Cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận thị trường Hoa Kỳ

18:04' - 25/09/2017
BNEWS Thời gian gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh và Việt Nam là nước sử dụng ngày càng nhiều nguyên liệu bông từ Hoa Kỳ.
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thể đạt khoảng 30,5 tỷ USD trong năm 2017. Ảnh minh hoạ TTXVN

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2017 dự kiến đạt khoảng 30,5 tỷ USD, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 51% tổng kim ngạch.

Trong 8 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu dệt may đã có sự tăng trưởng tốt, kim ngạch xuất khẩu tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 19,8 tỷ USD. Hiện xuất khẩu dệt may sang Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngành, lên đến khoảng 51% thị phần xuất khẩu.

Tuy vậy, ngành kéo sợi Việt Nam cũng đang phải nhập khẩu bông từ Hoa Kỳ tới 60% tổng nhu cầu. Diện tích trồng bông ở Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng thu hẹp, chỉ đáp ứng 0,04% trong tổng nhu cầu của toàn ngành.

Trong khi đó, bông Mỹ được đánh giá có chất lượng tốt nhất cho ngành kéo sợi Việt Nam, do có ít tạp chất và được kiểm soát chặt về quy trình sản xuất.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận thị trường bông Hoa Kỳ, mới đây VITAS và Hiệp hội Bông Hoa Kỳ (CCI) đã phối hợp tổ chức sự kiện Ngày hội Cotton Day

Theo ông Giang, đây là cơ hội để ngành bông Mỹ đánh giá tiềm năng, tầm quan trọng của ngành kéo sợi Việt Nam. Từ đó, có các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ Mỹ có chính sách hỗ trợ cho ngành kéo sợi, dệt may Việt Nam.

Nhất là những kiến nghị về việc thành lập kho ngoại quan mặt hàng bông sợi tại Tp. Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Điều này sẽ góp phần tạo cơ hội thuận lợi cho các kéo sợi Việt Nam có thể tiếp cận sản phẩm bông Mỹ tốt hơn, có thời gian mua hàng ngắn hơn, đỡ áp lực về mặt tài chính...

Những cơ hội này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro, vướng mắc như trường hợp một số hợp đồng thương mại trong 2 năm gần đây.

Đánh giá về sự kiện Cotton Day 2017, Ông Giang cho rằng, Cotton Day 2017 là cầu nối giữa ngành công nghiệp dệt may Việt Nam và ngành bông Hoa Kỳ, vì lợi ích của cả 2 bên.

Đây là dịp để các nhãn hàng thời trang của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt chưa xuất khẩu vào Hoa Kỳ có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp, các nhà mua hàng Hoa Kỳ để tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Theo VITAS, lượng bông nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong 10 năm trở lại đây, từ 150.000 tấn trong năm 2005 lên khoảng 1,2 triệu tấn trong năm 2016; trong đó bông Hoa Kỳ luôn chiếm tỷ trọng lớn.

Trong 7 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 808.000 tấn bông, trị giá 1,47 tỷ USD, tăng 32,6% về lượng và gần 58% về giá trị so với cùng kỳ ngoái, thị phần bông Mỹ đạt 60%, đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển của bông Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hòa Kỳ, CCI đã trao giấy phép cho 12 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam được gắn nhãn hiệu COTTON USA™ lên sản phẩm của mình.

Đó là các đơn vị: Dệt may Hoà Thọ, Dệt kim Đông Xuân, Sợi Phú Cường, Sợi Phú Gia, Dệt nhuộm Việt Hồng, Sunrise Spring VN, Dệt may Thành Công, Dệt Vĩ Sơn …

Việc sử dụng nhãn treo nguyên liệu COTTON USA™ sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết sản phẩm đạt chất lượng, cũng như gặp nhiều thuận lợi hơn khi xuất khẩu sản phẩm dệt may vào Mỹ.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hòa Thọ cho biết, doanh nghiệp hiện có 3 nhà máy sản xuất sợi được đầu tư tại Đà Nẵng và Quảng Nam, với công suất mỗi năm khoảng 1.600 tấn sợi các loại.

Nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy này là bông và xơ sợi nhân tạo, trong đó, bông nhập khẩu từ Hoa Kỳ chiếm hơn 60%.

Ông Bình cho biết thêm, so với bông nhập từ Tây Phi hay Ấn Độ thì bông từ Hoa Kỳ ít tạp chất, nên chất lượng sản phẩm cao hơn.

Gần đây, bông của Hoa Kỳ có giá bán cạnh tranh hơn, nên đây là lựa chọn tốt cho nhà sản xuất, đáp ứng được các đơn hàng yêu cầu chất lượng cao.

Theo ông William Bettendorf, những năm gần đây, ngành Dệt may Việt Nam đã có những tăng trưởng đột phá, trở thành ngôi sao sáng trong ngành dệt may thế giới. Hiện Việt Nam là khách hàng lớn nhất của ngành bông sợi Mỹ.

Năm 2017 cũng là năm đầu tiên CCI tiến hành hỗ trợ các nhãn hàng thời trang Việt Nam sử dụng bông Mỹ để mang các sản phẩm có chất lượng đến người tiêu dùng.…/.

Xem thêm:

>>>Trung Quốc thực hiện lệnh trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên

>>>Doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ dệt may quốc tế Paris

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục