Châu Âu đón mùa Xuân trong rối ren khủng hoảng

13:36' - 13/02/2016
BNEWS 2015 là một năm đầy biến động với châu Âu, nhưng cũng báo hiệu những niềm hy vọng.
Châu Âu đón mùa Xuân trong rối ren khủng hoảng. Ảnh: THX-TTXVN

Dòng người nhập cư đổ vào, các cuộc tấn công khủng bố và hội nghị về biến đổi khí hậu là những sự kiện và những vấn đề lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cơ cấu kinh tế và chính trị của châu Âu trong năm 2015, viết nên một trang bất bình thường trong lịch sử châu lục này.

Trong năm nay, châu Âu trải qua một cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, với số người nhập cư theo ước tính là trên 1 triệu người.

Việc thiếu những biện pháp kiểm soát mang tính tập thể và phù hợp ở quy mô Liên minh châu Âu (EU) đã khiến cuộc khủng hoảng leo thang, đặt sự ổn định và trật tự kinh tế, văn hoá, xã hội cũng như tiến trình hội nhập của khu vực trước rủi ro.

Hình ảnh gây sốc về cậu bé Alan ba tuổi chết đuối dạt vào bờ biển châu Âu đã làm thức tỉnh lương tâm của người châu Âu.

Kế hoạch tái phân bổ 160.000 người tị nạn đã được các nhà lãnh đạo 28 nước thành viên EU nhất trí sau các cuộc thương lượng khó khăn.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã không đạt được trong quá trình thực hiện, khi cho đến nay số người được tái phân bổ chỉ đến con số hàng trăm.

Trong khi đó, một châu Âu vốn bình yên đã bị rung chuyển bởi các cuộc tấn công khủng bố trong năm qua. Hồi tháng Một, những kẻ khủng bố đã gây ra một vụ tấn công kinh hoàng vào trụ sở của tờ tạp chí Charlie Hebdo tại Paris, còn vào tháng 11, cũng tại Paris, nhà hát Bataclan, sân vận động quốc gia Stade de France và một nhà hàng bị tắm trong máu của 130 bị sát hại bởi những kẻ khủng bố.

Những kẻ khủng bố đang lợi dụng chính sách tị nạn của EU và Hiệp ước Schengen, gây ra những mối đe dọa lớn với toàn bộ “Lục địa già”.

Tình trạng mất ổn định xã hội đi đôi với chủ nghĩa chia rẽ. Điều này được bắt đầu với những thất bại liên tiếp của các cuộc đàm phán cứu trợ Hy Lạp.

Những nhóm chính trị cực tả ở nước này đã đe doạ ra khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), trong khi cử tri Hy Lạp từ chối gói cứu trợ mới từ các nhà tài trợ quốc tế.

Mặc dù căng thẳng đã được làm dịu đi vào tháng Bảy, khi Chính phủ Hy Lạp chấp nhận gói khắc khổ thậm chí còn hà khắc hơn, nhưng vẫn khiến cộng đồng châu Âu bị chia rẽ về mặt tâm lý xã hội.

Một vấn đề nổi cộm khác là rủi ro tan vỡ của Hiệp ước Schengen vốn đóng vai trò là trụ cột cho một thị trường chung châu Âu và cho phép người dân đi lại tự do.

Những kẻ khủng bố đang lợi dụng chính sách tị nạn của EU và Hiệp ước Schengen. Ảnh: politico

Trong khi một số nước EU bắt đầu xây dựng các bức tường ở biên giới để ngăn chặn người tị nạn, các biện pháp kiểm soát biên giới giữa các nước thành viên cũng được khôi phục do mối đe doạ khủng bố vẫn còn đó.

Nếu châu Âu không thông qua được các biện pháp hữu hiệu, sáng kiến lớn trong lịch sử châu Âu này có thể chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.

Về kinh tế, châu Âu vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của cuộc khủng hoảng nợ, với tăng trưởng yếu và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức khoảng 10%.

Ở Hy Lạp và Tây Ban Nha, một nửa bộ phận dân số là thanh niên thất nghiệp, tỷ lệ lạm phát vẫn quanh quẩn mức 0%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2%, các biện pháp kích thích được Ngân hàng Trung ương châu Âu khởi động vào tháng 12 bị chỉ trích bởi nhiều người là gây thất vọng, các vấn đề với người nhập cư và tị nạn leo thang và sự an toàn ở nơi công cộng bị đe dọa.

Tất cả những điều đó làm tích tụ sự thất vọng và giận dữ của dân chúng và mang đến cơ hội cho các nhóm chính trị cực hữu tăng quyền lực.

Các đảng cực hữu đã bắt đầu trở lại chính trường châu Âu. Ở Pháp, đảng Mặt trận Quốc gia chống nhập cư và chống Schengen đang gia tăng ảnh hưởng. Điều tương tự có thể diễn ra tại Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Hungary và Italy.

Trong bối cảnh đó, năm 2016 được cho sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với châu Âu: khủng hoảng người tị nạn sẽ tiếp tục lan rộng, cuộc chiến chống khủng bố sẽ vẫn cam go, những tiếng nói hoài nghi đồng euro có thể gia tăng. Châu Âu sẽ đi về đâu là câu hỏi đáng để suy ngẫm.

Đó là một mùa Đông ấm áp bất thường ở thủ đô của châu Âu, Brussels. Châu Âu, đang trải qua một mùa Đông khắc nghiệt, cũng đã đón nhận những hy vọng cho một mùa Xuân hứa hẹn.

Vào ngày 12/12, khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đạt được thoả thuận lịch sử tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, một cột mốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chắc chắn, là một dấu ấn của năm.

Thoả thuận lịch sử tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Ảnh: wikipedia

Mặc dù các biện pháp kích thích chỉ có hiệu quả hạn chế, kinh tế châu Âu nhìn chung đang trong quá trình hồi phục chậm, với tốc độ tăng trưởng ước tính 1,8% trong năm 2016.

Gói đầu tư trị giá 300 tỷ euro của Uỷ ban châu Âu sẽ bước vào một năm then chốt trong quá trình thực thi, với hy vọng sẽ thu hút đầu tư và tạo việc làm, dòng người tị nạn ồ ạt kéo vào, trong khi dẫn đến các khoản chi ngân sách bổ sung, cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu và là nguồn bổ sung dài hạn cho thị trưòng lao động của châu Âu.

Một giải pháp căn bản cho cuộc khủng hoảng người tị nạn sẽ thúc đẩy hoà bình và phát triển.

Hồi tháng 12, các phe phái ở Libya đã ký một thoả thuận chính trị, một động thái được xem là bước tiến lớn trong đối thoại hoà bình và một cuộc hoà đàm chính thức dự kiến diễn ra vào tháng Một.

Trong khi đó, EU đang tăng cường sự hỗ trợ sự phát triển của các khu vực ở châu Phi và đã ký một thoả thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn.

EU cũng đang đẩy nhanh tiến trình hội nhập khu vực, cải thiện thị trường chung và tạo luồng sinh khí cho nền kinh tế trong năm 2016.

Cuộc trưng cầu dân ý của Anh về việc nước này có tiếp tục là thành viên EU có thể được xúc tiến trong năm 2016, thúc đẩy việc cải cách khối này hơn nữa để giải quyết những mối lo ngại của các nước thành viên.

Tuy nhiên, trước nhiều thách thức vây quanh, châu Âu vẫn cần những chiến lược toàn diện và những giải pháp hữu hiệu để tìm lại một mùa Xuân bình yên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục