Cắt giảm chứng chỉ không phù hợp, giảm “gánh nặng”với công chức, viên chức

15:47' - 03/06/2021
BNEWS Mới đây, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

Trong đó, Bộ đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Đây là vấn đề dư luận rất quan tâm. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trao đổi làm rõ hơn về vấn đề này.

*Đề xuất giảm các chứng chỉ bồi dưỡng đối với tất cả các chuyên ngành

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, đội ngũ công chức, viên chức rất ủng hộ đề xuất của Bộ Nội vụ về việc giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Lý do nào Bộ lại mạnh dạn đưa ra đề xuất này?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Thời gian qua, báo chí phản ánh nhiều “tiếng kêu” của viên chức về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với đội ngũ giáo viên tại các cơ sở đào tạo công lập khi thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cần thiết phải đổi mới việc quản lý, sử dụng, đặc biệt là việc đổi mới nội dung và hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, rà soát toàn bộ quy định về chứng chỉ đối với đội ngũ công chức, viên chức.

Qua tổng hợp, đánh giá chung của các bộ, ngành và ý kiến của dư luận xã hội, Bộ Nội vụ nhận thấy có một số hạn chế, bất cập. Chẳng hạn, có sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Về việc này, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên theo hướng giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ và không tạo ra áp lực cho giáo viên.

Việc rà soát, đề xuất giảm các chứng chỉ bồi dưỡng được thực hiện đối với tất cả các chuyên ngành. Khối viên chức được đề xuất giảm nhiều hơn vì yêu cầu tính chất hoạt động nghề nghiệp giữa các hạng chức danh nghề nghiệp trong cùng chuyên ngành là tương đồng. Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Phóng viên: Các đề xuất của Bộ đã nhận được phản hồi như thế nào từ Người đứng đầu Chính phủ và các Thành viên Chính phủ, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ trong giáo dục, đào tạo là phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”; cán bộ, công chức phải làm việc thực chất, chống bệnh hình thức, tránh phô trương, không chủ quan, thỏa mãn. Vì vậy, Người đứng đầu Chính phủ rất quan tâm đến nội dung này và yêu cầu Bộ rà soát, mạnh dạn đưa ra đề xuất. Tuy nhiên, việc tổng hợp, rà soát tất cả các loại chứng chỉ đối với đội ngũ công chức, viên chức trong toàn hệ thống là khối lượng công việc lớn, đòi hỏi cẩn trọng và khách quan trong việc phân tích, đánh giá, nhận định để đưa ra đề xuất.

Thực tế vừa qua, một số bộ, ngành đã tiến hành rà soát, đề xuất giảm các chứng chỉ chuyên ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 18/2020, trong đó không quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến sửa đổi quy định về nội dung, hình thức thi và xét thăng hạng đối với đội ngũ biên tập viên, phóng viên...

Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung và hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Lưu trữ theo hướng cắt giảm nhiều chứng chỉ.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo thực sự sâu sát và quyết liệt của Người đứng đầu Chính phủ vì mục tiêu chung là xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và các đề xuất của Bộ Nội vụ đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, các bộ, ngành sẽ tích cực ủng hộ.

* Động chạm đến lợi ích

Phóng viên: Loại bỏ, cắt giảm chứng chỉ sẽ động chạm đến lợi ích của nhiều phía. Xin Bộ trưởng cho biết, trong quá trình rà soát để đưa ra đề xuất này, Bộ có gặp khó khăn, rào cản nào không?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Bộ Nội vụ không gặp khó khăn và rào cản nào khi đưa ra các đề xuất, thậm chí còn nhận được sự quan tâm, động viên của các đồng chí lãnh đạo, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ.

Còn về lợi ích, thẳng thắn mà nói là có ảnh hưởng đến nguồn thu của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp các loại văn bằng, chứng chỉ. Vì vậy, việc có người này, người kia tâm tư là chuyện khó tránh khỏi.

Nhưng đây là vấn đề tác động trực tiếp đến hàng triệu viên chức và liên quan đến phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức. Vì vậy, chúng ta phải quyết tâm cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp, để một mặt vừa giảm “gánh nặng” đối với công chức, viên chức; một mặt đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đi vào thực chất, khoa học hơn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cũng không quá phải lo lắng nếu các đơn vị này tự thay đổi, chuyển mình, hướng tới chất lượng, nhu cầu của người được đào tạo, bồi dưỡng. Hay nói cách khác, sẽ không có chuyện người học tự đến và bắt buộc phải học các loại chứng chỉ mà các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phải tự tìm hiểu xem các cơ quan, tổ chức đang cần những cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu như thế nào; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang cần kiến thức, kỹ năng gì để đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.

Theo tôi, các cơ sở đào tạo phải có hình thức cung cấp các dịch vụ, xây dựng chương trình bồi dưỡng thích hợp. Phải để việc học và cấp các chứng chỉ là nhu cầu tự thân của mỗi viên chức để đáp ứng các yêu cầu trong công việc của họ. Như vậy, mới phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với quy luật cung - cầu.

*Đột phá cải cách

Phóng viên: Loại bỏ, cắt giảm các chứng chỉ như đề xuất của Bộ Nội vụ không chỉ là một bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, mà còn là sự thay đổi quan trọng trong phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức. Bộ trưởng suy nghĩ thế nào về nhận định này?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Từ khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, tôi luôn ý thức kế thừa và phát huy những thành quả của các thế hệ tiền nhiệm. Những gì các Bộ trưởng tiền nhiệm đã làm tốt sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy, những gì đang làm dang dở sẽ tiếp tục thực hiện, những công việc mới phát sinh sẽ nỗ lực hoàn thành.

Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục về văn bằng, chứng chỉ là nhiệm vụ chung của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Chính phủ về cải cách hành chính và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp đột phá về cơ chế, phương thức quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Những việc này nhằm một mục đích chung là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phóng viên: Nếu đề xuất của Bộ được chấp thuận, các bước tiếp theo sẽ triển khai như thế nào? Việc sắp xếp lại bộ máy, cũng như đội ngũ liên quan đến các trường, trung tâm đào tạo những chứng chỉ này thực hiện ra ra sao?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, các bộ quản lý ngạch công chức, viên chức chuyên ngành cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định về tiêu chuẩn và nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với công chức, viên chức chuyên ngành được giao quản lý để tránh trùng lắp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất.

Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm căn cứ pháp lý, thống nhất trong triển khai thực hiện chủ trương lớn này của Chính phủ.

Chủ trương chung của Đảng, Nhà nước trong đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức là bảo đảm giữa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng không trùng lắp về nội dung và phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Phải khẳng định là việc cắt giảm một số loại chứng chỉ không đồng nghĩa với việc giảm yêu cầu về nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ mà đặt ra yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức phải thực chất hơn, phục vụ trực tiếp công việc, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm. Việc này cũng không có nghĩa là không thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức nữa.

Vì vậy, vấn đề ở đây là các đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của các Bộ, ngành cần kịp thời đổi mới về phương thức tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục