Chủ nghĩa tự do mới trong Liên minh Thái Bình Dương

05:30' - 11/08/2018
BNEWS Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ Latinh và Caribe (Celag), Liên minh Thái Bình Dương sau 7 năm thành lập đã trở thành "mũi giáp công" của chủ nghĩa tự do mới tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe.
Chủ nghĩa tự do mới trong Liên minh Thái Bình Dương. Ảnh minh họa: EPA/TTXVN
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Thái Bình Dương lần thứ XIII mới đây đã diễn ra tại Puerta Vallarta (Mexico) với sự tham dự của nguyên thủ 4 nước thành viên chính thức: Sebastián Pinera (Chile), Martín Vizcarra (Peru), Juan Manuel Santos (Colombia) và Enrique Pena Nieto (Mexico).

Sau thất bại của dự án Khu vực Tự do Thương mại châu Mỹ (ALCA) do Mỹ khởi xướng, trong khu vực đã tự hình thành một khối liên kết về thương mại để thúc đẩy các không gian kinh tế, thương mại và tất nhiên là cả chính trị và địa chính trị với những cơ chế hội nhập và phối hợp chính sách, dựa trên nền tảng là dòng chảy của chủ nghĩa khu vực hậu tự do mới.

Liên minh Thái Bình Dương đề cao “cương lĩnh tư tưởng” với 4 yếu tố cơ bản của chủ nghĩa tự do mới, đồng thời cũng là một số trong những luận điểm chính của kinh tế học chính thống: Thứ nhất là cải thiện tính cạnh tranh bằng việc hạ giá thành, trong đó có giá thành lao động, nói cách khác là tiền lương; Thứ hai là thu nhỏ quy mô lĩnh vực kinh tế nhà nước, tạo điều kiện cho việc mở rộng thị trường và tạo các cơ hội mới cho lĩnh vực tư nhân; Thứ ba là đề cao tự do hóa thương mại; Thứ tư là tự do hóa tài chính.

Liên minh Thái Bình Dương bắt đầu hành trình với 4 trụ cột này trong bối cảnh khu vực khi đó xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng ngày nay, tương quan lực lượng tại khu vực đã thay đổi và một vài nước đã lại xích lại gần các quan điểm kinh tế vĩ mô của liên minh. 

Ngoài ra, các dự định của Liên minh Thái Bình Dương đã vượt ra ngoài khu vực Mỹ Latinh, với đề nghị mới đây hợp tác từ các quốc gia như Canada, Australia, New Zealand và Singapore; trong khi Hàn Quốc và Ecuador đã chính thức tham gia các cuộc đàm phán về quan hệ đối tác.

Một chuyển động địa chính trị khác được quan sát trong những ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh vừa qua là sự hình thành của một “liên minh chiến lược” giữa 2 khối kinh tế và thương mại lớn của khu vực là Liên minh Thái Bình Dương và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). 

Từng có thời tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau với 2 mô hình kinh tế khác biệt, giờ đây, sau một loạt biến cố như cuộc đảo chính nghị viện tại Brazil, chính trị gia hữu khuynh Macri đắc cử tại Argentina và Mercosur đình chỉ tư cách thành viên của Venezuela, không phê chuẩn Bolivia làm thành thành viên đầy đủ, rõ ràng Mercosur đang đứng trước bối cảnh và yêu cầu đòi hỏi phải đi theo những tiêu chí kinh tế tương tự như Liên minh Thái Bình Dương.

Theo thống kê, Mercosur và Liên minh Thái Bình Dương chiếm tới 85% GDP, 79% dân số, 86% giá trị xuất khẩu và 88% đầu tư nước ngoài trực tiếp của khu vực, vì vậy một mối liên kết giữa hai khối để cùng theo đuổi một mô hình kinh tế rõ ràng có khả năng đem lại những lợi ích to lớn về địa chính trị.

Một trong những xung đột thương mại quốc tế có thể ảnh hưởng tới Liên minh Thái Bình Dương là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Mexico. Nhiều lãnh đạo tham dự hội nghị đã lên án chính sách có phần bảo hộ của Mỹ. 

Tuy nhiên, dù Tổng thống Trump có không ngừng đưa ra các tuyên bố chống lại tự do thương mại thì thực tế là các thỏa thuận song phương vẫn tồn tại và vẫn có khả năng Mỹ quan trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Từ góc độ này, Liên minh Thái Bình Dương vẫn có cơ hội xúc tiến hợp tác và mở cửa với các nước châu Á-Thái Bình Dương như New Zeland, Australia, Canada và Singapore. Cùng với xu hướng này, nguyên thủ các nước thành viên đã nhất trí đưa Liên minh Thái Bình Dương thành “khối quan sát viên” tại Diễn đàn Hợp tác châu Á–Thái Bình Dương (APEC).

Bất chấp những chỉ trích của Tổng thống Trump đối với tự do thương mại, tầm quan trọng về địa chính trị và địa kinh tế của khu vực Mỹ Latinh đối với Mỹ - đặc biệt là ở các nguồn tài nguyên chiến lược như năng lượng, khai mỏ và nguồn nước - được giới quan sát cho là nguyên nhân khiến Washington phải tiếp tục tìm kiếm các thỏa thuận thương mại, quân sự và chính trị tại khu vực này. 

Có thể nói, quan hệ giữa Mỹ và Liên minh Thái Bình Dương, dù là trực tiếp, hay gián tiếp thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với từng nước thành viên của liên minh chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng.

Cuối cùng, điều đáng chú ý tại hội nghị thượng đỉnh lần này là lần đầu tiên kể từ khi liên minh thành lập, một trong các nước thành viên chuẩn bị có một chính phủ mới không theo tư tưởng tự do. Chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mexico vừa qua của Andrés Manuel López Obrador (AMLO) sẽ dẫn tới những điều chỉnh về lập trường tư tưởng vốn được thống nhất từ trước tới nay trong Liên minh Thái Bình Dương.

Trong thời gian tới, mối quan tâm hàng đầu của liên minh vẫn là thương mại song một trong những vấn đề mà họ cần giải quyết là quan hệ với Venezuela, khi 4 nước thành viên của liên minh cũng có mặt trong “Nhóm Lima”, nhóm được thành lập vào tháng 8/2017 khi Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) không đạt được nghị quyết về Venezuela do vấp phải sự phản đối của các nước vùng Caribe. 

Nhóm Lima gồm Argentina, Brazil, Canada, Chile, Colimbia, Peru và một số quốc gia khác được Mỹ hậu thuẫn. Vấn đề này càng quan trọng hơn trong bối cảnh ông AMLO đã tuyên bố sẽ quay trở lại với quan điểm trung lập truyền thống của Mexico là tôn trọng tuyệt đối “quyền tự quyết tự do của các dân tộc”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục