Châu Á-Thái Bình Dương đóng góp hơn 40% vào GDP toàn cầu

19:20' - 10/09/2018
BNEWS Tỷ lệ đóng góp của khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tiếp tục tăng, lên tới 42,6% năm 2017, tăng từ mức 30,1% năm 2000.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố ngày 10/9, lực lượng lao động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang dần chuyển hướng từ làm nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, trong khi các nền kinh tế trong khu vực tiếp tục tham gia sâu rộng vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhà kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada cho biết những số liệu thống kê rõ ràng cho thấy khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục đạt tiến bộ vững chắc trong việc giảm nghèo cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng, và tăng cường tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Trong thời gian từ năm 2002 đến 2013, khoảng 780 triệu người tại khu vực này đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Ngoài ra, báo cáo cũng nêu rõ khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có những hành động hướng đến bình đẳng giới trong một số lĩnh vực quan trọng, bao gồm giáo dục và việc làm, cùng với việc cải thiện sức khỏe phụ nữ.

Trong khi đó, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao dẫn Chỉ số phát triển con người (HDI), đánh giá chất lượng cuộc sống tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục được cải thiện.

Theo ông Nakao, các nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương đã trở lại tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ trong năm 2017 và khu vực này hiện đang đóng góp hơn 1/3 xuất khẩu toàn cầu.

Thống kê chuỗi giá trị toàn cầu cho thấy các nền kinh tế trong khu vực đang tiếp tục tăng trưởng, phát triển và đa dạng hóa sự tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Nakao nhận định khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Đề cập đến Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), ông Nakao nhấn mạnh nghèo đói và các vấn đề liên quan trong khu vực này cần phải được coi là ưu tiên.

Cụ thể, cần tăng cường cơ hội tiếp cận cũng như chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế; mở rộng việc tiếp cận các nguồn năng lượng sạch với giá thành hợp lý, cũng như các công trình nước sạch và nhà vệ sinh an toàn; đảm bảo các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.

Bên cạnh đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng cần đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và duy trì đà tăng trưởng cần thiết để đạt được SDG./.

>>>WEF ASEAN 2018: Quảng bá Việt Nam hội nhập, đổi mới sáng tạo ​

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục