Chính sách lãi suất âm sắp đi đến hồi kết

06:30' - 14/03/2024
BNEWS Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) được cho sẽ là ngân hàng trung ương cuối cùng dừng áp dụng lãi suất âm trên toàn cầu, báo hiệu kỷ nguyên chính sách tiền tệ bất thường sắp đến hồi kết.
Các nhà kinh tế và giao dịch chứng khoán cho rằng Thống đốc BoJ Kazuo Ueda sẽ tăng lãi suất ngắn hạn vào tuần tới hoặc trong tháng 4/2024, lần tăng lãi suất đầu tiên của Nhật Bản kể từ năm 2007.

Sau nhiều thập kỷ thử nghiệm, BoJ đã tích lũy một lượng lớn trái phiếu và cổ phiếu, quy mô bảng cân đối kế toán đã phình lên mức 127% GDP hàng năm. Mặc dù tất cả những chính sách nới lỏng định lượng và lãi suất âm này đã làm suy yếu đồng yen và ngăn chặn giảm phát sâu hơn, nhưng chỉ đến khi đại dịch COVID-19 và xung đột địa chính trị gây nên những cú sốc nguồn cung thì tỷ lệ lạm phát mới tăng lên và duy trì ở mức trên 2%.  

Lãi suất âm là một loại chính sách cấp tiến, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một số ngân hàng trung ương ở châu Âu năm 2010 đã áp dụng biện pháp này để ứng phó với việc vật giá lao dốc. Đối với toàn cầu, động thái theo dự báo của BoJ sẽ đồng nghĩa với sự kết thúc của kỷ nguyên lãi suất âm. 

Ngay cả khi nhiều người ở châu Âu đặt câu hỏi hoài nghi liệu lãi suất âm có gây áp lực cho các ngân hàng và thị trường thu nhập cố định hay không, các nhà kinh tế cũng có quan điểm bất đồng về chính sách lãi suất âm của Nhật Bản.

Cựu Giám đốc điều hành BoJ phụ trách chính sách tiền tệ, Kazuo Momma, nói rằng lãi suất âm không gây lạm phát. Lạm phát của Nhật Bản chịu áp lực giá cả từ nước ngoài thúc đẩy.

Bắt đầu từ Đan Mạch, động cơ thực hiện lãi suất âm của Thụy Sỹ, Thụy Điển và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) khác nhau, từ việc ngăn chặn dòng tiền lớn đổ vào đồng franc Thụy Sỹ cho đến việc kích thích tăng giá sau cuộc khủng hoảng nợ công của các ngân hàng trung ương châu Âu.  

Sau hơn một thập kỷ giảm phát, BoJ bắt đầu thực hiện chính sách lãi suất âm vào năm 2016, dù trước đó Thống đốc BoJ lúc đó là ông Haruhiko Kuroda vẫn công khai phủ nhận việc cân nhắc động thái này.

Giáo sư danh dự kinh tế của Đại học Tokyo, Hiroshi Yoshikawa, nhấn mạnh việc áp dụng lãi suất âm có sức ảnh hưởng rất lớn, khi cho thấy tình hình nền kinh tế Nhật Bản tồi tệ như thế nào.

Thời điểm đó, ông Haruhiko Kuroda tuyên bố có thể sẽ giảm lãi suất hơn nữa nếu cần. Tuy nhiên, dưới sự phản đối kịch liệt của công chúng, các ngân hàng cũng như quỹ hưu trí và công ty quản lý bảo hiểm bị siết chặt lợi nhuận, lãi suất không thể giảm sâu hơn.

Sau 6 tháng khởi đầu không thuận lợi, BoJ đưa ra một bản đánh giá chính sách với mong muốn nỗ lực tìm cách kiểm soát lợi tức trái phiếu trong khi vẫn duy trì lãi suất âm.  

Cuộc thử nghiệm lãi suất âm của toàn cầu vẫn tiếp tục. Theo chỉ số tổng hợp toàn cầu của Bloomberg, giá trị thị trường của trái phiếu lợi suất âm cuối cùng đã đạt đỉnh vào cuối năm 2020 với 18.400 tỷ USD. Sau đó, lạm phát bắt đầu tăng, ECB dừng chính sách lãi suất âm, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ cũng hành động vào tháng 9/2022. Do đó, BoJ trở thành ngân hàng trung ương cuối cùng thực hiện chính sách này.  

ECB tuyên bố lãi suất âm là một chính sách thành công khi hỗ trợ hoạt động cho vay của các ngân hàng, cải thiện việc truyền tải các xung lực chính sách đến hệ thống tài chính, kích thích nền kinh tế và làm tăng lạm phát.  

Ở Thụy Sỹ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thomas Jordan cho biết, chính sách lãi suất âm đã chứng minh tính hiệu quả và nếu cần thiết sẽ thực hiện trở lại.

Ngược lại, Ngân hàng Trung Thụy Điển dừng chính sách này vào cuối năm 2019, do những tác động đến hệ thống tài chính của nước này được cho khá lớn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục