CFIUS “đào” lại thương vụ cách đây 2 năm của Tiktok

10:18' - 02/11/2019
BNEWS Các nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi Chính phủ tiến hành điều tra TikTok với những quan ngại về vấn đề lưu trữ dữ liệu cá nhân người dùng và kiểm duyệt nội dung nhạy cảm về chính trị.
Các nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi Chính phủ tiến hành điều tra TikTok. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo các nguồn thạo tin, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã mở cuộc điều tra liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia đối với thương vụ mua lại nền tảng xã hội Musical.ly trị giá 1 tỷ USD của ByteDance - công ty sở hữu ứng dụng chia sẻ video TikTok của Trung Quốc.

Dù thương vụ trên đã được hoàn tất cách đây 2 năm, song các nghị sĩ Mỹ trong những tuần qua đã kêu gọi Chính phủ tiến hành điều tra TikTok với những quan ngại về vấn đề lưu trữ dữ liệu cá nhân người dùng và kiểm duyệt nội dung nhạy cảm về chính trị của ứng dụng này.

Những nguồn tin giấu tên cho hay CFIUS - ủy ban chịu trách nhiệm đánh giá các thương vụ tại Mỹ liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài - đã bắt đầu xem xét thỏa thuận mua lại Musical.ly với lý do TikTok đã không có giấy phép từ ủy ban này khi thương vụ diễn ra. Tuy nhiên, nội dung điều tra không được tiết lộ cụ thể.

Những thông tin trên được đưa ra sau khi hồi tuần trước, Nghị sĩ đứng đầu phe thiểu số Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer và Thượng nghị sĩ Tom Cotton đã yêu cầu ông Joseph Macguire, Quyền Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ, mở một cuộc điều tra đối với Tiktok do những lo ngại về an ninh quốc gia.

Các nghị sĩ này cho biết họ lo ngại về vấn đề thu thập dữ liệu người dùng của nền tảng chia sẻ video trên, đồng thời đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc có kiểm duyệt nội dung mà người dùng ở Mỹ nhìn thấy hay không.

Hiện TikTok chưa đưa ra câu trả lời chính thức về những thông tin này. Trước đây, công ty đã nói rằng dữ liệu người dùng của Mỹ được lưu trữ tại Mỹ, nhưng các thượng nghị sĩ lưu ý rằng ByteDance bị chi phối bởi luật pháp Trung Quốc. TikTok sau đó khẳng định Chính phủ Trung Quốc không có quyền tài phán đối với nội dung nằm ngoài nước này được đăng lên ứng dụng, và Tiktok cũng không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ chính phủ nước ngoài nào.

Bất chấp tình hình căng thẳng  giữa Bắc Kinh và Washington,  ứng dụng chia sẻ video TikTok ngày càng phổ biến trong giới trẻ tại Mỹ. Theo số liệu do TikTok công bố, khoảng 60% trong số 26,5 triệu người sử dụng thường xuyên ứng dụng này mỗi tháng là ở Mỹ, hầu hết đều trong độ tuổi từ 16 đến 24.

ByteDance – chủ sở hữu của Tiktok - là một trong những công ty khởi nghiệp (startup) phát triển nhanh nhất của Trung Quốc. Họ sở hữu cả công cụ tổng hợp tin tức hàng đầu của nước này là Jinri Toutiao.

Trong số những công ty “chống lưng” cho ByteDance, có những cái tên đáng chú ý như “người khổng lồ” ngành công nghệ Nhật Bản SoftBank, công ty liên doanh Sequoia Capital và các công ty đầu tư tư nhân lớn như KKR, General Atlantic và Hillhouse Capital Group.

Tính đến tháng 7/2019, ByteDance cho biết các ứng dụng của họ có 1,5 tỷ người dùng hàng tháng và 700 triệu người dùng hàng ngày trên toàn cầu. Startup bảy năm tuổi này đã công bố doanh thu tốt hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2019 với hơn 7 tỷ USD và được định giá 78 tỷ USD vào cuối năm ngoái.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục