Căng thẳng Biển Đỏ: Giá cước vận tải vẫn tăng cao

06:30' - 06/06/2024
BNEWS Giá cước vận tải đường biển từ Trung Quốc đang tăng mạnh do các nhà xuất khẩu “xếp hàng trước” cho kỳ nghỉ lễ.

Nguyên nhân là vì họ lo ngại về việc tăng thuế của Mỹ đối với hàng hóa của nước này và tình trạng gián đoạn kéo dài ở Biển Đỏ.

Chỉ số vận tải container Thượng Hải - thước đo giá cước vận chuyển container (được tổng hợp bởi Sàn giao dịch vận tải Thượng Hải), đã tăng 12,6% lên 3.044,77 điểm vào tuần trước. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 8/2022, chỉ báo được công bố hàng tuần này đã vượt qua mức 3.000 điểm.

Các doanh nghiệp vận tải cho biết, đà tăng giá này sẽ tiếp tục khi ngày càng nhiều nhà xuất khẩu “đặt chỗ” cho các đơn hàng trên các tàu đi Mỹ và châu Âu.

Trong một báo cáo nghiên cứu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại nền tảng đặt vé vận chuyển hàng hóa toàn cầu Freightos Judah Levine cho biết các chủ hàng có thể phải đối mặt với mức giá cước rất cao và sự chậm trễ gia tăng trong nhiều tháng do nhu cầu cao trong bối cảnh năng lực vận tải hạn chế. Tuy nhiên thời gian và quy mô của những gián đoạn và tăng giá này có thể ít nghiêm trọng hơn những tác động chưa từng thấy trong đại dịch COVID-19”.

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc trong các lĩnh vực như hàng may mặc, đồ chơi và đèn lễ hội..., thường bắt đầu vận chuyển hàng hóa từ đầu tháng 7 để đáp ứng nhu cầu của phương Tây cho dịp Giáng sinh và Năm mới. Năm nay, các nhà xuất khẩu bắt đầu lo lắng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 5 tuyên bố rằng Mỹ sẽ áp thuế trừng phạt đối với 18 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm xe điện, linh kiện pin và pin Mặt Trời.

Theo ông Xiong Hao - Trợ lý Tổng giám đốc của Tập đoàn vận tải quốc tế Shanghai Jump International Shipping, chi phí vận chuyển một container 20 feet từ Thượng Hải đến châu Âu hiện ở mức hơn 7.000 USD, tăng khoảng 1.000 USD so với một tháng trước. Ông tiết lộ, hiện nay ở Thượng Hải đang thiếu hụt container rỗng trong bối cảnh nhu cầu từ các nhà xuất khẩu tăng cao.

Trong một báo cáo nghiên cứu đưa ra ngày 3/6, ngân hàng HSBC cho rằng việc cạn kiệt hàng tồn kho của các nhà bán lẻ Mỹ đồng nghĩa với việc họ hiện phải dựa vào hàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy nhu cầu vận tải container.

Giám đốc điều hành cấp cao Yan Jun của công ty sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thép Jinghan Inox Products (Thượng Hải) bình luận: “Lo ngại về sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà sản xuất sắp xếp vận chuyển hàng thành phẩm càng sớm càng tốt”. Ông nói thêm, sự gián đoạn ở Biển Đỏ, do các cuộc tấn công vào tàu của phiến quân Houthi ở Yemen cũng là một mối lo ngại lớn, khi các nhà xuất khẩu tranh nhau xử lý các chuyến hàng càng sớm càng tốt.

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã chứng kiến chi phí vận tải đường biển tăng vọt trong 4 năm qua. Sau khi Trung Quốc thoát khỏi đợt phong tỏa vì dịch COVID-19 đầu tiên vào quý II/2020, các công ty bắt đầu sản xuất hàng hóa hết công suất để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang bị dồn nén trong bối cảnh nước này lấy lại vị thế “công xưởng của thế giới”.

Vào tháng 8/2021, mùa cao điểm vận chuyển container từ Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu trước kỳ nghỉ lễ, hàng chục nhà xuất khẩu thường tranh giành chỗ, thậm chí có những doanh nghiệp sẵn sàng trả gấp 10 lần mức giá thông thường để vận chuyển hàng hóa của họ.

Vào tháng 9/2022, giá container vận chuyển từ Thượng Hải đến Mỹ đã giảm gần 90% so với mức đỉnh. Năm 2023, các cảng ở Thượng Hải đã xử lý 49,16 triệu TEU (1 TEU = container 20 feet), cao hơn 3,9% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 13,5% so với năm 2019.

Trung tâm thương mại và vận chuyển của Trung Quốc được mệnh danh là cảng container nhộn nhịp nhất thế giới, vị trí mà Trung Quốc đã vượt qua Singapore từ năm 2010.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục