Cần Thơ sẽ xử lý nghiêm các nhà thầu thực hiện các dự án chậm tiến độ

18:36' - 24/05/2022
BNEWS Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ đã tổ chức buổi giám sát tình hình thực hiện các dự án bằng nguồn vốn ODA (Dự án ODA) trên địa bàn thành phố.
Ngày 24/5, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ đã tổ chức buổi giám sát tình hình thực hiện các dự án bằng nguồn vốn ODA (Dự án ODA) trên địa bàn thành phố gồm: Dự án cầu Trần Hoàng Na và Dự án công trình cải tạo nâng cấp hồ Bún Xáng do Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ được giao làm chủ đầu tư.

Đây là 2 dự án trọng điểm của thành phố Cần Thơ sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của thành phố được người dân, dư luận rất quan tâm nhằm tạo cảnh quan đô thị trung tâm và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Theo Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ, dự án cầu Trần Hoàng Na nối liền quận trung tâm Ninh Kiều với quận Cái Răng thuộc dự  án “Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị” có tổng vốn đầu tư được phê duyệt là trên 847,6 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 18/9/2020 và hết thời gian thực hiện hợp đồng là ngày 30/6/2022 do liên doanh nhà thầu thi công: Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1- CTCP  (CIENCO1) và Công ty cổ phần Cầu 14 thực hiện.

Tiến độ thực hiện dự án đến nay mới chỉ đạt 60% khối lượng so với kế hoạch, chậm tiến độ 36,84%. Đến nay, công tác giải ngân nguồn vốn kể cả tạm ứng là trên 303 tỷ đồng…

Công trình cải tạo nâng cấp hồ Bún Xáng thuộc hợp phần 2, Dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long- Tiểu dự án thành phố Cần Thơ (gọi tắt là Dự án 2) có chi phí xây dựng là trên 275,4 tỷ đồng, được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của thành phố Cần Thơ. Công trình bao gồm 9 gói thầu xây lắp và thời gian thực hiện từ năm 2015-2017, công trình được gia hạn thời gian thực hiện theo thời gian hiệu lực của Hiệp định tín dụng được gia hạn đến cuối năm 2018.

Đến cuối năm 2018, dự án kết thúc theo Hiệp định tín dụng với kết quả thực hiện được như sau: có 7 trong tổng số 9 gói thầu xây dựng kè, đường giao thông, cống thoát nước hồ Bún Xáng và Rạch phía Nam thực hiện hoàn thành. Có 2 gói thầu không hoàn thành với khối lượng xây lắp chưa thực hiện là trên 15,2 tỷ đồng, bao gồm gói thầu thi công công viên (cây xanh, di dời điện, điện chiếu sáng và hệ thống cấp nước hồ Bún Xáng) và gói thầu xây dựng kè, đường giao thông, cống thoát nước bờ hồ phía Trường Đại học Cần Thơ; trong đó phần thi công dang dở đoạn kè dài 240m, 416m đường giao thông và toàn bộ hạng mục điện chiếu sáng quanh hồ chưa thực hiện. Hiện công trình đang được bàn giao hồ sơ cho UBND quận Ninh Kiều sử dụng quản lý và đang chờ UBND quận Ninh Kiều hoàn tất ký thủ tục chấp nhận công trình.

Tại buổi làm việc, các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ, đại diện các sở ban, ngành thành phố Cần Thơ đã nêu rõ tầm quan trọng của 2 công trình xây dựng cơ bản tiêu biểu của thành phố nhưng được triển khai chậm tiến độ, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đồng thời đề nghị Ban Quản lý dự án ODA thành phố giải trình các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan cũng như đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Theo ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ, nguyên nhân nhà thầu thực hiện chậm tiến độ dự án cầu Trần Hoàng Na là do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc huy động  nhân lực và thiết bị đến công trường. Đến nay, nhà thầu cũng chưa có kế hoạch triển khai 40% vòm thép còn lại. Hạng mục điện chiếu sáng, cây xanh, lót gạch vỉa hè, lan can cầu, bê tông nhựa, sơn kẻ đường… chậm 12 tháng so với tiến độ hợp đồng.

Ngoài ra, năng lực tài chính của nhà thầu chính là CIENCO 1 hạn chế, khó khăn ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai gói thầu. Giá vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến kế hoạch huy động tài chính, vật tư thi công của nhà thầu.

Ông Thượng cũng đã giải trình thêm với các đại biểu về việc cho nhà thầu thay đổi thay đổi việc sử dụng 2 loại thép khác nhau nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật thiết kế theo đề nghị của nhà thầu.

Hiện Ban Quản lý dự án ODA thành phố đang tiếp tục đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện cũng như phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho nhà thầu, tạo điều kiện cho nhà thầu có bước chuẩn bị nguồn vốn. Khối lượng còn lại mà nhà thầu cam kết với chủ đầu tư sẽ thực hiện hoàn thành vào cuối tháng 5/2023, chậm hơn 1 năm so với hợp đồng đã ký ban đầu và chủ đầu tư cũng sẽ xem xét xử phạt từng ngày nếu nhà thầu chậm tiến độ theo hợp đồng.

Về lý do nhà thầu ký hợp đồng thi công 22 tháng nhưng không hoàn thành mà phải kéo dài thêm 1 năm nữa, ông Bùi Thái Thượng cho biết việc thẩm định cầu Trần Hoàng Na là do Bộ Giao thông Vận tải thẩm định và khi đến thành phố Cần Thơ mất nhiều thời gian nên sau khi mở thầu quốc tế chỉ còn lại  22 tháng, trong khi đó trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu là 34 tháng. Do Hiệp định vay chỉ còn lại 22 tháng nên Ngân hàng Thế giới yêu cầu nhà thầu phải thực hiện trong 22 tháng. Đây là tiêu chí do Ngân hàng Thế giới bắt buộc phải thực hiện…

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Dự án nâng cấp hồ Bún Xáng trước đây được xem là một trong những mô hình mẫu, là dự án điển hình của Việt Nam nhằm chống ngập vùng lõi đô thị…. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện những khó khăn, hạn chế do khách quan lẫn chủ quan; trong đó những tồn tại hạn chế của công trình ngoài trách nhiệm của Ban Quản lý dự án ODA thành phố còn có trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ.

Trong thời gian tới, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án ODA thành phố nghiêm túc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn lại để thực hiện và tổ chức bàn giao cho UBND quận Ninh Kiều dự án này.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ đã biểu dương Ban Quản lý dự án ODA thành phố đã có nhiều cố gắng nỗ lực để thực hiện các nhiệm vụ được giao; trong đó có nhiều công trình có chất lượng, đảm bảo tiến độ góp phần làm thay đổi bộ mặt của thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có những công trình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như hồ Bún Xáng, cầu Trần Hoàng Na.

Ông Hải lưu ý Ban Quản lý dự án ODA thành phố cần quan tâm đến năng lực của nhà thầu như nhà thầu chính xây dựng cầu Trần Hoàng Na còn nhiều khó khăn. Đồng thời Ban Quản lý cũng cần quan tâm việc xử lý nhà thầu vi phạm như nhà thầu thi công cầu Trần Hoàng Na vi phạm tiến độ thi công cả 3 lần mà chỉ thực hiện xử lý bằng một hình thức cảnh cáo là quá nhẹ. Do đó cần phải mạnh tay và kiên quyết hơn thì tiến độ mới đảm bảo.

Mặt khác, hầu hết các dự án ODA đều được thực hiện không đúng tiến độ do khung thời gian bị giới hạn theo các hiệp định vay nên phải làm các thủ tục để ký kết lại, mất rất nhiều thời gian, công sức nên các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu kỹ để tham mưu tốt hơn cho UBND thành phố.

Ông Hải cũng yêu cầu Ban quản lý dự án ODA trong thời gian tới cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các công trình, dự án do UBND thành phố giao làm chủ đầu tư đồng thời xử lý nhiệm, đúng quy định đối với những đơn vị thi công không đảm bảo tiến độ. Đối với Ban và cán bộ viên chức của Ban làm không đúng quy định cũng phải kiên quyết xử lý nhằm tạo ra tính nghiêm minh trong thực thi công vụ. Khi tiến hành ký kết các hợp đồng phải đảm bảo tuân thủ thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý Dự án với các sở ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án.

Đối với dự án cầu Trần Hoàng Na thời gian qua thực hiện quá chậm do đó ông Hải yêu cầu Ban Quản lý dự án ODA cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đồng thời thường xuyên kiểm tra giám sát, đôn đốc nhà thầu và có những giải pháp mạnh hơn để đẩy nhanh tiến độ.

Đối với hồ Bún Xáng mặc dù mục tiêu đặt ra của dự án là rất tốt, rất hay nhưng thực tế hiện nay thực hiện còn dang dở như đường đi bộ dưới lòng hồ để ngắm cảnh nằm dưới mặt nước, mất an toàn, mất vệ sinh do rác trôi nổi khắp nơi gây bức xúc trong dân và dư luận. Do đó cần sớm bàn giao cho quận Ninh Kiều quản lý, xử lý. Mặt khác, UBND thành phố Cần Thơ cũng cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án ODA đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân thực hiện không tốt nhiệm vụ được giao…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục