Chanel hạn chế hành vi “găm” hàng xa xỉ để bán lại tại Hàn Quốc

08:11' - 20/03/2022
BNEWS Trước sự bùng nổ của ngành hàng xa xỉ tại Hàn Quốc, Chanel đã hạn chế gần 1/3 lượng khách hàng nhằm ngăn chặn hành vi mua hàng số lượng lớn để bán lại với mức giá từ 20% trở lên so với giá niêm yết.

Công ty thời trang cao cấp của Pháp này cho biết kể từ khi hãng bắt đầu áp dụng chính sách rà soát nhằm phát hiện những khách hàng mua hàng số lượng lớn để bán lại, lượng khách hàng đến các cửa hàng của Chanel đã giảm 30%.

 

Công ty này cho biết: “Chúng tôi có thể xác định những người mua hàng số lượng lớn sau khi phân tích hành vi mua sắm của họ”.

Cùng với biện pháp trên, Chanel còn áp dụng một “hệ thống quản lý khách hàng”, theo đó khách hàng được yêu cầu cung cấp số liên lạc và lý do đến cửa hàng để được thông báo bằng tin nhắn thời gian mà họ có thể vào cửa hàng.

Hồi tháng Một, trên KREAM, một nền tảng thương mại điện tử thuộc “gã khổng lồ” công nghệ Naver Corp, một chiếc túi cỡ trung cổ điển của Chanel được bán lại với giá 13,5 triệu won (11.031 USD) – cao hơn 20% so với giá bán lẻ tiêu chuẩn, cho thấy nhu cầu đối với các mặt hàng xa xỉ trên thị trường mua đi bán lại đang rất “nóng”.

KREAM cho biết khối lượng giao dịch hàng tháng trên nền tảng này đã vượt mức 100 tỷ won trong tháng 12, và thị trường bán lại của Hàn Quốc có trị giá hơn 1.000 tỷ won, tức gần 820 triệu USD.

Chiến lược nói trên của Chanel, được áp dụng từ tháng Bảy năm ngoái, được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu hãng xa xỉ trên toàn cầu đang gia tăng sau thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19. Hàn Quốc là thị trường hàng xa xỉ lớn thứ bảy thế giới, theo Euromonitor.

Công ty nghiên cứu này còn ước tính nước này là một trong hai nước duy nhất (bên cạnh Trung Quốc) trong top bảy thị trường lớn nhất xét về doanh thu, ghi nhận doanh số gia tăng trong năm ngoái so với năm 2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục