Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tác động tới nhiều nước châu Á

18:16' - 01/04/2018
BNEWS Theo tờ Wall Street Journal, Nhật Bản, Australia và nhiều nền kinh tế khác ở châu Á lo ngại tác động từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu mà một cuộc chiến tranh thương mại nếu diễn ra có thể gây ra.
Quan hệ Mỹ - Trung trước nguy cơ chiến tranh thương mại. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phụ thuộc vào hoạt động bán nhiều sản phẩm hàng hóa và nguyên liệu, như từ các thiết bị điện tử của Nhật Bản cho tới mặt hàng quặng sắt của Australia, để phục vụ cho cỗ máy xuất khẩu Trung Quốc.

Đây là lý do khiến những nước khu vực lo ngại về tác động lây lan của nguy cơ xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang, kể cả một số nước từng ủng hộ chỉ trích của Tổng thống Donald Trump nhằm vào Trung Quốc.

"Mây đen" trả đũa thương mại...

Các thị trường chứng khoán phản ứng nhanh nhạy trước các thông tin thương mại. Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 2,65% kết thúc phiên giao dịch ngày 27/3, sau khi có dấu hiệu cho thấy các bên có thể đã tạm tránh được một kịch bản tồi tệ nhất liên quan đến khả căng thẳng thương mại và trả đũa lẫn nhau.

Giới chức Mỹ và Trung Quốc đã khởi động các cuộc đàm phán nhằm định ra cách thức cải thiện khả năng tiếp cận của hàng hóa Mỹ tại thị trường Trung Quốc và giảm thâm hụt thương mại.

Các chuỗi cung toàn cầu bắt đầu có chuyển động trước động thái Mỹ áp thuế chống Trung Quốc hay việc Bắc Kinh đáp trả Mỹ. Tuần trước, chính quyền Trump đã áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc và nhiều nước khác ở khu vực, kèm theo đó là đe dọa sẽ đánh thuế lên tới khoảng 60 tỷ USD đối với số hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Những động thái đó động chạm ngay tới Australia, nước có đến 30% hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc. Hàng năm, Australia xuất sang Trung Quốc khoảng 700 triệu tấn quặng sắt và than cốc, hai nguyên liệu chính của ngành sản xuất thép. Cùng với đó còn là mặt hàng đồng xuất khẩu được dùng cho các sản phẩm điện tử.

Jim Chalmers, Nghị sĩ thuộc Công đảng đối lập ở Australia, đã thừa nhận rằng bất kỳ khi nào nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại hay việc áp thuế trả đũa gia tăng đều có thể gây tác hại lớn đối với Australia.

Nhiều nước đã bắt đầu cảm nhận được tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Tháng 1/2018, ông Trump tuyên bố áp thuế 30% đối với sản phẩm pin năng lượng Mặt trời nhập khẩu mà đích nhắm chủ yếu là Trung Quốc - nước chiếm thị phần lớn nhờ ưu thế giá rẻ. Tuy nhiên, bước đi này cũng khiến các nhà sản xuất pin năng lượng Mặt trời khác như REC Solar Holdings AS của Singapore bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp này có nhà máy sản xuất ở nước ngoài lớn nhất đặt tại Trung Quốc, với 1/3 sản lượng được xuất sang thị trường Mỹ trong ba quý đầu năm 2017.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan hồi đầu tháng Ba vừa qua đã nói rằng do là nước sản xuất tấm pin Mặt trời nên Singapore phải hứng chịu thiệt hại gián tiếp. Ông cho rằng vòng xoáy trả đũa sẽ làm biến mất “một mô thức vì hòa bình và thịnh vượng từng vận hành trong 70 năm qua”.

Căng thẳng thương mại gần đây cũng đẩy đồng yen tăng giá so với đồng USD lên mức cao nhất kể từ thời điểm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016, do các nhà đầu tư xem đây là điểm trú ẩn an toàn ở giai đoạn bất ổn. Diễn biến này gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu thiết bị điện tử của Nhật Bản.

Tuy nhiên, tác động đó không hẳn là xấu đối với tất cả các nước. Nếu nhà thầu lắp ráp iPhone của Apple ở Trung Quốc bị ảnh hưởng từ xung đột thương mại thì Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi vì là trung tâm sản xuất lớn của Samsung Electronics (Hàn Quốc) với các sản phẩm điện thoại cạnh tranh hàng đầu với iPhone.

Alexander Feldman, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cho rằng các tập đoàn đa quốc gia có thể sẽ tìm cách phân bổ rủi ro bằng cách giảm sản xuất ở Trung Quốc và khi đó “Đông Nam Á sẽ là điểm đến hậu cần cho bước đi tái cân bằng này”.

Trong khi đó, Trung Quốc có thể tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ khu vực nếu quyết thực thi đe dọa trả đũa các sản phẩm của Mỹ. Việc áp thuế đối với mặt hàng đậu tương của Mỹ có thể khiến Trung Quốc tăng nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thay thế như dầu dừa, vốn là thế mạnh xuất khẩu lớn của Malaysia và Indonesia.

... cản trở đà tăng trưởng kinh tế

Theo chuyên gia kinh tế Hak Bin Chua thuộc Ngân hàng Maybank Kim Eng (Singapore), đây vẫn chỉ mới là giai đoạn đầu, cần có thêm thời gian để xem xét “chiến tranh thương mại” sẽ được bắt đầu như thế nào.

Ông cho rằng đơn cử như việc đánh thuế cao vào xe ô tô Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng của Nhật Bản và Đức, nhưng nếu đánh thuế thiết bị điện tử tiêu dùng Trung Quốc sẽ lại có tác động tiêu cực đối với Singapore và Malaysia do đây là hai nước ASEAN tham gia sâu nhất vào chuỗi cung ứng điện tử.

Trái ngược với Mỹ, cả khu vực đã và đang ủng hộ xu thế tự do thương mại. Australia và Trung Quốc ký Hiệp định tự do thương mại song phương hồi năm 2015. Theo Thủ tướng Malcolm Turnbull, xuất khẩu rượu vang của Australia sang Trung Quốc nhờ đó tăng 64%. Hồi đầu tháng Ba, Nhật Bản, Australia, Singapore, Malaysia, Việt Nam, New Zealand, Brunei và một số nước ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với nhiều điều khoản cắt giảm thuế.

Các nước châu Á từ lâu đã quen với lối hành xử của Trung Quốc mà ông Trump lên án gần đây, ví dụ như ép buộc các công ty chuyển giao công nghệ, coi đây là điều kiện để họ được đầu tư tại Trung Quốc. Đây là vấn đề đặc biệt quan ngại đối với các công ty Nhật Bản sở hữu công nghệ cao.

Các hãng chế tạo ô tô của Nhật Bản đang phải vật lộn trước các đối thủ Trung Quốc nhằm giành giật thị phần tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Những lo ngại về chính sách bảo hộ có thể dẫn tới vấn đề trả đũa lẫn nhau hay chiến tranh thương mại gây thiệt hại cho nhiều nền kinh tế và đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đã trở thành chủ đề nổi cộm trong hai ngày họp của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mới diễn ra tại thủ đô Buenos Aires (Argentina).

Tại diễn đàn G20 năm nay, các đại biểu tham dự một lần nữa thể hiện quyết tâm thúc đẩy hệ thống thương mại tự do toàn cầu dựa trên luật lệ quốc tế nhằm đối phó với những mối đe dọa của chiều hướng bảo hộ.

Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde khẳng định không có ai là người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại, trong khi nhiều ý kiến cho rằng biện pháp của Mỹ có thể sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm gây cản trở tới quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục