Cảnh báo thủ đoạn lừa tiền tỷ qua điện thoại và mạng Internet

20:07' - 14/10/2023
BNEWS Liên tiếp trong những ngày tháng 10, hai giáo viên tại huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã trình báo bị lừa hơn 320 triệu và 1,1 tỷ đồng.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là gọi điện thoại, xưng công an, yêu cầu người nghe phải làm theo. Cá biệt, có cô giáo tham gia trò chơi bình chọn trên mạng để bị lừa.

Nghe điện thoại, “bốc hơi” tiền tỷ

Theo đơn trình báo của thầy  L.V.L (50 tuổi) công tác tại Trường Trung học cơ sở ở thị trấn Đăk Hà, ngày 5/10,  một đối tượng sử dụng các số điện thoại di động 0822659 317, 0814212060, 0848652788, 0856862780, 0813496679 gọi điện thoại, tự xưng Nguyễn Văn Tài, trung úy công an tỉnh Kon Tum.

Sau khi đọc, hỏi xác minh số căn cước công dân của thầy L.V.L, đối tượng Tài nói có người đánh cắp thông tin số căn cước công dân trên để mở tài khoản ngân hàng, buôn bán ma túy bất hợp pháp tại Hà Nội. Tài còn khẳng định cơ quan điều tra đã thu giữ được rất nhiều heroin và tài khoản ngân hàng 20 tỷ đồng.

Tiếp đó, đối tượng Tài nối điện thoại với số của "Bộ Công an" và đề nghị thầy L.V.L khai báo với Bộ Công an. Sau đó, người "Bộ Công an"đề nghị thầy L.V.L sáng ngày 6/10 đến làm việc. Ngoài ra, chúng còn xác minh thông tin thân nhân như nghề nghiệp và tên tuổi của vợ, con, nơi làm việc, diện tích cà phê, thu nhập gia đình...

Cùng đó, các đối tượng lừa đảo nói hồ sơ vụ việc không giao cho cơ quan công an huyện, tỉnh Kon Tum vì một số cán bộ công an, ngân hàng đang trong phạm vi điều tra. Để "minh oan" thầy L.V.L, các đối tượng lừa đảo đề nghị thầy không cho người thứ 3 biết. Ngoài ra, chúng con nói sẽ giám sát, bảo vệ và đề nghị thầy L.V.L phải mở điện thoại; nói L.V.L mua một điện thoại, sim mới để làm việc riêng.

Để giúp giải oan, đối tượng lừa đảo nói với thầy L.V.L có 2 hướng để xử lý: phương án 1 để minh oan, thầy L.V.L phải nộp ít nhất là 1 tỷ đồng vào tài khoản và trả lại sau 3 ngày. Nếu tiền vay, tiền lãi “Bộ Công an” trả; phương án 2 nếu không có tiền (nộp 1 tỷ) để minh oan, thầy L.V.L sẽ bị bắt, báo Sở Giáo dục và Đào tạo đình chỉ công việc, niêm phong tài sản...

Đến sáng 6/10, theo sự hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo, thầy L.V.L mua điện thoại, sim mới. Sau đó, chúng nói thầy L.V.L viết bản tự khai, tường trình không có liên quan ma túy. Tiếp đến, chúng yêu cầu thầy L.V.L chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng thầy đang dùng và dặn không được đăng nhập vào số tài khoản ngân hàng trên trong 3 ngày. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn liên tục gọi điện yêu cầu thầy L.V.L vay thêm tiền để nạp vào tài khoản mình. Tổng số tiền thầy L.V.L nạp vào tải khoản của mình là 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng còn yêu cầu thầy L.V.L nộp thêm 200 triệu để thuê luật sư…. Sau khi vợ biết, đến tối khi kiểm tra tài khoản, số tiền trên đã mất hết.

Thầy Nguyễn Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở thị trấn Đăk Hà cho biết: Khi nghe tin, thầy L.V.L có báo mất 1,1 tỷ đồng, tôi có yêu cầu thầy L.V.L báo công an huyện, công an tỉnh. Gửi thêm bản tường trình để tôi nắm và báo với Đảng ủy, Ủy ban thị trấn để biết.

Mất tiền vì tham gia bình chọn trên mạng

Ngoài thầy L.V.L, trong tháng 10, một giáo viên ở Đăk Hà cũng bị lừa đảo hàng trăm triệu đồng trên mạng. Thầy Mai Xuân Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn thừa nhận: cô giáo H.T.T.S trong trường vừa tham gia bình chọn ca sỹ trên một đường liên kết (link). Để được bình chọn, người chơi phải đóng tiền ban đầu để có điểm bình chọn, sau có thưởng. Để là thành viên VIP, có lợi nhuận cao nên cô S phải đóng tiền nhiều, có điểm, lấy điểm bình chọn. Khi nắm được thông tin, nhà trường đã yêu cầu cô dừng chơi nhưng vẫn giữ liên lực, báo công an huyện Đăk Hà để tối cáo việc lừa đảo này.

Theo đơn trình báo của cô giáo H.T.T.S, ngày 9/10, cô tham gia đăng ký bình chọn ca sỹ trên Zing.mp3. Theo đó, cô S ban đầu nộp 300.000 đồng để đổi điểm bình chọn cho ca sỹ theo yêu cầu của công ty (có được trả tiền thưởng). Sau đó, số tiền bình chọn lớn dần lên đến 100 triệu. Sau khi nộp, cô S yêu cầu trả lại tiền thì đối tượng lừa đảo yêu cầu phải nộp hơn 220 triệu đồng thì mới trả lại số tiền mà cô S đã nộp. Sau khi trao đổi, một người của công ty có nói sẽ cho mượn 50 triệu và họ nộp số tiền trên vào tài khoản công ty, còn cô S phải nộp thêm hơn 170 triệu đồng.

Vì không có tiền, cô S phải vay ngoài để nộp 170 triệu đồng trên vào tài khoản với mong muốn lấy lại tiền đã nộp trước đó. Tuy nhiên, sau khi cô S nộp xong, các đối tượng lừa đảo nói nộp sai ID với tên đăng ký ban đầu nên cần nộp thêm hơn 275 triệu để được thanh toán lại 800 triệu đồng. Sau khi cô S không có tiền nộp, chúng liên tục thúc cô. Biết mình bị lừa nên cô S làm đơn trình báo cơ quan chức năng.

Theo đó, trong ngày 9/10 cô S đã nộp 7 lần tiền vào tài khoản, trong đó lần chuyển thấp nhất là 120.000 đồng, cao nhất là 170.050.000. Tổng số tiền cô S đã chuyển là gần 320 triệu đồng. Cô S được 5 lần nhận lại tiền thưởng, trong đó thấp nhất 50.000 đồng, cao nhất 2.355.000 đồng.

Theo cô Lê Thị Nhung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Hà cho biết vừa nghe tin thầy L.V.L bị lừa hơn 1 tỷ đồng qua mạng, nhà trường đã làm việc với thầy để nắm nội dung cụ thể. Tuy nhiên, nhà trường chưa báo với Phòng Giáo dục và Đào tạo. Hàng năm, ngành giáo dục đều ban hành các văn bản gửi từng trường để tuyên truyền, nhắc thầy, cô giáo, cả học sinh, lưu ý tham gia mạng xã hội qua app, việc nhẹ lượng cao, cuộc gọi lạ, nhân danh cơ quan pháp luật Nhà nước yêu cầu chuyển tiền; hay các cuộc điện thoại báo học sinh bị đau, ốm, yêu cầu gia đình chuyển tiền hay tham gia tính dụng xã hội đen. Phòng cũng yêu cầu các trường phổ biến, quán triệt và tuyên truyền trong các cuộc họp với phụ huynh, học sinh. Nếu có trường hợp nào xảy ra phải báo cáo ngay cơ quan chức năng.  “Dù đã được khuyến cao, thông tin từ cơ quan chức năng nhưng vẫn xảy ra tình trạng giáo viên tin và bị lừa đảo” cô Lê Thị Nhung thừa nhận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục