Chủ động ứng phó triều cường, xâm nhập mặn trong và sau Tết Nguyên đán

15:22' - 13/02/2024
BNEWS Trước dự báo diễn biến thời tiết, thủy văn bất lợi, ngay từ đầu mùa khô 2023 – 2024, Tiền Giang triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phòng chống hạn mặn.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Thông cho biết, những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trùng với kỳ triều cường đầu tháng Giêng âm lịch cho nên nước triều dâng cao kèm mặn lấn sâu vào phía thượng lưu sông Tiền.

Theo đó, mực nước triều cường tại các trạm vùng hạ lưu sông Tiền đã đạt đỉnh trong ngày hôm qua 12/2, đang giảm chậm và còn ở mức cao. Mực nước cao nhất trong 2 ngày tới còn ở mức trên báo động 3 từ 5-15 cm, sau đó giảm nhanh theo triều.

 

Cùng với triều cường, trong ngày 13/2, độ mặn 0,52 g/l đã xuất hiện tại cầu Trường Chính trị, xã Trung An, thành phố Mỹ Tho, cách cửa sông Tiền 49 km, tăng 0,12 g/l so với ngày hôm trước và cao hơn 0,52 g/l so với cùng kỳ năm 2023. Do vậy, Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang khuyến cáo các địa phương và người dân cần đề phòng ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp ven biển, ven sông, kênh rạch,… ảnh hưởng đến sinh hoạt, cây trồng, hoa màu và nuôi trồng thủy sản ở các bãi, bè cá gần sông.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh cho biết, để chủ động ứng phó triều cường và xâm nhập mặn, các cống trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công đã đóng ngăn mặn, chỉ còn cống Xuân Hòa vận hành lấy ngọt bổ cấp vào trữ trong nội đồng khi có điều kiện. Mực nước trên các kênh trục vùng dự án ngọt hóa Gò Công dao động từ +0,46 m đến +0,47 m, đảm bảo phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là sản xuất vụ lúa Đông Xuân ăn chắc.

Tại vùng kiểm soát lũ phía Tây, các cống ngăn mặn tại đầu tuyến kênh rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 : Cầu Cống, Rạch Gầm, Phú Phong, Hai Tân, Mù U, Cái Sơn vận hành đóng ngăn mặn, bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản các huyện Châu Thành, Cai Lậy...

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, theo dự báo, mùa khô 2024, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng ít có mưa trái mùa. Tổng lượng dòng chảy về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%. Mực nước trên dòng chính sông Mekong xuống dần ở mức thấp.

Cũng theo ông Thịnh, trong các tháng đầu mùa khô 2024, mực nước đầu nguồn sông Tiền chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Do vậy, dự báo biên mặn 1,0 g/l sẽ lấn sâu vào thượng lưu sông Tiền từ 52 đến 56 km, xuất hiện vào tuần cuối tháng 3/2024. Trên sông Hàm Luông, dự báo độ mặn cao nhất ở khu vực phía Nam Cù lao Ngũ Hiệp ở mức 0,5 -1,5 g/l xuất hiện vào tuần cuối tháng 3/2024.

Trước dự báo diễn biến thời tiết, thủy văn bất lợi, ngay từ đầu mùa khô 2023 – 2024, Tiền Giang triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phòng chống hạn mặn, bảo vệ các vùng sản xuất trọng điểm của địa phương, giảm nhẹ thiên tai.

Đối với vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các ngành hữu quan tích cực quan trắc, theo dõi tình trạng xâm nhập mặn trên cửa sông Tiền, sông Vàm Cỏ để có biện pháp ứng phó; nhất là ngay sau khi cống Vàm Giồng đóng ngăn mặn thì phải khai thác tối đa khả năng lấy nước từ các cống đầu mối phía thượng lưu: Xuân Hòa, Rạch Chợ phục vụ sản xuất Đông Xuân và tích trữ nước trong nội đồng nhằm sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô với giới hạn lấy nước khi độ mặn còn dưới 1,0g/lít.

Các địa phương trong vùng dự án tiếp tục thực hiện Đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng theo khuyến cáo, đảm bảo vụ Đông Xuân ăn chắc, không để thiệt hại do thiên tai. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước; giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước, hạn chế tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô hạn 2023 – 2024.

Trong giai đoạn 2016 – 2023, Tiền Giang đầu tư trên 533 tỷ đồng kiện toàn mạng lưới thủy lợi bảo đảm nguồn nước phòng chống hạn mặn cho gần 39.000 ha đất canh tác vùng ngọt hóa Gò Công. Ngoài ra, trong mùa khô 2023 – 2024 các huyện, thị phía Đông tỉnh còn khẩn trương triển khai thi công 70 tuyến kênh rạch nội đồng có tổng chiều dài trên 143.000 m, khối lượng đất đào đắp gần 4,2 triệu m3 đất với kinh phí vào khoảng 23 tỷ đồng nhằm chủ động đưa nước tưới tiêu đến từng chân ruộng.

Đối với vùng kiểm soát lũ phía Tây, Tiền Giang đã đầu tư trên 846 tỷ đồng xây dựng 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 kết hợp hoàn thiện tuyến đê dọc sông Tiền đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản: sầu riêng, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim… nằm phía Nam Quốc lộ 1 tiếp giáp sông Tiền thuộc hai huyện Châu Thành và Cai Lậy.

Đồng thời, theo kế hoạch, đến tháng 7/2024, công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành có tổng mức đầu tư hơn 580 tỷ đồng sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành và khai thác nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ cho gần 100.000 ha sản xuất nông nghiệp và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu người dân của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

Riêng trong trường hợp diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn phức tạp, tỉnh sẽ triển khai phương án dự phòng là đắp 3 đập thép tại đầu các sông: Trà Tân, Ba Rày và Phú An thông ra sông Tiền nhằm ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng; trữ ngọt, phòng chống hạn, bảo vệ vùng trồng cây ăn quả đặc sản; trong đó, có trên 20.000 ha sầu riêng xuất khẩu giá trị kinh tế cao của địa phương.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh nhận định, với những giải pháp chủ động, căn cơ ứng phó hạn mặn như hiện nay Tiền Giang đảm bảo nguồn nước phục vụ các vùng sản xuất trọng điểm và dân sinh trong mùa khô 2023 – 2024 nói chung, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn nói riêng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục