Cần cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút tư nhân đầu tư vào phát triển sản xuất

17:56' - 25/10/2022
BNEWS Cần thiết phải có các cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích đủ mạnh để thu hút khu vực tư nhân bỏ vốn đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Ngày 25/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam”.

Mục tiêu của nghiên cứu là đưa ra các đề xuất, kiến nghị chính sách nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực tăng trưởng xanh, bao gồm cả hoàn thiện các chính sách hiện có và đề xuất chính sách mới trong thời gian đến năm 2050

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Đức Anh, Viện phó CIEM cho biết, tại Hội nghị COP26 vừa qua, Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải các-bon, cam kết cân bằng phát thải, đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Chính phủ đang bắt đầu sửa đổi các kế hoạch và khung pháp lý tương ứng nhằm đạt các mục tiêu về hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã đề ra.

 

“Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực rất lớn để thực hiện các dự án đầu tư xanh, đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở… trong khi nguồn lực trong nước, đặc biệt là ngân sách nhà nước cho tăng trưởng xanh lại rất hạn chế”, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, vai trò của tư nhân ngày càng được đánh giá cao trong việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân cho tăng trưởng xanh mang tính quyết định, đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh.

Trên thực tế, số lượng dự án của khu vực tư nhân cho tăng trưởng xanh còn khá khiêm tốn, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư cho sản xuất xanh. Điều đó cho thấy cần thiết phải có các cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích đủ mạnh để thu hút khu vực tư nhân bỏ vốn đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Trình bày báo cáo nghiên cứu, ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng Ban phụ trách, Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, CIEM cho biết, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, tăng trưởng xanh được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.

Chiến lược đã đặc biệt nhấn mạnh về vai trò ngày càng quan trọng của khu vực tư nhân và việc tạo động lực để thu hút, khuyến khích đầu tư của khu vực này đóng góp vào tăng trưởng xanh để đạt được các mục tiêu và định hướng phát triển mà Chiến lược đề ra.

Tuy vậy, với không ít doanh nghiệp, đầu tư vào các dự án tăng trưởng xanh thường được coi là các dự án rủi ro cao, lợi nhuận thấp và thực tế số dự án của khu vực tư nhân cho tăng trưởng xanh còn khá khiêm tốn, bên cạnh đó đầu tư của doanh nghiệp cho sản xuất xanh vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó trong việc tiếp cận với các nguồn vốn từ ngân hàng thương mại cho các dự án đổi mới, thay thế công nghệ và thiết bị có hiệu năng sử dụng năng lượng cao. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách hỗ trợ giá điện tái tạo chưa có định hướng cụ thể dẫn dắt, chính sách chưa nhất quán và thiếu đồng bộ nên các chủ đầu tư thường rơi vào thế bị động; thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ và phù hợp cho phát triển năng lượng tái tạo trong khi năng lực quản lý và hỗ trợ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, tại địa phương còn yếu kém…

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư của khu vực tự nhân vào lĩnh vực tăng trưởng xanh, nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất, Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ không chỉ tập trung vào hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế thu hút các dự án tăng trưởng xanh và bền vững, hướng tới sử dụng tài nguyên hiệu quả, ít phát thải và thân thiện với môi trường, nâng cao tiếp cận tài chính xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, áp dụng công cụ thuế ưu đãi và công nghệ mới đối với hoạt động phát thải nhiều các-bon.

Theo đó, để tăng cường thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân, nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia các dự án xanh.

Bà Trần Minh Huế, chuyên viên chính, Vụ Khoa học Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh rõ ràng, ban hành tiêu chí, cách phân loại và áp dụng tiêu chuẩn xanh trong các ngành, lĩnh vực, công khai thông tin đến tác động môi trường của doanh nghiệp, đẩy nhanh và quy trình cấp phép, chủ trương đầu tư đối với các dự án xanh.

Việc huy động sự tham gia của tư nhân vào các dự án tăng trưởng xanh là nhằm phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển, nhà nước không làm những gì mà tư nhân có thể làm và làm tốt hơn để dành nguồn lực nhà nước thực hiện các nhiệm vụ mà tư nhân không làm được và không muốn làm. Việc chuyển giao không ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, ít tác động đến môi trường, an sinh, xã hội.

“Ưu đãi đầu tư là quan trọng, nhưng đặc biệt cần thiết là tạo dựng được thị trường và môi trường đầu tư ổn định, minh bạch và công bằng đối với mọi thành phần kinh tế”, nhóm nghiên cứu CIEM đề xuất.

Nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ “Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/ Tăng trưởng Xanh” do GIZ phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thực hiện, theo ủy quyền của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức. Kết quả nghiên cứu sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào tháng 12/2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục