Chưa có cơ sở nói ô nhiễm bụi ở Hà Nội cao thứ hai Đông Nam Á

21:08' - 02/04/2019
BNEWS Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, ô nhiễm bụi ở Hà Nội là có thật và ở mức cao nhưng nếu nói ô nhiễm bụi ở Hà Nội cao thứ hai Đông Nam Á thì chưa có cơ sở.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân trả lời câu hỏi của phóng viên về mức độ ô nhiễm ở Hà Nội. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Chiều 2/4, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, ô nhiễm bụi ở Hà Nội là có thật và ở mức cao nhưng nếu nói ô nhiễm bụi ở Hà Nội cao thứ hai Đông Nam Á thì chưa có cơ sở.

* Ô nhiễm bụi ở Hà Nội là có thật nhưng ở cao mức thứ hai Đông Nam Á thì chưa có cơ sở

Tại họp báo, phóng viên đưa ra vấn đề: Những ngày qua, thông tin Hà Nội ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) đứng thứ hai Đông Nam Á (sau Jakarta - Indonesia) được lan truyền, khiến người dân Thủ đô lo lắng.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, tại Hà Nội, qua các thông số đo đạc được, ô nhiễm môi trường thường tập trung trong mùa đông và mùa xuân, từ tháng 12 năm trước đến tháng 2, tháng 3 năm sau. Kết quả quan trắc từ trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường và 10 trạm quan trắc không khí tự động của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cùng với tham chiếu số liệu quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho thấy, trong quý I/2019 hàm lượng bụi PM 2.5 đã vượt quy chuẩn cho phép trong một số ngày của tháng 1, 2, 3/2019.

"Việc ô nhiễm bụi vượt ngưỡng cho phép mang tính cục bộ ở Hà Nội là có thật. Nguyên nhân là do tập trung mật độ giao thông, nhiều công trình xây dựng, nhà máy sản xuất, hoạt động đốt rác của người dân… do đó mức độ ô nhiễm cao hơn. Nhưng thông tin Hà Nội ô nhiễm bụi cao thứ hai Đông Nam Á xuất phát từ một báo cáo về hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh là chưa chính xác, vì trong bảng thống kê chỉ có số liệu của 20 thành phố thuộc 4/11 quốc gia Đông Nam Á, do đó không có cơ sở kết luận như vậy", Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết thêm, sự thật là không khí ở thành phố Hà Nội có ô nhiễm và phải quyết tâm có giải pháp giảm thiểu.

Thành phố Hà Nội hiện rất quyết liệt trong xây dựng thêm 80 trạm quan trắc không khí để phủ hết địa bàn thành phố, làm cơ sở kết luận mức độ ô nhiễm của Hà Nội trong từng thời điểm cụ thể.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với thành phố Hà Nội và lãnh đạo thành phố cũng quyết tâm di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi thành phố.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô nhằm hạn chế tối đa mức độ xả thải của phương tiện giao thông.

Bộ Xây dựng chỉ đạo các công trình xây dựng trong thành phố phải bảo đảm che chắn kỹ, giảm thiểu bụi, vật liệu xây dựng.

Về việc thực hiện Quyết định 09/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý chất thải rắn, Bộ đã thành lập tổ công tác liên ngành, rà soát quy định của pháp luật, xem xét vấn đề chồng chéo, hạn chế tại các nghị định, thông tư trong quản lý chất thải rắn để bảo đảm quản lý thống nhất.

Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện sơ thảo nghị định để sửa các nghị định khác liên quan đến quản lý chất thải rắn.

Còn về vấn đề môi trường tại các bãi rác thải, Thứ trưởng Nhân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho kiểm tra hiện trạng các bãi rác thải trong cả nước, trong đó tập trung vào rác thải sinh hoạt.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp đi kiểm tra một số tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hưng Yên và một số địa phương nóng về rác thải để nắm tình hình và chỉ đạo cụ thể.

Sắp tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có 4 đoàn công tác đi khảo sát ở 4 vùng để đánh giá thực trạng quản lý chất thải rắn, tập trung quản lý rác thải, hiện trạng quy trình quản lý, đề xuất giải pháp quản lý hữu hiệu nhất, tiến tới thống nhất quản lý về một bộ. Đặc biệt là vấn đề: Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất quản lý như thế nào.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị để trong tháng 4/2019 sẽ có hai hội thảo về pháp luật, cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, định mức… trong quản lý chất thải rắn; mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn nói chung, tập trung vào rác thải sinh hoạt.

Đến tháng 6/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức hội nghị quốc gia về quản ý chất thải rắn; sau hội nghị sẽ hoàn thiện dự thảo nghị định, đề án thống nhất quản lý chất thải rắn ở cấp Trung ương cũng như địa phương, chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp cấp bách quản lý chất thải rắn thời gian tới…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục