. Dự kiến, sau 1-2 ngày vận hành công trình tiêu úng, diện tích trên sẽ hết ngập (nếu không tiếp tục có mưa lớn).

 

Các địa phương đang vận hành 165 trạm/666 máy bơm; 16 cống để tiêu úng. Hiện mực nước hạ du sông Hồng vẫn ở mức cao do các hồ thủy điện vận hành xả lũ, làm ảnh hưởng đến hiện quả tiêu úng của các cống tiêu vùng ven biển.

Cục Thủy lợi cho biết, tổng lượng mưa từ 19h ngày 20/7 đến 15h ngày 21/7/2024, tại khu vực miền núi phía Bắc phổ biến từ 2-15mm; riêng Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình từ 25-40mm; khu vực Trung du và Đồng bằng bắc Bộ phổ biến từ 0-7mm; riêng Phú Thọ 15mm.

Dự báo ngày 22/7, khu vực miền núi phía Bắc phổ biến 1-10mm (có nơi trên 50mm), khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ phổ biến dưới 3mm. Từ đêm 22 đến 24/7, Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa to phổ biến từ 50-200mm (có nơi trên 250mm).

Cục Thủy lợi đề nghị ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc khu vực tổ chức khoanh vùng, xác định diện tích có nguy cơ bị ngập lụt, úng và có phương án ứng phó cụ thể phù hợp với đặc điểm địa hình, dự báo tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng; lưu ý chuẩn bị kỹ phương án tiêu úng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây trồng.

Các đơn vị theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa, lũ, vận hành hồ chứa thủy điện của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng, chống ngập lụt, úng cho sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt chú trọng tổ chức bơm tiêu nước đệm trong hệ thống công trình thủy lợi phù hợp với thông tin dự báo mưa, diễn biến mực nước thủy triều khi có mưa lớn nguy cơ gây ngập lụt, úng phải khẩn trương vận hành công trình thủy lợi để tiêu nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục